Khi diễn viên được “chọn mặt gửi vàng”

Đinh Hương| 28/03/2020 07:00

Khi được chọn đóng vai nhân vật lịch sử có thật, diễn viên phải đáp ứng yêu cầu hao hao giống về ngoại hình (nếu là nhân vật gần đây), nhưng quan trọng hơn vẫn phải có diễn xuất tốt.

Khi diễn viên được “chọn mặt gửi vàng”

NSƯT Thành Lộc vai Thiệu Trị Hoàng Đế trong phim Phượng khấu

Ở thời điểm này, Trưng Vương là huyền sử về hai vị nữ vương nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị tiền kỳ và casting diễn viên; web-drama Phượng khấu (dã sử) tái hiện cuộc đời của Phạm Hiệu Nguyệt (tức Từ Dụ Hoàng thái hậu) đang công chiếu. Đây là sự nối dài danh sách những nhân vật lịch sử như vua Quang Trung, vua Bảo Đại, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, thái sư Trần Thủ Độ... từng được khắc họa trong các phim điện ảnh và truyền hình, như Vó ngựa trời Nam, Ngọn nến hoàng cung, Người cộng sự, Thái sư Trần Thủ Độ, Tây Sơn hào kiệt, Khát vọng Thăng Long...

Thực tế cho thấy, để làm được một bộ phim về nhân vật lịch sử luôn gặp nhiều khó khăn. Bởi từ việc tìm kiếm tư liệu, lên ý tưởng kịch bản, viết kịch bản chi tiết, chọn diễn viên, bối cảnh, đạo cụ cho đến hậu kỳ đều cần rất nhiều thời gian và sự chỉn chu. Để có được bộ phim truyền hình Ngọn nến hoàng cung (45 tập, công chiếu năm 2004), ê kíp thực hiện phải mất hơn 7 năm (từ năm 1993) để hoàn thành kịch bản. Hàng nghìn trang tư liệu, hình ảnh được sưu tầm từ Nam ra Bắc, rồi từ Pháp, Trung Quốc... và rất nhiều “nhân chứng sống” xung quanh cuộc đời Bảo Đại, Từ Cung, Nam Phương... Sau đó, còn thêm ba năm cho quá trình từ khởi quay đến hoàn chỉnh hậu kỳ của 45 tập phim. 

Với những bộ phim mà không gian và thời gian đã qua hàng thế kỷ thì việc chuẩn bị tư liệu, kịch bản lại càng tốn nhiều công sức. Không chỉ vậy, sau khâu kịch bản thì phim về nhân vật lịch sử luôn gặp khó khăn để tìm diễn viên, nhất là khi nhân vật quá nổi tiếng, được biết đến nhiều về nhân dáng, tính cách, tài năng. Thế nên có không ít phim chỉ mới casting (thử vai) tạo hình nhân vật, hoặc vừa tung ra trailer, công chiếu tập đầu đã gây tranh cãi. Chẳng hạn, mới đây Phượng khấu từng bị một số khán giả cho rằng NSƯT Thành Lộc không phù hợp vai vua Thiệu Trị vì thiếu thần thái của bậc quân vương, rồi phim “cung đấu” mà chọn toàn diễn viên lớn tuổi đóng vai hoàng hậu, phi tần, cung nữ. Đạo diễn phim phải giải thích rằng, ngoài NSƯT Thành Lộc thì khó ai có thể vào vai vua Thiệu Trị. Vì trong câu chuyện kể của Phượng khấu, vua Thiệu Trị có nhân dáng nho nhã của một nhà thơ, một vị vua hòa ái, nhân hậu. Còn lý do chọn diễn viên lớn tuổi vì “diễn viên trẻ khó diễn xuất có chiều sâu”.

Diễn xuất đòi hỏi phải có chiều sâu là một lựa chọn quan trọng mà đa số phim về nhân vật lịch sử chú trọng. Nghĩa là khi chọn diễn viên, các đạo diễn đặt phần thần thái lên trên ngoại hình, bởi khó có thể tìm được người giống hệt nhân vật. Hơn nữa, chỉ giống thôi là chưa đủ mà diễn viên được chọn phải có khả năng diễn xuất tốt và lột tả được khí chất, tính cách nhân vật để khi xuất hiện trên màn ảnh, khán giả tin đó là nguyên mẫu trong lịch sử. Trước khi khởi quay, ê kíp làm phim Ngọn nến hoàng cung đã dành khá nhiều thời gian để casting tuyển chọn diễn viên đóng vai vua Bảo Đại. Sau nhiều đợt thử vai, dù từng có những nam diễn viên gương mặt rất giống Bảo Đại nhưng cuối cùng đạo diễn lại quyết định chọn Huỳnh Anh Tuấn. Bởi Ngọn nến hoàng cung là phim lịch sử chứ không phải chép lại lịch sử, do đó quan trọng là diễn viên phải thể hiện được đúng tinh thần của nhân vật, còn hình thể, vóc dáng và cả cốt cách chỉ cần tương đối.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi diễn viên được “chọn mặt gửi vàng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO