Quảng cáo thuốc đông y trên YouTube: Đừng vội tin “thần dược”

Tỉnh Châu| 25/09/2022 03:00

Gần đây xuất hiện nhiều quảng cáo thuốc Đông y gia truyền chữa lành bách bệnh chỉ trong thời gian ngắn. Thế nhưng, thực hư thế nào thì chưa được kiểm chứng.

Quảng cáo thuốc đông y trên YouTube: Đừng vội tin “thần dược”

Theo BS. Mai Văn Lực - Khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E Trung ương, không có loại thần dược nào, không có bài thuốc gia truyền nào có thể áp dụng cho mọi người bệnh. Người ta thường nói là điều trị người bệnh chứ không phải là điều trị bệnh.

Bản chất việc điều trị bằng y học cổ truyền là một phương pháp điều trị tốt, nếu được chỉ định đúng bệnh, đúng mức độ. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn quảng cáo về thuốc y học cổ truyền là sự thổi phồng, thậm chí gian dối. 

Đặc điểm của những người quảng cáo tự xưng là lương y để bán thuốc không có chuyên môn y tế đầy đủ. Chẳng hạn, sỏi thận có nhiều mức độ khác nhau, mỗi mức độ, mỗi cá thể lại có những đặc điểm riêng, có trường hợp phải can thiệp sớm nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng, như ứ mủ do sỏi, suy thận cấp do sỏi thận niệu quản hai bên. Do đó, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám mới biết được tình trạng bệnh, mà can thiệp bằng phẫu thuật hay dùng thuốc. Tuy nhiên, những nhóm quảng cáo thuốc đông y lại không làm như vậy. Họ thần thánh hóa hiệu quả của các loại thuốc và người bệnh nào cũng dùng được. Nguy hiểm hơn, họ đánh vào tâm lý của người bệnh như sợ phải phẫu thuật, muốn thử xem hiệu quả như thế nào, thậm chí kể cả kinh tế. Để chắc chắn hơn, họ còn cam kết, “nếu không khỏi bệnh chúng tôi sẽ hoàn trả 100% tiền”. Nhưng thực tế nếu không khỏi bệnh, thậm chí bị biến chứng, nguy hiểm tính mạng thì không một ai hoàn tiền hay chịu trách nhiệm. Đó là chưa kể việc các loại thuốc đông y bán trôi nổi, không biết thành phần là gì, cơ sở sản xuất ở đâu. 

“Việc sử dụng các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc sẽ gây nên những rối loạn trong cơ thể, dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm. Trong quá trình thực hành lâm sàng về chuyên khoa phẫu thuật thận tiết niệu và nam học tại Bệnh viện E, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp uống thuốc đông y không rõ nguồn gốc để điều trị sỏi thận. Hậu quả là sỏi không hết mà thận thì hỏng, mất chức năng, dẫn tới phải cắt bỏ. Có trường hợp bệnh nhân bị sỏi thận niệu quản hai bên, nghe theo quảng cáo đã điều trị bằng thuốc đông y “thần dược”, đến khi bị phù, suy thận, thiểu niệu thì mới vào bệnh viện”, BS. Lực thông tin thêm.

BS. Nguyễn Hoàng Trung - Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM nêu ý kiến: “Nhiều loại thuốc đông y quảng cáo trên YouTube rất phản khoa học vì không có thông tin chứng minh trị bệnh dựa trên cơ chế nào, thử nghiệm ở đâu,  bao nhiêu người dùng đã khỏi bệnh... Tất cả loại thuốc Tây y đều có chỉ định, công dụng, liều lượng khi dùng, còn những thứ thuốc không chứng minh được điều đó đều là phản khoa học”.

Cũng theo BS. Trung cho rằng, không thể có thần dược trị bệnh như trong quảng cáo. Trong đông y, người ta nghiên cứu các chất và dược liệu trong một số loại thực vật, động vật, chứng minh được các thành phần trị bệnh của chúng. Uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc như trong quảng cáo trên YouTube có thể gây ra bệnh mới, nghiêm trọng hơn thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Như vậy, dù những lời quảng cáo như “rót mật vào tai”, người tiêu dùng nên tìm hiểu thật kỹ nếu muốn dùng, nhất là lắng nghe ý kiến bác sĩ mỗi khi có bệnh là giải pháp an toàn cho sức khỏe tốt nhất. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quảng cáo thuốc đông y trên YouTube: Đừng vội tin “thần dược”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO