Làm gì sau khủng hoảng?

PHẠM CHI LAN, Chuyên gia kinh tế| 11/09/2009 09:42

Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của VN chỉ đạt 32,3 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn đầu tư FDI giảm 22,5%, còn 4,7 tỷ USD.

Làm gì sau khủng hoảng?

Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của VN chỉ đạt 32,3 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn đầu tư FDI giảm 22,5%, còn 4,7 tỷ USD. Dù hiện nay, nhiều nơi đã nói đến vấn đề khôi phục kinh tế sau khủng hoảng, nhưng khôi phục như thế nào, các DN VN phải làm gì để vượt qua thời điểm khó khăn này?

Khủng hoảng qua đi nhưng những vấn đề cơ bản, yếu kém vẫn còn đó do những khó khăn cộng hưởng sau nhiều năm liền ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài bên trong, về độ mở của nền kinh tế, về năng lực cạnh tranh còn hạn chế, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện... Vì vậy, việc phục hồi kinh tế nước ta sẽ khó khăn và kéo dài chứ không dễ dàng.

Đừng nên nghĩ đơn giản phục hồi là sang năm, sang năm nữa chúng ta có thể đạt 7% - 8% mức tăng trưởng như trước mà phải mất vài ba năm. Nhưng phục hồi và phát triển như thế nào sau khủng hoảng lại phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta nhìn nhận nguyên nhân ở đâu để từ đó đưa ra những giải pháp thích ứng.

Sau khủng hoảng, nhiều nước sẽ cấu trúc lại nền kinh tế, cải cách để vượt qua khó khăn và tạo nền tảng mới. Thay đổi chung trên toàn cầu là xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa, phát triển công nghệ cao, đi vào công nghệ tri thức. Cùng với nó là một hệ thống giám sát tốt hơn để khắc phục những vấn đề toàn cầu hóa hiện nay.

Phải nói là các DN VN hầu hết là DN nhỏ và vừa, hoạt động theo quy mô gia đình với công nghệ thấp, năng lực cạnh tranh kém... Vào năm 2010, VN sẽ đứng vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình, và dù muốn hay không các DN VN cũng buộc phải vươn lên. Họ phải xây dựng được quy mô bán hàng trên thị trường khu vực chứ không chỉ là thị trường trong nước. Phải tính đến thị trường ASEAN 550 triệu người để xem quy mô của mình đến đâu, mạng lưới quốc tế của mình như thế nào, chứ không thể cứ làm gia công mãi. Phải xây dựng thương hiệu có tầm cỡ quốc tế cùng với việc nâng cao phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.

Từ khi khủng hoảng xảy ra, các DN VN đã quay lại thị trường nội địa và nỗ lực của họ đã thể hiện qua tăng trưởng về tiêu dùng trong nước thời gian vừa qua. Cụ thể là sức mua về hàng hóa và dịch vụ tăng khoảng 20% trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, các DN cũng nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới ngoài những thị trường đang khó khăn. Nói chung là các DN đều cảm nhận được thế giới sau khủng hoảng đòi hỏi các sản phẩm có chất lượng cao hơn, đảm bảo tốt hơn về an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cần phải có những nghiên cứu tiếp tục để biết nhu cầu tiêu dùng của các thị trường khác nhau, mối quan hệ giữa các thị trường như thế nào, thế lực của các nền kinh tế sẽ thay đổi ra sao sau khủng hoảng...

Tới đây, Nhà nước sẽ đưa ra định hướng về chiến lược phát triển 10 năm tới. Đó cũng là định hướng quan trọng cho DN để họ có thể điều chỉnh mình. Thích nghi là tố chất vô cùng quan trọng đối với DN, với những ai muốn tồn tại trong thế giới đang thay đổi rất nhanh hiện nay.

Cho nên muốn thích nghi, thích ứng được với tình hình thì DN phải liên tục theo dõi, tự điều chỉnh để phát triển theo những yêu cầu cao hơn. Đây là điều mà các DN VN đang nỗ lực thực hiện và tất nhiên chúng tôi cũng trông đợi Nhà nước trong quá trình thiết kế chính sách những năm tới quan tâm hơn nữa đến việc làm sao cho đường hướng phát triển của VN phù hợp với yêu cầu chung, xu hướng chung của thế giới; làm sao để tạo môi trường tốt hơn nữa cho các DN hoạt động. Trong đó có những nhân tố như môi trường mang tính cạnh tranh, phân bổ nguồn lực đáp ứng tiêu chí thị trường, bớt đi những “yếu tố thiên vị”. Những điều này cần phải khắc phục để tận dụng cơ hội mới có thể đặt ra cho nền kinh tế và cho DN VN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm gì sau khủng hoảng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO