Bất cập quy định chọn nhà đầu tư
Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty CP Hải Nhân cho biết, dự án khu dân cư phường Phước Long B, quận 9 (TP.HCM) do công ty làm chủ đầu tư đã kéo dài hơn 13 năm. Nhưng đến nay, công ty vẫn loay hoay chạy để xin phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và giấy phép xây dựng cơ sở hạ tầng dự án. Nguyên nhân kéo dài do dự án có chủ trương chấp thuận đã lâu, nhưng hàng loạt thủ tục pháp lý liên quan vẫn còn chồng chéo, không loại trừ khả năng dự án bị thu hồi do hết thời hạn triển khai.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - ông Lê Hoàng Châu cho biết, kể từ ngày 1/7/2015 (ngày Luật Nhà ở có hiệu lực) đến tháng 8/2018, Sở Xây dựng TP.HCM trình và được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc công nhận chủ đầu tư đối với 170 dự án nhà ở thương mại. Phần lớn các dự án này, trước đây đã được UBND TP.HCM chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở (cũ). Trong đó, bao gồm 44 dự án có quyền sử dụng đất ở, chiếm tỷ lệ 26%; 126 dự án còn lại có quỹ đất hỗn hợp, chiếm tỷ lệ 74%. Phần lớn đất ở các quận ven và huyện ngoại thành, có nguồn gốc do đền bù từ đất nông nghiệp, đất chuyên dùng (trong số này có 51 dự án đến nay đã hết thời hiệu).
Hiện nay, có bất cập nảy sinh gây phiền hà cho doanh nghiệp vì từ tháng 9/2018 đến nay, các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (kể cả 51 dự án đã hết thời hiệu), đều phải thực hiện thủ tục thông qua Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM để trình UBND Thành phố ban hành quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Như vậy, các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư trước đây, kể cả các dự án có quỹ đất hỗn hợp đều làm lại thủ tục mới được công nhận chủ đầu tư.
Một bất cập khác cũng liên quan đến sự chồng chéo của luật, Sở Tài nguyên - Môi trường đã có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về bất cập liên quan đến khái niệm nhà đầu tư và chủ đầu tư. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, sau khi được UBND Thành phố công nhận là chủ đầu tư, sẽ triển khai bước tiếp theo là trình phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Tuy nhiên, theo quyết định chủ trương đầu tư, doanh nghiệp là “nhà đầu tư”, không phải là “chủ đầu tư”, nên doanh nghiệp không hoàn thiện được hồ sơ xin giao đất.
Nhiều điểm chồng chéo
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, qua triển khai thực hiện thủ tục đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại, nhà đầu tư không thể đảm bảo được quyền sử dụng đất ở hợp pháp do khu đất dự án có nguồn gốc đất chủ yếu do bồi thường đất nông nghiệp hoặc sử dụng đất chuyên dùng. Trong khi đó, các dự án này đã được UBND Thành phố chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở (cũ), theo các quyết định giao đất, cho thuê đất của UBND Thành phố, hoặc chủ đầu tư nhận chuyển nhượng đất đã có quyền sử dụng đất ở.
Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về 20 điểm chồng chéo của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu. Việc chồng chéo này tác động lớn đến các dự án đầu tư, không rõ các trình tự thực hiện các thủ tục, cũng như không rõ quan hệ của các luật. Điều này gây ra hệ quả: làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư, tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh.
Về phía các doanh nghiệp, khi làm thủ tục, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất nhiều thời gian, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau cho các cơ quan nhà nước khác nhau. Chi phí giao dịch rất tốn kém. Trong quá trình thực thi dự án, doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra từ các cơ quan khác nhau nhưng lại có nội dung giống nhau. Không chỉ các dự án luôn đối mặt với tình trạng đình trệ, phát sinh chi phí, mà rủi ro vi phạm pháp luật của doanh nghiệp cũng cao.
Ngoài ra, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết thêm: “Có tình trạng nhiều địa phương, thậm chí các bộ ngành hiện nay không dám giải quyết công việc; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khiến hoạt động đầu tư, kinh doanh bị đình trệ, chậm tiến độ và nhiều việc phải đẩy lên đến cấp Thủ tướng, cấp Chính phủ giải quyết”.