Rà soát đầu tư kết nối các tuyến đường bộ cao tốc
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 5680/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về đầu tư kết nối các tuyến đường bộ cao tốc.
Nội dung Công điện nêu rõ, đường bộ cao tốc được hình thành đã và đang tạo động lực quan trọng giúp các địa phương mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội trên địa bàn; hình thành nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch và là một trong những sản phẩm thu hút đầu tư hấp dẫn... nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng quỹ đất, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp, việc kết nối giữa tuyến đường bộ cao tốc và hệ thống đường bộ trên địa bàn các địa phương còn hạn chế, chưa gắn kết giữa đường bộ cao tốc và các quy hoạch nên chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, các không gian phát triển mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Do đó, để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ, cơ quan để hoàn thiện Báo cáo về kết nối các tuyến cao tốc theo Công điện số 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023.
Trong đó lưu ý, phối hợp với các địa phương làm rõ sự phù hợp của các nút giao, tuyến kết nối với các quy hoạch có liên quan; xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền quyết định đầu tư các nút giao, tuyến kết nối tuân thủ quy định Nghị định số 25/2023/NĐ-CP ngày 19/5/2023 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc và pháp luật liên quan; rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư các nút giao, tuyến kết nối phù hợp với khả năng cân đối vốn bảo đảm hiệu quả, khả thi và huy động tối đa nguồn lực để sớm đầu tư các nút giao, tuyến kết nối.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các địa phương thống nhất phương án để sớm đầu tư các nút giao và tuyến kết nối của các dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý theo quy định pháp luật.
Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2024.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải trong quá trình rà soát, hoàn thiện báo cáo; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện số 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023 về việc rà soát kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các vùng, địa phương.
Trước đó, ngày 26/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 769/CĐ-TTg về rà soát việc kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương.
6 tháng đầu năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công 7 dự án đường bộ, gồm: Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ; nâng cấp đoạn Km18 - Km80, quốc lộ 4B Lạng Sơn; nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn.
Đáng chú ý, có 2 dự án đường bộ cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT là Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt đã về đích theo đúng yêu cầu, đánh dấu hoàn thành toàn bộ 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1, dài 653km), rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Vinh và từ TP.HCM đến Nha Trang, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên hơn 2.000km.