Quà năm mới của con gái

Phan Thế Hải| 12/02/2023 05:00

Năm mới, con gái tôi dẫu là doanh nhân mới khởi nghiệp đã mua tặng bố con xe Mazda số tự động. Rằng bố đã có tuổi rồi, xe số tự động dễ điều khiển, đi đây đi đó tiện cho việc di chuyển, đỡ phải phụ thuộc. Nghĩa cử đó làm tôi cảm động rưng rưng.

Quà năm mới của con gái

Đang thời kỳ kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp lao đao, con gái lại là doanh nhân trẻ mới gia nhập thị trường phải đối mặt với bộn bề khó khăn mà vẫn nhớ đến bố để tặng món quà có ý nghĩa.

Hơn ba chục năm về trước, vợ chồng tôi sinh con gái đầu lòng. Đó là sự kiện quan trọng, con gái đẹp và đáng yêu như một thiên thần. Rất hạnh phúc khi gia đình có thêm một thành viên mới, nhưng đồng nghĩa với đó cũng là một áp lực về chi phí. Hồi đó, tôi mới tốt nghiệp đại học, chưa có việc làm, nguồn sống gia đình nhìn vào đồng lương còi cọc của vợ. Thời của nền kinh tế mới mở cửa, khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Cách mà người ta kiếm thêm thu nhập chỉ là nuôi thêm một vài con lợn, tận dụng thức ăn dư thừa để rồi cuối năm xuất chuồng bán kiếm lấy một khoản nho nhỏ cho việc mua sắm.

Khổ nhất vẫn là những tháng mùa Hè, trời nóng như đổ lửa nhưng không có điện. Nóng bức, người lớn thường vác chõng ra sân nằm vừa ngắm trăng sao với cái quạt mo, quạt một lúc mỏi tay rồi cũng chợp mắt được một chút. Nhưng với trẻ con thì không thể theo cách ấy. Con gái nằm ngủ hai vợ chồng vẫn thay nhau quạt. Ngưng quạt, nóng quá là con lại thức giấc. Vì thương con nên trong những tháng mùa Hè, với vợ tôi có thể nói là chưa lúc nào có một đêm đẫy giấc.

Rồi khu tập thể cũng có điện, ấy là dòng điện kéo từ trạm thủy nông về bằng một thỏa thuận giữa hai cơ quan. Đây là sự kiện trọng đại như Thiên chúa Phục sinh. Ít nhất là bớt cảnh tăm tối vào ban đêm. Thêm vào đó, một số gia đình khá giả còn có thể mua thêm cây quạt con cóc, chỉ cần cắm điện là mát rượi, sướng như ở thiên đàng.

Sau nhiều tháng ngược xuôi tìm kiếm cơ hội việc làm, nhẵn mặt gõ cửa ở những nơi, cuối cùng tôi cũng được một nơi chấp nhận ấy là Ngân hàng Nông nghiệp Lạng Sơn. Dẫu xa xôi nhưng ít nhất cũng được làm việc trong một bank, đúng với chuyên môn mình đã từng được đào tạo. Được nhận vào làm việc cũng là lúc tôi tiêu đến đồng tiền cuối cùng mà vợ vay mượn nhiều nơi dúi vào túi trước khi tôi dứt áo ra đi. Những ngày đầu đến văn phòng là những ngày căng thẳng, không phải vì nghiệp vụ chuyên môn mà chỉ vì phải đối mặt với cái đói dai dẳng chỉ vì khi đã cạn tiền, tôi chỉ sống dặt dẹo bằng những đồng tiền lẻ kiếm được, đủ trang trải để chống lại cái đói.

Rồi cũng đến ngày tôi nhận được tháng lương đầu tiên, 70 ngàn đồng cho một cử nhân tập sự. Thật vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Với số tiền đó, tôi chưa kịp nghĩ đến chuyện báo đáp đấng sinh thành, mà chỉ nghĩ đến chuyện mua một chiếc quạt con cóc tặng con gái, để ở quê nhà, vợ tôi không phải thức trắng mỗi đêm mùa Hè quạt cho con ngủ.

70 ngàn đồng, để trang trải cho 30 ngày ở xứ Lạng, mỗi ngày mất 2 ngàn đồng cho hai bữa ăn đạm bạc thì cuối tháng vẫn có thể để dành ra được 10 ngàn đồng. Với kế hoạch đó, cuối tuần tôi ra chợ Kỳ Lừa để ngắm món đồ mà tôi dự tính sẽ mua làm quà tặng con gái. Thời đó, Việt Nam mới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, khác với sự khan hiếm trước đây, ở chợ đường biên hàng hóa từ bên kia biên giới tràn vào đầy ắp, đủ các chủng loại. Tôi dừng lại ở một quầy đồ điện và ngắm nhìn chiếc quạt con cóc mẫu mã khá đẹp, ngắm nhìn đắm đuối và hình dung ra gương mặt rạng rỡ của con gái ngủ ngon trong những đêm mùa Hè xứ Nghệ. Hỏi giá, cô bán hàng cho biết là 35 ngàn. Bằng nửa tháng lương của tôi. Làm thế nào để gom đủ số tiền đó là một câu hỏi lớn.

Là nhân viên ngân hàng, mỗi tuần có 6 ngày làm việc, duy nhất mỗi ngày Chủ nhật được nghỉ, làm gì đây để kiếm thêm? Khi không có vốn, thật khó để có thể buôn bán. Cách duy nhất chỉ có thể là tham gia làm cửu vạn đường biên. Ở Lạng Sơn hồi đó, ai có con xe Minsk có thể chở khách đi lấy hàng mỗi ngày, có thể kiếm được vài chục ngàn đồng, nhưng xe thì mình không có rồi. Những người có sức vóc có thể lên đường biên gánh hàng cho thương lái theo con đường tiểu ngạch, mỗi ngày chăm chỉ cật lực cũng kiếm được chục ngàn. Biết là công việc vô cùng nặng nhọc nhưng tôi đã phải chọn cách đó.

Sau mấy cái Chủ nhật gia nhập đội quân cửu vạn ở Đồng Đăng, rồi tôi cũng kiếm đủ số tiền để sở hữu một chiếc quạt con cóc nhãn hiệu made in China. Đó là một ngày giáp Tết, tôi vẫn nhớ như in với cảm giác lâng lâng trước khi lên tàu về quê.

Giờ đây, đang là thời của hội nhập, của kinh tế tri thức, cơ hội nhiều vô kể, cách kiếm tiền cũng khác xưa rất nhiều. Nói về chuyện chiếc quạt nghe chừng cũ kỹ của những người già ưa hoài niệm. Nhưng không, đó là một phần của lịch sử, chính xác hơn là lịch sử phát triển kinh tế nước nhà. Mỗi doanh nhân ai cũng từng có thời lam lũ để nhặt nhạnh, tích lũy từng đồng vốn nhỏ nhoi trước khi có thể tham gia thị trường. Để trở thành những tỷ phú, những “cá mập” tham gia những thương vụ đầu tư hàng tỷ đô la như Phạm Nhật Vượng, như Trần Bá Dương, như Lê Thanh Thản, họ đều bắt đầu khởi nghiệp bằng những đồng vốn nhỏ lẻ, khiêm tốn.

Chỉ có thoát nghèo mới có cơ hội chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình và hơn thế là đền đáp công ơn của các đấng sinh thành. Lớn hơn nữa là chăm lo đời sống cho những người lao động. Viết những dòng này, trước tiên tôi muốn cám ơn món quà của con gái. Sau nữa tôi muốn cám ơn tầng lớp doanh nghiệp, doanh nhân, những người lính tiên phong trên mặt trận xóa đói giảm nghèo đang hằng ngày vật lộn với những sóng gió của thương trường để làm giàu cho chính họ, sau đó là làm giàu cho đất nước qua những khoản nộp thuế cho ngân sách.

Năm mới, chúc cho cộng đồng doanh nhân trong đó có con gái tôi dồi dào năng lượng, tiếp tục vững tay chèo trên chặng đường vượt qua sóng gió để chấn hưng nền kinh tế nước nhà.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quà năm mới của con gái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO