Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Theo đó, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015.
Sau khi kinh tế Thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng quý I đạt 1,87%, quý II đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%.
Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hằng năm trong giai đoạn 2011-2015). Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hằng năm trong giai đoạn 2011-2015).
Trên cơ sở đề xuất của UBND TP.HCM, Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31/12/2023, đồng thời, đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật |
Đồng thuận với đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, hiện nay việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được triển khai và có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra những định hướng chỉ đạo góp phần hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật cho việc phát triển TP.HCM trong những năm tiếp theo.
Theo ông Cường, sau khi tổng kết toàn diện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội theo đúng quy định tại Nghị quyết số 54. Do đó, để có thêm căn cứ chính trị vững chắc trong đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật cho TP.HCM thì trước mắt nên cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54.
Cũng theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, căn cứ vào hồ sơ trình của Chính phủ, tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ chưa đưa ra được những đề xuất chính sách để áp dụng ổn định sau thời gian thí điểm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do vậy, phương án tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 là cần thiết.