Báo cáo "Hướng dẫn lương tại thị trường Việt Nam năm 2023" do Adecco Việt Nam khảo sát vừa công bố cho thấy, tình hình khó khăn của ngành sản xuất kéo dài đến cuối quý I, chậm nhất đến quý II/2023. Các nhà tuyển dụng lạc quan tin rằng, đến cuối năm 2023, tình hình sẽ được cải thiện và thị trường lao động sẽ sớm chuyển biến tích cực.
Theo đánh giá, các ngành công nghiệp mũi nhọn sẽ tiếp tục phát huy lợi thế và duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Đáng chú ý, ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất gỗ, da giày, may mặc sẽ sớm phục hồi, thậm chí bứt phá vào cuối năm 2023. Trong đó, sức mua và mức sống của người tiêu dùng tại thị trường nội địa ngày càng cao, ngành hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe vẫn là những ngành hoạt động tốt với nhu cầu ổn định và thậm chí ngày càng tăng cao.
Bất chấp những dự đoán chưa khả quan về diễn tiến kinh tế trong thời gian tới, 47% nhà tuyển dụng vẫn có kế hoạch giữ nguyên số lượng nhân sự vào năm 2023; 43% có kế hoạch tăng nhân sự so với năm 2022. Những ngành có nhu cầu tăng nhân sự gồm sản xuất; chuỗi cung ứng và giao nhận vận tải; chăm sóc sức khỏe, y tế và khoa học.
Bên cạnh đó, thị trường chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong và sau khi đại dịch bùng phát, ngành này càng có cơ hội phát triển do nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng nhiều và người dân ngày càng ý thức hơn về sức khỏe của mình.
Cơ hội việc làm năm 2022 của ngành kỹ thuật và sản xuất cũng đã tăng 25% so với năm 2021 và vẫn đang có xu hướng tăng. Đối với thị trường lao động luôn luôn thay đổi này, trong khi cạnh tranh ngày càng gay gắt và sự khan hiếm nguồn ứng viên có chuyên môn cao phù hợp với kỳ vọng công việc phức tạp. Các doanh nghiệp sẽ khó đưa ra các quyết định liên quan đến chính sách nhân sự.
Hồi cuối năm 2022, Navigos Search - công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao đánh giá thị trường lao động tại Việt Nam sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, nhu cầu nhảy việc và tìm kiếm một công việc mới cũng đồng thời gặp nhiều thách thức hơn trong giai đoạn này.
Lý giải về sự sụt giảm chưa từng có này, các chuyên gia nhân sự phân tích do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu và các khó khăn vừa xảy ra với các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, so với thời điểm trước dịch, nhu cầu tuyển dụng lao động ba tháng cuối năm 2022 giảm trung bình 25%, riêng tháng 12 ghi nhận sự sụt giảm trung bình lên đến 42%.
Những ngành liên quan đến sản xuất, dệt may, hàng hải có sự giảm nhu cầu rõ rệt trong ba tháng cuối năm 2022 do nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản…) sụt giảm, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, bất ổn chính trị tại các khu vực trên thế giới, lãi suất vay vốn trong nước cao.
Một số ngành sụt giảm liên tục trong tháng 10, 11/2022 và càng nghiêm trọng hơn ở tháng 12 gồm hành chính văn phòng, marketing, bán hàng giảm 50%; xây dựng giảm 55%; thu mua, vật tư, cung vận giảm 53%; dệt may, da giày giảm 58%; in ấn giảm 65%; lao động thời vụ giảm 50%. Một số ngành khác đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng trong tháng 12, bất kể sự tăng trưởng tốt vào hai tháng liền kề trước đó gồm ngân hàng giảm 13%, hàng tiêu dùng giảm 40%, bảo hiểm giảm 45%, chứng khoán giảm 41%.