SAWACO: Nâng công suất, hoàn thiện mạng lưới, giảm khai thác nước ngầm

Bích Ngọc| 14/03/2023 05:30

Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đang nỗ lực thực hiện chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.HCM. Hoạt động góp phần điều chỉnh quy hoạch tổng thể cấp nước thành phố, đảm bảo cấp nước an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.

SAWACO đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 hạn chế tối đa khai thác nước ngầm. Trong đó, nâng tổng công suất hệ thống cấp nước từ 2,4 triệu m3/ngày đêm lên 2,9 triệu m3/ngày đêm, tỷ lệ thất thoát nước giảm xuống còn 17,9%.

Phân vùng để hạn chế khai thác nước dưới đất

Cuối năm 2022, UBND TP.HCM đã ban hành danh mục, bản đồ phân vùng, hạn chế khai thác nước dưới đất (nước ngầm) trên địa bàn thành phố, qua đó làm cơ sở để đơn vị cấp nước cũng như chính quyền địa phương quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác nước ngầm, bảo vệ nguồn tài nguyên. 

Theo bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước ngầm, ngoài các quận trung tâm thì tại các quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn và Bình Chánh có hơn 50 khu vực nằm trong diện hạn chế khai thác. Ðây là những địa phương thuộc sự quản lý, cung cấp nước sạch qua đồng hồ của Công ty CP Cấp nước Trung An và Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn. Thời gian qua, ở các địa phương này, người dân có thói quen sử dụng nước giếng khoan, nước ngầm dù đồng hồ nước đã được các đơn vị cấp nước kéo đến tận nhà. 

Theo đại diện các đơn vị cấp nước khu vực vùng ven, việc thành phố ban hành quy định về danh mục, bản đồ phân vùng, hạn chế khai thác nước ngầm chính là cơ sở để các đơn vị quản lý cấp nước rà soát những vùng hạn chế khai thác nước ngầm, qua đó phối hợp chính quyền địa phương vận động người dân sử dụng nước máy qua đồng hồ. Ðặc biệt đối với những khu vực ô nhiễm (nghĩa trang, bãi rác), kiên quyết yêu cầu khách hàng trám lấp giếng nếu sử dụng song song cả hai hệ thống (nước máy và nước giếng khoan) nhằm bảo đảm sức khỏe của người dân.

Thời gian qua, việc tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng nước ngầm, trám lấp giếng khoan được các đơn vị cấp nước thành phố làm đồng loạt. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Minh Hải - Phó giám đốc Công ty CP Cấp nước Trung An - thời gian qua, đơn vị đã nỗ lực gắn đồng hồ nước miễn phí đến các hộ dân, nhưng rất nhiều hộ gia đình ở khu vực vùng ven vẫn lựa chọn sử dụng nước giếng khoan. Điều này, vừa gây lãng phí nguồn nước sạch có sẵn, vừa ảnh hưởng sức khỏe của người dân và nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm của thành phố.

Từ ngày được xí nghiệp cấp nước sinh hoạt nông thôn gắn đồng hồ nước miễn phí đến nay, gia đình ông Nguyễn Thanh Nhàn (ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) vẫn giữ miệng giếng khoan để sử dụng. Trừ việc dùng nước máy sạch để nấu ăn, còn lại việc tắm, giặt, tưới cây, gia đình ông Nhàn đều sử dụng nước giếng khoan. Dù thấy nước có lớp màng hơi vàng nhưng nghĩ chỉ để tắm, giặt và sử dụng bao lâu nay sức khỏe vẫn ổn nên gia đình ông Nhàn vẫn giữ miệng giếng khoan ấy. Chính vì vậy, chỉ số đồng hồ nước của hộ ông Nhàn hằng tháng chỉ dừng ở 2-3m3.

Gần đây, Đoàn Thanh niên của xí nghiệp phối hợp với Đoàn Thanh niên các xã đi phát tờ rơi tuyên truyền vận động người dân ngưng khai thác, sử dụng nước ngầm, tăng cường sử dụng nước sạch trong sinh hoạt để đảm bảo an toàn vệ sinh, gia đình ông Nhàn có cam kết sẽ trám lấp giếng khoan ấy. 

Nhân viên ngành nước thành phố thực hiện trám lấp giếng khoan tại các khu chung cư cũ

Nhân viên ngành nước thành phố thực hiện trám lấp giếng khoan tại các khu chung cư cũ

Cùng địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Qua ghi nhận thực tế, ở khu vực vùng ven, một số doanh nghiệp mặc dù đã có hệ thống nước máy nhưng vẫn sử dụng nguồn nước ngầm trong sản xuất, kinh doanh do được cấp phép khai thác nước ngầm của cơ quan quản lý nhà nước (Sở Tài nguyên và Môi trường). Bên cạnh đó, hiện nay quy định về cấp phép khai thác nước ngầm chỉ quản lý cấp phép đối với các tổ chức khai thác hơn 10m3, trong khi các hộ dân là nhóm sử dụng nhiều giếng khoan để khai thác nguồn nước ngầm lại không thuộc đối tượng điều chỉnh. Ðây chính là hạn chế khiến công tác quản lý về khai thác nước ngầm chưa đủ sức chế tài như mong muốn.

Thống kê của Công ty CP Cấp nước Trung An, năm 2022, tỷ lệ đồng hồ nước do công ty quản lý có chỉ số từ 0-4m3 (sử dụng dưới 4m3) là 94.151/354.234 đồng hồ, chiếm 25,68%. Tỷ lệ này được xem là cao nhất trong các đơn vị quản lý cấp nước trực thuộc SAWACO. Còn tại xí nghiệp cấp nước sinh hoạt nông thôn, tính đến tháng 1/2023, có 21.291 đồng hồ nước chỉ số tiêu thụ 0-4m3/tháng (trong đó có 8.412 đồng hồ nước có chỉ số tiêu thụ 0m3) trên tổng số 131.818 đồng hồ nước.

Theo lãnh đạo Công ty CP Cấp nước Trung An, tỷ lệ này của năm 2022 đã giảm gần 6% so với năm 2021 do công ty tăng cường phối hợp các quận, huyện thuộc địa bàn cấp nước tuyên truyền đến khách hàng nhằm hạn chế sử dụng nước giếng, thực hiện trám lấp giếng khoan. 

Không chỉ kiểm soát và hạn chế khai thác nước ngầm đối với tổ chức và hộ dân, việc thực hiện kế hoạch giảm khai thác nước ngầm và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất cũng được SAWACO xây dựng lộ trình triển khai. Để thực hiện công tác trám lấp giếng, trong năm 2023, SAWACO đã có kế hoạch phát triển mạng lưới, thay thế nguồn nước ngầm cho các khu vực hiện chưa có mạng lưới cấp nước. Công tác trám lấp giếng cũng sẽ được thực hiện theo hình thức phối hợp cùng địa phương tuyên truyền đến các hộ dân, doanh nghiệp giảm khai thác nước dưới đất, trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng giai đoạn năm 2020-2025.

Thanh niên Công ty Cấp nước Phú Hòa Tân gửi tờ rơi tuyên truyền hạn chế khai thác nước ngầm đến người dân

Thanh niên Công ty Cấp nước Phú Hòa Tân gửi tờ rơi tuyên truyền hạn chế khai thác nước ngầm đến người dân

Theo SAWACO, tính đến tháng 11/2022, tổng công ty còn duy trì khai thác 22 trạm/nhà máy nước với tổng công suất khai thác nước ngầm là 67.000m3/ngày. Ðối với các trạm cấp nước đang vận hành, tổng công ty luôn tổ chức lấy mẫu nước kiểm nghiệm theo định kỳ nhằm giám sát chặt chẽ và bảo đảm chất lượng nước đạt tiêu chuẩn. Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc SAWACO, hiện sản lượng khai thác nước ngầm của tổng công ty đã giảm gần 40% so với sản lượng khai thác ở thời điểm cuối năm 2017, trước khi UBND thành phố ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM.

"Hiện do mạng lưới cấp nước của thành phố chưa hoàn thiện, nhất là đối với các khu vực đô thị mới, khu vực vùng ven (thuộc địa bàn huyện Bình Chánh) nên SAWACO vẫn phải dùng hệ thống giếng khoan dự phòng", ông Bùi Thanh Giang - Phó tổng giám đốc SAWACO nói và cho biết thêm, SAWACO đã đề xuất thành phố cho điều chỉnh lộ trình giảm khai thác nước ngầm, cho phép kéo dài thời hạn giảm khai thác nước ngầm đến năm 2030.

Cùng với việc ban hành danh mục, bản đồ phân vùng, UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục, bản đồ này trên các phương tiện truyền thông đại chúng và đăng tải lên cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời thông báo đến UBND TP.Thủ Ðức, UBND các quận, huyện nơi có vùng, khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất. Ngoài ra, sở phối hợp UBND TP.Thủ Ðức, các quận, huyện tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân trong việc trám, lấp các giếng khai thác không đúng quy định; các giếng hư hỏng, không sử dụng theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm phòng tránh ô nhiễm nguồn nước dưới đất.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
SAWACO: Nâng công suất, hoàn thiện mạng lưới, giảm khai thác nước ngầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO