Chuyển đổi số để phát huy tiềm lực doanh nghiệp

Tỉnh Châu| 10/10/2022 01:55

Nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tại Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được với môi trường số hóa, dẫn đến tiềm lực DN còn nhiều hạn chế. Trong buổi tọa đàm “Chuyển đổi số - Tầm nhìn doanh nhân”, các chuyên gia nhận định doanh nghiệp nào cũng có thể chuyển đổi số thành công.

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp khi chuyển đổi số

Trong xu hướng mua hàng online của người Việt ngày càng gia tăng, ông Lương Duy Hoài - CEO Giao Hàng Nhanh cho rằng doanh nghiệp (DN) cần tìm hiểu về “cuộc di dân” lớn nhất lịch sử - từ offline sang online, từ đó mới có thể hình dung rõ việc khi khách hàng thay đổi hành vi mua sắm, họ mong muốn DN thay đổi như thế nào để tự tìm ra câu trả lời phù hợp. Trước tiên, theo ông Hoài, DN nên tiếp cận kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT).

Đồng ý với ông Hoài, ông Lê Hữu Tấn Tài – Phó tổng giám đốc KMS Solution so sánh việc mở cửa hàng sẽ tốn kém hơn, thêm nữa nền tảng TMĐT sở hữu lượng khách hàng lớn, chỉ cần một vài nhân viên quản lý đơn hàng thì doanh thu bán lẻ sẽ tăng.

Bên cạnh đó, khi dành thời gian bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT, DN sẽ biết vị trí công việc trong công ty thay đổi theo hướng nào để có thể vừa duy trì hoạt động như bình thường, vừa liên tục chuyển đổi số để phù hợp với thị trường trong tương lai.

Áp dụng chuyển đổi số, nhân viên vừa làm việc trực tiếp với nhau, vừa làm việc với máy móc, dẫn đến tư duy của đội ngũ nhân sự trở nên rõ ràng và logic hơn, từ đó giúp DN thay đổi toàn bộ quy mô và cách thức vận hành. Hơn nữa, chuyển đổi số còn giúp đẩy nhanh tốc độ nhận diện thương hiệu.

Bà Trần Phương Ngọc Thảo - Thành viên HĐQT thường trực Công ty VBĐQ Phú Nhuận (PNJ) nhấn mạnh một trong những lợi ích của chuyển đổi số là tăng lựa chọn cho DN về các bên đối tác thứ ba, tiết giảm các vấn đề về giấy tờ, quản lý, từ đó, giúp DN tạo ra lợi nhuận. Nói về việc DN đạt doanh thu cao nhưng lãi thấp, bà chia sẻ DN phải phân tích và xác định lợi nhuận được tạo ra chủ yếu từ kênh bán hàng nào để thay đổi chính sách cho phù hợp. Vì nếu các kênh bán lỗ nhưng chính sách kinh doanh lại giống các kênh khác sẽ dẫn đến tình trạng DN bán nhiều nhưng lợi nhuận thấp. Tiếp theo, DN cần tối ưu về chi phí. 

-8000-1665368725.jpg

Các diễn giả tại toạ đàm

Không phải doanh nghiệp lớn mới có khả năng chuyển đổi số

Nói về chiến lược chuyển đổi số cho DN vừa và nhỏ, ông Tài khẳng định DN không cần nghĩ đến những việc quá lớn lao như hệ thống công nghệ thông tin mà chỉ cần nhân viên vừa đủ để sản xuất, bán hàng và giao hàng. Ông khuyên DN hãy bắt đầu từ một con người duy nhất, một quy trình duy nhất. Ví dụ tập trung vào nhóm bán hàng, quan sát dòng giá trị của DN, chú trọng vào những công cụ, quy trình để thúc đẩy việc bán hàng nhanh chóng và hiệu quả.

Ông nhấn mạnh không phải DN lớn mới có khả năng chuyển đổi số. Điều các DN vừa và nhỏ cần làm là nếu khách hàng cần món hàng nào thì hãy số hóa quy trình đó, DN sẽ có được nguồn khách hàng tốt hơn. Hơn nữa, chuyển đổi số phải hướng đến trải nghiệm khách hàng.

Về vấn đề này, ông Lương Duy Hoài bày tỏ: “Tôi nghĩ có hai việc giúp cho DN tiếp cận với chuyển đổi số trên sàn TMĐT. Đầu tiên, DN nên trở thành người mua hàng online, đặt mình vào góc nhìn của khách hàng để tìm ra giải pháp giúp tăng trải nghiệm mua hàng của họ. Thứ hai, làm việc với các đối tác có môi trường kinh doanh tốt để học hỏi kinh nghiệm”.

Chia sẻ về đội ngũ lãnh đạo để hướng tới chuyển đổi số, bà Trần Phương Ngọc Thảo nhận định người lãnh đạo cao nhất của DN phải có quyết tâm sắt đá và tầm nhìn đột phá. Vì vấn đề đầu tiên của chuyển đổi số là vấn đề về tư duy, mà để thay đổi tư duy của một tổ chức thì phải xuất phát điểm từ việc thay đổi tư duy của đội ngũ lãnh đạo cao cấp, đặc biệt là người lãnh đạo cao nhất của DN.

Thứ hai, chuyển đổi số nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động kinh doanh, do vậy, vai trò lãnh đạo về kinh doanh vô cùng quan trọng. Người này có nhiệm vụ gắn kết những hoạt động chuyển đổi số với hoạt động kinh doanh của DN.

Tiếp theo, chuyển đổi số phải có người lãnh đạo về công nghệ, người đứng ở vị trí này cần am hiểu về những xu hướng mới trên thị trường và đưa ra quyết định phù hợp về đầu tư cũng như về lộ trình, tiến độ khi DN thực hiện chuyển đổi số.

Nhóm “lãnh đạo” cuối cùng là đội ngũ nhân viên, đội ngũ bán hàng, những người trực tiếp sử dụng và bị ảnh hưởng bởi các công cụ số, và DN muốn chuyển đổi số phải có sự phân công phù hợp, đặc biệt, bốn nhóm lãnh đạo phải có sự phối hợp ăn ý và trao đổi thông tin kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyển đổi số để phát huy tiềm lực doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO