Chất liệu văn hóa Việt còn ít được khai thác

Đinh Hương| 01/05/2022 07:00

Nguồn chất liệu văn hóa - yếu tố làm nên chất bản địa mà khán giả trong nước và nước ngoài mong chờ - vẫn chưa được nhiều nhà làm phim Việt Nam khai thác.

Chất liệu văn hóa Việt còn ít được khai thác

Không quảng bá rình rang, nhưng bộ phim Đêm tối rực rỡ (khởi chiếu từ ngày 8/4/2022) vẫn gây ấn tượng với giới chuyên môn và khán giả, bởi sự am hiểu của một đạo diễn người Mỹ đối với văn hóa Việt Nam. Đây là phim Việt đầu tiên khai thác tường tận nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của phong tục tang ma. Xem phim, các chi tiết khắc họa tục lệ trong đám tang của người Nam Bộ như nghi thức đọc kinh, vái lạy, ca sĩ, nghệ sĩ cải lương biểu diễn đều được thể hiện chân thật.  

Nhiều năm qua vẫn có một dòng phim Việt lồng ghép yếu tố văn hóa Việt, từ câu chuyện, bối cảnh đến âm nhạc, phục trang, như phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể có bối cảnh ở di tích cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Gái già lắm chiêu V với những cảnh quay ở quần thể cố đô Huế - di sản văn hóa thế giới. Trong phim Song Lang, qua một gánh hát nói về sự thăng trầm của nghệ thuật cải lương đã có bề dày cả trăm năm. Cô Ba Sài Gòn kể câu chuyện về áo dài truyền thống được lưu giữ. Trạng Tí sử dụng khá nhiều chất liệu văn hóa dân gian Việt, từ vẻ đẹp của cây đa đầu làng, khói lam chiều trên những mái tranh, bọn trẻ cưỡi trâu hò reo, chơi các trò chơi xưa. Võ sinh đại chiến góp phần quảng bá võ thuật Việt với chất liệu chính là võ Bình Định. Các phim như Mùa len trâu, Mê Thảo - Thời vang bóng, Áo lụa Hà Đông, Thiên mệnh anh hùng, Mẹ chồng, Lô tô, Cô gái đến từ hôm qua, Dạ cổ hoài lang, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Người bất tử, hay sắp tới là Em và Trịnh, Huyết rồng, Quỳnh hoa nhất dạ, Trưng Vương đều truyền tải ít nhiều chất liệu văn hóa Việt.

Tuy nhiên, với số lượng từ 30-50 phim phát hành hằng năm thì chỉ có một vài phim lồng ghép hay khai thác chất liệu văn hóa Việt là rất khiêm tốn. Chưa kể, có những khoảng thời gian chiếm lĩnh thị trường điện ảnh Việt Nam (về quảng cáo, tiếp thị và phát hành, doanh thu) thuộc về nhiều bộ phim làm lại (remake) từ kịch bản của nước ngoài. Có những bộ phim dựa vào theo nguyên tác văn học như Cậu Vàng (dựa trên truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao), Kiều (Truyện Kiều của Nguyễn Du) từng gây ra những tranh cãi về đúng sai trong sử dụng chất liệu văn hóa Việt.

Đặt trong bối cảnh phải cạnh tranh khốc liệt với dòng phim Việt giải trí và phim thương mại ngoại nhập, có nhiều nguyên nhân khiến các nhà làm phim Việt dè dặt trong việc khai thác chất liệu văn hóa Việt. Đầu tiên là kinh phí làm phim khai thác chất liệu văn hóa Việt thường rất cao do phải dựng bối cảnh. Để tìm bối cảnh phù hợp, ê kíp làm phim Trạng Tí gặp nhiều thách. Trong đó, thách thức lớn nhất là tìm ngôi làng Phan Thị. Khi đến các làng cổ Việt thì hầu như đều bị hiện đại hóa phần nào, nên ê kíp làm phim buộc phải dựng một ngôi làng Phan Thị như kịch bản yêu cầu. Bộ phim Trưng Vương trải qua ba năm chuẩn bị với rất nhiều công phu, như làm việc với nhiều giáo sư sử học Việt Nam, nhà nghiên cứu lịch sử để tạo nên sự chỉn chu từ kiến trúc, trang phục, bối cảnh và câu chuyện liên quan đến hai vị nữ vương. Hai phim cổ trang Quỳnh hoa nhất dạ, Huyết rồng cũng rất tốn kém trong việc phục dựng bối cảnh, trang phục.

Có một điểm lưu ý là hầu hết phim điện ảnh khai thác hay lồng ghép chất liệu văn hóa Việt đều được đầu tư bởi các nhà sản xuất phim tư nhân. Với họ đây là lối đi mang tính tự nguyện, tuy không chắc sẽ thắng về doanh thu, thậm chí còn chịu áp lực từ cả giới chuyên môn lẫn khán giả, dù vậy Song Lang, Áo lụa Hà Đông và một số phim khai thác chất liệu Việt từng được nhận giải thưởng của Liên hoan Phim Quốc tế uy tín. Năm ngoái, tại lễ ra mắt phim Thanh Sói, nhà sản xuất - đạo diễn Ngô Thanh Vân từng chia sẻ, Studio 68 do chị thành lập hoạt động trên một trong ba tiêu chí là tìm kịch bản gốc phải hướng về con người và văn hóa Việt Nam, nỗ lực để có sản phẩm thuần Việt. Các phim Song Lang, Cô Ba Sài Gòn, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Hai Phượng, Trạng Tí là minh chứng cho tâm huyết của Ngô Thanh Vân. Với Trưng Vương, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cho biết: “Chúng tôi nghĩ, bộ phim này mang đậm bản sắc dân tộc Việt, nên do người Việt thực hiện là phù hợp nhất. Bởi chỉ có người Việt mới hiểu đúng lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa Việt. Chúng tôi hy vọng qua phim Trưng Vương sẽ khơi dậy niềm tự hào cho khán giả Việt Nam cũng như giới thiệu được nét đẹp văn hóa của dân tộc ta đến với bạn bè quốc tế”. 

Thiết nghĩ, để các nhà đầu tư làm phim mặn mà với chất liệu văn hóa Việt, sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua đặt hàng hoặc tài trợ là vô cùng cần thiết. Đó không chỉ là cách xây dựng nền điện ảnh đậm đà bản sắc dân tộc như tiêu chí vẫn đề ra, mà còn góp phần đưa bản sắc văn hóa Việt đến với khán giả trong nước, đồng thời qua điện ảnh giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt ra thế giới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chất liệu văn hóa Việt còn ít được khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO