Quảng bá văn hóa ra thế giới là con đường nhiều quốc gia hướng đến và chú trọng vì nhiều lợi ích. Có lẽ, không phải đến bây giờ, trước sự tấn công ồ ạt của làn sóng Hàn, chúng ta mới nhận thấy điều đó, để giật mình tự hỏi: "Chúng ta có gì?".
Có thể thấy chiến lược quảng bá văn hóa của một số quốc gia khá công phu và quy mô, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nước điển hình. Nếu thế mạnh của người Hàn là phim ảnh và âm nhạc thì con đường của người là Nhật truyện tranh. Tất nhiên, phim ảnh, âm nhạc hay truyện tranh chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Sẽ không có lan tỏa nếu thiếu hỗ trợ tích cực, quy mô và lâu dài của chính phủ các nước này dưới nhiều hình thức.
Thậm chí, Thượng viện Nhật từ năm ngoái đã thông qua một quỹ 500 triệu USD, chi tiêu trong 20 năm, nhằm thúc đẩy sự xâm nhập của văn hóa Nhật Bản tại nước ngoài. Chiến dịch có tên Cool Japan (tạm dịch: Nhật Bản thú vị) mở rộng các giá trị, biểu tượng văn hóa của Nhật Bản như anime (phim hoạt hình), manga (truyện tranh), thiết kế thời trang, thực phẩm và du lịch... Chương trình này được giao cho Ủy ban Tái thiết kinh tế của Nhật Bản và trở thành một phần trong chiến lược phục hồi kinh tế Abenomics đang mang lại nhiều hy vọng cho nước Nhật.
Sự xâm nhập ồ ạt của làn sóng Hàn vào nhiều khía cạnh văn hóa - giải trí cũng như đời sống - xã hội ở Việt Nam là minh chứng rõ nét nhất. Trang điểm kiểu Hàn, thời trang kiểu Hàn, mỹ phẩm Hàn, món ăn Hàn, ca sĩ, giai điệu mang phong cách Hàn,... ngay cả vẻ đẹp cũng được quy chuẩn lấy vẻ đẹp Hàn làm thước đo. Độ phủ của phim Hàn rộng tới mức từng có một làng ở nước ta, người dân đặt tên con theo phim Hàn!
>“Xây dựng thương hiệu từ văn hóa Việt” |
Văn hóa đi trước, lợi ích hình ảnh, kinh tế, ngoại giao,... liền theo sau đã trở thành quy luật gần như bất di bất dịch. Người Hàn đã nắm bắt và tận dụng triệt để quy luật đó bằng sự chuẩn bị dài hơi, công phu và kỹ càng. Người Hàn sử dụng tiếng Việt, hiểu văn hóa Việt ngày càng nhiều. Nhưng, văn hóa Việt vẫn khá mờ nhạt, ngay cả với cộng đồng người Hàn đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Tại sao lại như vậy?
Trong khi đó, hầu hết những hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nếu như trước đây, hoạt động này chủ yếu diễn ra ở những lần tổ chức văn hóa, văn nghệ vào các ngày lễ lớn của dân tộc do cộng đồng người Việt tại nước ngoài và du học sinh tổ chức thì vài ba năm trở lại đây, hoạt động này đang bắt đầu có những bước tiến nhất định.
Điển hình, tháng 7 năm nay, Tổng lãnh sự quán Việt Nam đã phối hợp với nhiều quốc gia như Pháp, Nga, Đức, Ấn Độ, Cộng hòa Czech, Hy Lạp,... tổ chức các triển lãm nghệ thuật, tuần văn hóa, lễ hội. Có thể kể đến: Liên hoan phim Việt Nam tại thành phố Saint-Malo (Pháp), Quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Úc, Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga, Lễ hội đa văn hóa quốc tế tại Đức, Ngày Văn hóa Việt Nam tại Czech, Festival văn hóa, du lịch Việt Nam, Indonesia và Myanmar tại Canada, Lễ hội Di sản Văn hóa châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 6 tại thành phố New York (Mỹ), Triển lãm ảnh "My Vietnam" Ý...
Tuy nhiên, Việt Nam chỉ mới dừng lại ở góc độ giao lưu "có qua có lại" trên quan hệ ngoại giao giữa các nước chứ chưa tạo được điểm nhấn, chưa có kế hoạch quảng bá từng bước như các quốc gia khác. Nói khác đi, cánh cửa bước ra thế giới đã rộng mở nhưng chúng ta chưa có sự chuẩn bị dài hơi và chiến lược để giới thiệu mình với bạn bè thế giới. Khi lễ hội, triển lãm kết thúc cũng là lúc mọi thứ gần như trở lại con số không. Chỉ những cá nhân thực sự quan tâm đến văn hóa Việt mới lò dò tìm hiểu mà thôi.
Công cụ hữu hiệu, đa chiều nhưng thiếu chiều sâu - internet - được xem là phương tiện đắc lực trong trường hợp này. Hiếm hoi, một vài tác phẩm văn học như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, truyện Nguyễn Nhật Ánh,... được dịch sang tiếng Nhật cùng đôi ba tác phẩm nổi tiếng khác được dịch ra vài ngôn ngữ khác.
Song, cũng phải tỉnh táo để nhìn nhận rằng, những tác phẩm được dịch là nhờ vào mối quan hệ hoặc sự chủ động của một vài cá nhân ở chính quốc gia đó. Vài cuốn sách, dăm ba món ăn, hình ảnh, đôi bản nhạc,... có thể giúp người ta hình dung sơ lược về đất nước, con người của một quốc gia nhưng chẳng thể nào đưa người ta chạm vào chiều sâu văn hóa quốc gia đó.
Ngay cả việc giữ gìn, giới thiệu những giá trị và nét đẹp văn hóa đến với người dân trong nước cũng vẫn chưa có được sự quan tâm đúng mức, cụ thể và thiết thực từ người làm công tác quảng bá và quản lý văn hóa. Nhiều nhiều điệu hát, câu ca, nhiều nghệ nhân, các công trình văn hóa vật thể rơi vào quên lãng, bị thời gian bào mòn. Người trẻ biết và mê hát xẩm - loại hình được xem là độc đáo và đặc trưng của dân tộc - qua một chương trình truyền hình thực tế thì nên buồn hay nên vui?
Chúng ta nói nhiều, nhắc nhiều đến nền văn hóa ngàn năm văn hiến nhưng sẽ làm gì để trước hết, chính bản thân chúng ta hiểu được và trân trọng cái văn hiến ngàn năm ấy? Bởi, có hiểu được mình, mới không bị làn sóng ngoại ập vào và lấn lướt. Có hiểu được mình mới có thể tự hào và tự tin giới thiệu mình ra trước bạn bè quốc tế.
Không phải lần đầu tiên tự đặt câu hỏi và thấy câu trả lời rõ ràng hơn. Vấn đề là sau bao nhiêu năm, các cơ quan quản lý phối hợp và có định hướng như thế nào hay lại tiếp tục dậm chân tại chỗ?