Quảng bá du lịch qua điện ảnh

QUẾ VIÊN| 01/05/2009 01:07

Tới nay, thành công của bộ phim Triệu phú ổ chuột không chỉ đem lại giải Oscar phim hay nhất cho đạo diễn người Anh, Danny Boyle và cơ hội thành sao quốc tế của các diễn viên, mà còn có khả năng giúp hàng triệu người cải thiện đời sống. Theo The Wall Street Journal, tại Mumbai (Bombay) đã xuất hiện tour du lịch “slumdog tour” đưa du khách đến thăm một số trong 2.000 khu nhà ổ chuột với khoảng 10 triệu cư dân nơi đây.

Quảng bá du lịch qua điện ảnh

Tới nay, thành công của bộ phim Triệu phú ổ chuột không chỉ đem lại giải Oscar phim hay nhất cho đạo diễn người Anh, Danny Boyle và cơ hội thành sao quốc tế của các diễn viên, mà còn có khả năng giúp hàng triệu người cải thiện đời sống. Theo The Wall Street Journal, tại Mumbai (Bombay) đã xuất hiện tour du lịch “slumdog tour” đưa du khách đến thăm một số trong 2.000 khu nhà ổ chuột với khoảng 10 triệu cư dân nơi đây.

Bưu điện TP. Hồ Chí Minh - nơi thu hút nhiều du khách đã từng xuất hiện trong các phim Người Mỹ trầm lặng, Đông Dương...


Tuy gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều người Ấn vì tâm lý “tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, các hãng lữ hành như Reality Tour & Travel, tổ chức thăm Dharavi - khu ổ chuột lớn nhất và cũng là bối cảnh của bộ phim, vẫn khẳng định đây là ý tưởng thay vì dịch vụ du lịch sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp họ xóa nghèo.


Điện ảnh và quảng cáo du lịch


Phim ảnh từ lâu đã là một công cụ quảng cáo vô cùng hiệu quả cho công nghiệp du lịch. Khi một địa điểm may mắn được chọn làm bối cảnh cho một bộ phim thành công thì khả năng thu hút du khách vô cùng lớn.


Sau khi Những ngày nghỉ tại Roma của Audrey Hepburn và Gregory Peck ra mắt khán giả thì Roma trở thành điểm “phải đến” của nhiều đôi uyên ương. Từ đầu thập niên 1960, những bộ phim Cầu sông Kwai, Vua Xiêm và Thiếp đã khiến nhiều người phương Tây muốn tìm hiểu đất nước Thái Lan. Tuy nổi tiếng đã lâu nhưng Angkor chỉ thực sự biến Campuchia thành điểm nóng của ngành du lịch thế giới sau khi Chính phủ nước này cho phép đoàn làm phim Bí mật ngôi mộ cổ quay ngoại cảnh tại đền Ta Prohm. Tương tự là đền Potala qua phim Bảy năm ở Tây Tạng. Pháp cũng phá lệ, cho phép thực hiện một số cảnh của Mật mã Da Vinci trong Viện bảo tàng Louvre.


Không phải vô cớ mà trong phim Hàn Quốc, các đạo diễn luôn lồng vào những hình ảnh thật đẹp của đất nước, dù là phim cổ trang hay thời đại, các nhân vật trong phim giàu hay nghèo. Giờ thì họ đang tiếp bước Trung Quốc trong việc thực hiện những bộ phim truyền hình, phim nhựa hoành tráng để giới thiệu lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc với thế giới.


Sau khi những Lý Tiểu Long, Lý Liên Kiệt chinh phục khán giả năm châu bằng Vĩnh Xuân quyền, võ Thiếu Lâm thì tới Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu, Lý An… đưa lên màn bạc nghệ thuật kinh kịch, rối bóng, kiếm thuật, âm nhạc, múa cổ điển Trung Hoa… và gần đây nhất là Ngô Vũ Sâm.


Trong 150 phút chiếu của Đại chiến Xích Bích, khán giả phương Tây hoàn toàn bị chinh phục bởi những cảnh chiến trận dữ dội, hùng tráng mà đầy sáng tạo như một mê cung biết chuyển động, Gia Cát Lượng mượn tên trong sương mù, trận hỏa chiến rực trời trên biển… đan xen với những trường đoạn đậm văn hóa Trung Quốc và bàng bạc chất thơ như Lượng và Du bày tỏ tâm ý qua tiếng đàn, Tào Tháo ngâm thơ dưới trăng, Chu Du múa kiếm như vẽ, còn cảnh thiên nhiên thì chẳng khác gì những bức tranh thủy mặc…


Quảng bá hình ảnh Việt Nam qua phim ảnh


Hình ảnh Việt Nam tuy cũng đã xuất hiện trong vài bộ phim lớn của nước ngoài như Đông Dương, Người tình, Người Mỹ trầm lặng… nhưng không để lại ấn tượng sâu đậm trong khán giả, vì đó không phải là chủ đích của đạo diễn. Hơn thế nữa, chuyện các nhà làm phim thể hiện bối cảnh địa phương sai lạc cũng thường xảy ra vì nhiều lý do, do thiếu hiểu biết cũng có, như trong Tomorrow Never Dies cảnh đường phố Sài Gòn được quay tại Thái Lan với những biển hiệu viết toàn bằng chữ Hán.


Tuy chưa biết tới chừng nào điện ảnh trong nước mới đạt tới trình độ của Hàn Quốc hay Trung Quốc hiện nay, nhưng việc giới thiệu hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam qua phim không phải là không khả thi, chỉ có điều phải biết lượng sức mình. Thái Lan tuy có công nghiệp điện ảnh và kỹ thuật hậu kỳ hơn hẳn Việt Nam nhưng cũng chỉ dám sản xuất phim lịch sử hoành tráng vài năm gần đây sau khi chuẩn bị thật kỹ, không như ta, tính chuyện làm phim về Lý Thái Tổ mà các nhà làm phim bàn mãi vẫn không thống nhất chuyện ngài ăn mặc thế nào.


Gần đây nhiều người Việt ở nước ngoài đã ngạc nhiên trước cảnh Thành phố Hồ Chí Minh xanh đẹp và không kém phần thơ mộng khi xem Bỗng dưng muốn khóc trên VTV4. Được biết hiện Trăng nơi đáy giếng đang chu du ở nước ngoài. Khoan nói đến chuyện người xem có thích phim hay không, vì điều nay còn tùy vào quan điểm của mỗi người, nhưng hẳn sẽ có những người muốn tận mắt nhìn thấy ngôi nhà rường Huế trong đời thật, không gian đậm chất Huế không lẫn vào đâu, cũng như sau thành công của Mùi đu đủ xanh thì thực khách vào các nhà hàng Việt tại Paris đều hỏi về món gỏi đu đủ.


Chuyện quảng bá hình ảnh đất nước qua phim ảnh có thể không đình đám như tổ chức thi hoa hậu quốc tế với lý do thu hút du khách! Nhưng nếu đầu tư cẩn thận thì vừa có phim để chiếu trong và ngoài nước (với điều kiện phim phải coi được, không thuộc loại chiếu miễn phí cũng không ai xem) vừa là cách để thu hút du khách đến Việt Nam. Những bộ phim ít tốn kém nhưng đậm bản sắc dân tộc như Mùi vị trái anh đào của Abbas Kiarostami hay Thu Cúc đi kiện của Trương Nghệ Mưu đã khiến thế giới có thiện cảm với đất nước họ hơn bất cứ một chiến dịch PR hoành tráng nào và giá trị thuyết phục thì hơn hẳn những đoạn phim quảng cáo.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quảng bá du lịch qua điện ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO