Puerto Rico - nơi sản sinh sự sống nhờ hít thở âm nhạc

PHÚC NHƯ THỦY| 26/07/2018 06:32

Dịch vụ phát trực tuyến và vị trí gần với Mỹ của hòn đảo Puerto Rico đã giúp những ca khúc như "Despacito" đứng đầu các bảng xếp hạng danh giá và các ca sĩ, nhạc sĩ của vùng đất này đang trở nên vô cùng quyền lực.

Puerto Rico - nơi sản sinh sự sống nhờ hít thở âm nhạc

Jennifer Lopez

Với hơn 5 tỷ lượt xem, Despacito của Luis Fonsi (từng sang biểu diễn tại Đà Nẵng đầu tháng 7 này) và Daddy Yankee hiện là video được xem nhiều nhất mọi thời đại trên YouTube, đồng thời đạt 3 giải thưởng lớn của Grammy Latinh 2017 cùng 3 đề cử Grammy 2018.

Còn nhiều thành tựu khác như Puerto Rico nắm giữ 27/100 video âm nhạc được xem nhiều nhất năm 2017 trên YouTube, hay 4 trong 6 nghệ sĩ Latinh nổi tiếng nhất trên Spotify gồm Fonsi, Yankee, Bad Bunny và Ozuna đều là những người con của Puerto Rico.

"Xuất khẩu" thế hệ vàng

Quần đảo Puerto Rico chỉ có 3,5 triệu dân, cộng với 5 triệu người Puerto Rico khác sống ở Mỹ. Làm thế nào họ có thể sở hữu đội ngũ ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như vậy? Bad Bunny (còn gọi là Benito Ocasio) đang sở hữu những ca khúc có hơn 500 triệu lượt xem trên YouTube, cho biết: "Đây là hòn đảo của vô số tài năng và nếu sống ở đây, bạn sẽ lớn lên nhờ hít thở âm nhạc".

Hơn một thế kỷ qua, Puerto Rico đã "xuất khẩu" âm nhạc sang Mỹ và từ đó lan ra toàn thế giới. Daddy Yankee nhận định: "Puerto Rico có vị trí thuận tiện, cho phép sử dụng rất nhiều sức ảnh hưởng từ châu Âu, Mỹ và Nam Mỹ”. Anh cũng chỉ ra: "Hòn đảo này là một phần của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, chúng tôi là công dân Mỹ và điều này đem đến cho chúng tôi rất nhiều thông tin từ khắp nơi trên thế giới".

Link bài viết

Năm 1917, đạo luật Jones-Shafroth trao quyền công dân Mỹ cho người Puerto Rico, mở đường cho những nghệ sĩ xuất thân từ hòn đảo này như Héctor Lavoe, Tito Rodríguez... và những người di cư từ Puerto Rico đến New York như Tito Puente, Willie Colón và Ray Barretto đem nhạc jazz Latinh và nhạc nhảy salsa đến Mỹ.

Thế hệ nghệ sĩ này đã sống qua thời kỳ đỉnh cao của Fania Records - hãng thu âm Latinh huyền thoại tại New York, thành lập năm 1964. Nghệ sĩ Puerto Rico sau này vẫn thống lĩnh thị trường salsa ở Mỹ, với những tên tuổi như Marc Anthony, Jennifer Lopez...

Còn Ricky Martin là ca sĩ nhạc pop người Puerto Rico từng đoạt giải Grammy và Grammy Latinh, đồng thời bán được hơn 55 triệu bản album trên toàn thế giới với 21 ca khúc lọt vào Top 10 tại Mỹ.

Hậu sinh khả úy

Góp phần vào sự bùng nổ hiện tại của âm nhạc Mỹ là thế hệ nghệ sĩ trẻ hơn - những người tiếp tục phát triển các xu hướng âm nhạc mới như là kết quả của việc di cư và trao đổi văn hóa: đầu tiên là nhạc house và soul những năm 1990, hiện là nhạc reggaeton (gốc Tây Ban Nha) và trap (pha trộn giữa rap và hip hop) Latinh.

Một trong những nghệ sĩ nổi tiếng của trap Latinh đến từ Puerto Rico là Bad Bunny với phong cách rất riêng biệt, đóng góp vào sự đa dạng về văn hóa của Mỹ. Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu Nielsen hồi cuối năm ngoái, ca khúc Despacito đã tạo nên lịch sử âm nhạc Mỹ Latinh.

Bad Bunny

Bad Bunny

Còn reggaeton thâm nhập thị trường quốc tế từ năm 2004, sau khi Oye Mi Canto của Nore có sự góp giọng của Yankee, Tego Calderón và Nina Sky, đứng thứ 12 trên bảng Hot 100 của Billboard và DaddyYankee ra mắt Gasolina.

Vị trí gần Mỹ của Puerto Rico cũng giúp các nghệ sĩ dễ dàng thử nghiệm với những phong cách mới hơn. Nhưng Angel Kaminsky - Phó giám đốc điều hành bộ phận Mỹ Latinh tại Universal cho biết: "Phát trực tuyến đã giúp giảm đi những rào cản và cùng với công cụ truyền thông sử dụng nền tảng của các mạng xã hội, các nghệ sĩ có thể kết nối trực tiếp với khán giả mà không có bất kỳ giới hạn nào".

Daddy Yankee cũng đồng tình: "Nhờ những nền tảng và các mạng xã hội, âm nhạc có thể lan truyền nhanh hơn. Đó là chìa khóa quyết định sự thành công của chúng tôi".

Với việc ngày càng có nhiều người chuộng âm nhạc Mỹ Latinh, sự hợp tác giữa các nghệ sĩ Mỹ và Puerto Rico đã có kết quả tốt, như Ozuna và Cardi B cho ra lò La Modelo - ca khúc lần đầu tiên phá vỡ bảng xếp hạng Billboard; trong khi I like it hợp tác giữa Bad Bunny và Cardi B đứng đầu bảng xếp hạng này; Fonsi thành công với Échame la Culpa có sự góp giọng của Demi Lovato.

Thậm chí Beyoncé cũng tham gia vào xu hướng này khi phối lại bản Mi Gente của Willy William và J. Balvin trong chiến dịch cứu trợ nạn nhân của mùa bão năm 2017 và trận động đất ở Mexico.

Còn Lin-Manuel Miranda - tác giả nhạc kịch Hamilton giành giải Pulitzer, đã tập hợp nghệ sĩ gốc Puerto Rico như Jennifer Lopez, Marc Anthony và Rita Moreno... để ghi âm ca khúc Almost Like Praying với lời hát liệt kê 78 thành phố của Puerto Rico, nhằm quyên góp cứu trợ hòn đảo này sau bão Maria. Ca khúc đã lập tức đứng vào vị trí thứ 20 trên bảng xếp hạng Hot 100 của Billboard, với hơn 5 triệu lượt tải xuống trong tuần đầu tiên.

Những nghệ sĩ Puerto Rico khác như Residente - cựu thành viên nhóm Cell 13, từng giành được nhiều giải Grammy Latinh hơn bất kỳ nghệ sĩ nào, cũng đang sử dụng âm nhạc để lan tỏa sức ảnh hưởng đến toàn thế giới. Bad Bunny chia sẻ: "Tôi lớn lên tại vùng nông thôn Vega Baja và là người đầu tiên trong số rất nhiều tài năng ở vùng này vươn ra thế giới. Tôi vô cùng vinh dự được đại diện cho quê hương và khẳng định với những người hâm mộ, những người đang lắng nghe và theo dõi tôi rằng: không gì là không thể. Nếu một cậu bé đến từ một thị trấn nhỏ như tôi có khả năng biến giấc mơ của mình thành sự thật thì bạn cũng có thể".

Các nghệ sĩ như Bad Bunny đã đưa được âm nhạc của mình ra thế giới, nhưng quan trọng hơn là người Puerto Rico luôn nhớ họ đến từ đâu.

 (Nguồn: The Guardian)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Puerto Rico - nơi sản sinh sự sống nhờ hít thở âm nhạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO