“Luồng xanh” cho phim độc lập

Phương Trang| 21/10/2021 07:00

Ngày 27/9/2021 vừa qua, nhà sản xuất (NSX) Đồng Thị Phương Thảo cho biết đã từ bỏ quyền sở hữu, do đó Vị (Taste) không còn là phim Việt Nam mà thuộc sở hữu chính của NSX Singapore. Động thái này được hiểu nôm na là Vị "từ bỏ quốc tịch Việt Nam", là nỗ lực để phim có thể đến được các liên hoan phim (LHP) quốc tế.

“Luồng xanh” cho phim độc lập

Phim Vị (Taste) của đạo diễn Lê Bảo nhận giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo hạng mục Encounters (Những cuộc gặp gỡ) tại LHP Berlin 2021 nhưng lại bị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phạt 35 triệu đồng vì gửi phim dự thi khi chưa được phép phổ biến.

“Visa” cho phim độc lập

Không riêng Vị mà với các phim Việt Nam được mời dự LHP quốc tế nói chung thường rơi vào tình trạng được nước ngoài đánh giá cao nhưng lại không qua được vòng kiểm duyệt trong nước. Trường hợp phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy mới đây là một ví dụ.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, chia sẻ: “Phim độc lập là nơi tiếng nói tác giả được tuyệt đối tôn vinh nên luôn kéo theo sự thay đổi đối với nhận thức và thẩm mỹ của người xem. Tranh cãi xoay quanh đó là điều tất yếu. Tranh cãi này thoáng qua có thể mang lớp vỏ của “chia phe". Nhưng thực chất lại là tiền đề xới xáo những vấn đề cốt yếu và có lợi cho phát triển văn hóa. Những cãi cọ vô bổ dần sẽ nhường chỗ cho những tranh luận căn cốt có ích cho việc đi đường dài”.

Chị nêu dẫn chứng: “Phim độc lập Việt Nam làm ra rất ít, nhưng đã làm ra thì khả năng gặt hái thành công tại các LHP quốc tế lại khá lớn và trên đà tiếp tục tăng trưởng. Tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước là 0 đồng, nhưng thành tựu đạt được của phim độc lập thực sự có ích cho vị thế quốc gia. Ví dụ gần nhất với phim ngắn CJ, mùa đầu 5 phim được làm ra là có một phim không qua được kiểm duyệt, 3 phim đoạt giải tại các liên hoan phim uy tín. Mùa 2 thì 5 phim được làm ra có một phim không qua được kiểm duyệt nhưng lại có 4 phim tranh giải tại các LHP uy tín. Tỷ lệ này rất đáng để suy ngẫm”.

Vì lẽ đó, giới làm phim gồm những nhà sản xuất, đạo diễn có uy tín như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp... đồng tình kiến nghị nên có thêm giấy phép tham gia LHP quốc tế, tách biệt phim độc lập với giấy phép phổ biến phim trong nước.

Nói cách khác, đây là “visa” để phim Việt Nam ra nước ngoài. “Visa” này không có giá trị như giấy phép phổ biến ở Việt Nam hiện nay nhưng sẽ giúp phim có thể tham gia LHP ở các quốc gia khác. Nếu phim có kế hoạch phát hành tại rạp chiếu hoặc hạ tầng bất kỳ tại Việt Nam thì cần tuân thủ quy định như các phim thông thường. 

Hội đồng chỉ nên thẩm định, phân loại thay vì cấm phim

Trong bản kiến nghị của giới làm phim nêu tại tọa đàm “Ai góp ý giơ tay lên!”, có đề xuất đáng chú ý: Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện hiện nay nên đổi tên thành Hội đồng Đạo đức điện ảnh và chỉ thẩm định, phân loại độ tuổi phim thay vì cấm phim.

Đạo diễn Phan Đăng Di - người soạn kiến nghị cho rằng: "Hội đồng cần đảm bảo phần lớn thành viên là những người có chuyên môn về điện ảnh. Có ít nhất hai hội đồng duyệt trung ương ở Hà Nội và TP.HCM. Cần công bố công khai mọi ghi chép, lời nói, căn cứ để hội đồng đưa ra kết quả phân loại".

PGS-TS. Bùi Hoài Sơn - đại biểu Quốc hội - nhận xét về buổi góp ý của giới làm phim: "Ý kiến của các nhà làm phim, nhà sản xuất, biên kịch... đều rất hữu ích, giúp sửa đổi Luật Điện ảnh theo hướng tháo gỡ để điện ảnh Việt Nam phát triển. Tôi muốn kiến nghị của các nhà làm phim phải cụ thể hơn nữa. Cần kiến nghị điều nào phải sửa, sửa như thế nào. Tôi mong Luật Điện ảnh sửa đổi có cách tiếp cận mới: điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Luồng xanh” cho phim độc lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO