Việt Nam cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp điện tử

Tỉnh Châu| 07/10/2022 08:00

Trong bối cảnh các doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, nhiều chuyên gia kiến nghị doanh nghiệp cần nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực để phát huy tiềm năng về lĩnh vực công nghiệp điện tử.

Việt Nam cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp điện tử

Phát biểu tại hội thảo “Đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử” đầu tháng 10, ông Phạm Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết hiện nay ngành điện tử Việt Nam vẫn đang đứng ở công đoạn lắp ráp trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử. Năng lực các doanh nghiệp (DN) nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường, đồng thời, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay còn thấp.

Lý giải nguyên nhân, theo ông, các sản phẩm điện tử có tuổi thọ tương đối ngắn, thường xuyên thay đổi tính năng và mẫu mã, trong khi đó,  DN trong nước không đủ nguồn lực để đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và phát triển thương hiệu.

Nói về vấn đề để DN điện tử Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Liêu Vân Hán – Chủ tịch Liên hội Công nghiệp điện tử Đài Loan tại Việt Nam chia sẻ: “ Việc DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là không hề dễ dàng và mất nhiều thời gian. Đó là một quá trình phức tạp và các DN cần nỗ lực hoàn thiện hơn nữa. Bên cạnh đó, tôi hy vọng các chính sách hỗ trợ phải phù hợp và thích đáng hơn với tình trạng từng DN, không phải DN nào cũng có một chính sách chung chung”.

Ông Liêu Vân Hán đề xuất, rất nhiều DN FDI đầu tư vào Việt Nam và coi trọng ngành công nghiệp điện tử. Do đó, Việt Nam cần tăng cường tổ chức các trường học để đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ lao động về công nghiệp điện tử nhằm tận dụng cơ hội phát triển một cách tốt nhất.

Theo ông Hoàng Minh Trí – nhà sáng lập Công ty 4P, DN phải tự thân nỗ lực trước thay vì dựa vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, có rất nhiều chính sách giúp DN hoạt động và phát triển tốt, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc để chính sách hỗ trợ đi vào thực tiễn. Vướng mắc lại phát sinh từ các bộ ngành, các địa phương và điều đó khó có thể giải quyết một sớm, một chiều.

Điều quan trọng mà DN cần làm trước khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là xác định rõ mục tiêu sản phẩm và công đoạn dự kiến thực hiện. Trên cơ sở đó, DN cần một khoản phí cho việc đào tạo nhân lực, đầu tư FDI cũng như xây dựng hệ thống quản lý chất lượng để có thể đủ sức cạnh tranh.

Song song với việc xác lập mục tiêu, các chuyên gia góp ý chuyển đổi số là nhu cầu bắt buộc của DN khi tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện điện tử, vì vậy, cần có quá trình chuyển đổi số phù hợp, trong đó có chuẩn hóa về quy trình quản lý chất lượng, quy trình quản lý công việc trong DN, tiếp theo chuyển dữ liệu lên Cloud. Hơn nữa, DN cần chú trọng vào ba yếu tố như chất lượng, giá cả và tiến độ để thu hút các DN FDI đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, làn sóng đầu tư cho ngành điện tử cũng có nhu cầu rất lớn về kho bãi, nhà xưởng cho linh kiện điện tử.  Bà Lâm Tố Trinh – Phó tổng giám đốc Sáng tạo Đổi mới và Phát triển kinh doanh NS BlueScope Việt Nam nhận định, doanh nghiệp nước ngoài có định hướng đầu tư lâu dài tại Việt Nam luôn lựa chọn những vật liệu chất lượng từ những nhãn hiệu có uy tín và đạt được tuổi thọ cao,  thay vì chỉ tập trung vào giá cả ban đầu. Như vậy, việc đầu tư dài hạn cho nhà xưởng sẽ giúp tăng tính cạnh tranh so với các khu vực lân cận tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO