Nhu cầu nhân lực cấp trung và cấp cao sẽ gia tăng hậu Covid-19

Ý Nhi| 18/04/2020 08:00

Theo quan sát của Navigos Search, trong quý I/2020, khi một số doanh nghiệp (DN) chọn giải pháp tạm thời ngưng hoạt động tuyển dụng thì một số DN lại xem đây là cơ hội tốt để tìm kiếm và chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn phục hồi kinh doanh sau dịch bệnh.

Nhu cầu nhân lực cấp trung và cấp cao sẽ gia tăng hậu Covid-19

Sản xuất và công nghệ thông tin - nhu cầu tuyển dụng cao nhất 

Theo Navigos Search, ngành sản xuất có nhu cầu tuyển dụng cấp trung và cấp cao tăng trưởng cao nhất trong quý I/2020, tăng 14% so với quý IV/2019 và tăng đến 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành công nghệ thông tin cũng có mức tăng trưởng nhẹ ở mức 3% so với quý IV/2019 và 7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo đánh giá của Navigos Search, do chuỗi cung ứng toàn cầu gặp gián đoạn, một số nhà máy sản xuất phải đóng cửa do thiếu nguyên vật liệu. Đa số nhà máy đều chịu ảnh hưởng phải dừng sản xuất hoặc dừng một phần do nhu cầu mua hàng giảm sút. Tuy nhiên, cũng đã có những nhà máy trở lại hoạt động bình thường sau khi tìm kiếm được nguồn cung nguyên liệu thay thế.

Ngành dệt may chịu ảnh hưởng lớn và có tình hình nhân sự khó khăn khi một số DN phải cho nhân viên nghỉ phép, nghỉ không lương, nghỉ luân phiên và hưởng một phần lương tối thiểu vùng theo thỏa thuận cho những ngày nghỉ, hoặc cắt dần các vị trí. Một số nhà máy vẫn có thể hoạt động vì chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế, đồ bảo hộ y tế. Một số công ty hoạt động tốt do có nhiều đơn hàng, trong khi có công ty sản xuất cầm chừng để duy trì nhân sự.

Trước làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, với các ngành điện, điện tử, cơ khí và gỗ nội thất vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, quyết định tuyển dụng của các nhà đầu tư đang phải trì hoãn vì chính sách hạn chế di chuyển giữa các quốc gia. Ngoài ra, cũng có một số dự án chậm triển khai do trưởng dự án hoặc vị trí quan trọng không thể sang Việt Nam sau thời gian về nước hoặc di chuyển ở các quốc gia khác. Một số dự án xây dựng nhà máy mới chậm tiến độ do phải đảm bảo khoảng cách với công nhân xây dựng.

Do đó, với ngành sản xuất, nhiều vị trí tuyển dụng phải tạm hoãn. Trong thời điểm này, nhiều DN chủ động ứng dụng công nghệ như phỏng vấn sơ bộ trực tuyến và sẽ đưa ra quyết định chính thức khi có thể gặp mặt trực tiếp với ứng viên. Theo nhận định của Navigos Search, các ứng viên trong ngành đang có động thái tìm hiểu những cơ hội việc làm mới. Dự đoán sau khi dịch được kiểm soát, từ nửa cuối năm 2020, nguồn cung nhân sự ngành sản xuất sẽ dồi dào, trong khi nhu cầu tuyển dụng sẽ ổn định trở lại để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất và phục hồi doanh nghiệp. 

Du lịch, khách sạn và giáo dục sẽ hồi phục dần từ quý III/2020

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến những ngành dịch vụ như du lịch, khách sạn chịu tác động trực tiếp từ chính sách hạn chế di chuyển và quy định giãn cách xã hội. Dù trước đó trong quý IV/2019, đây là ngành được dự đoán sẽ tăng trưởng trong năm 2020 cùng với giáo dục vì được tăng cường đầu tư tại Việt Nam trước khi dịch bệnh diễn ra. Tại thời điểm này, doanh nghiệp đã hạn chế tuyển dụng và các ứng viên cũng e ngại tìm kiếm cơ hội mới.

Tuy nhiên, cũng có dấu hiệu khả quan khi một số doanh nghiệp du lịch, khách sạn và giáo dục đã bắt đầu thăm dò và có nhu cầu tuyển dụng trở lại. Khả năng hồi phục của thị trường sẽ có thể được nhìn thấy từ cuối quý III hoặc đầu quý IV/2020 với tốc độ chậm và dự đoán sẽ khởi sắc lại vào thời điểm đầu năm 2021.

Thương mại điện tử tăng mạnh tuyển dụng

Là một trong số những ngành ít chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, thương mại điện tử, đặc biệt cho ngành hàng thiết yếu đang phát triển mạnh vì giải quyết được việc hạn chế gặp gỡ và thanh toán trực tiếp. Theo ghi nhận của Navigos Search, đang có nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí phát triển kinh doanh, marketing và các vị trí kỹ thuật chuyên môn về E-Commerce.

Dù nguồn cung nhân sự cho mảng thương mại điện tử ở Việt Nam còn khan hiếm vì đây là ngành mới tại Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn ưu tiên tuyển dụng ứng viên đã có kinh nghiệm trong cùng ngành và sẵn sàng trả mức lương cao để thu hút nhân tài. Mặt bằng lương cho các ứng viên trong ngành này có xu hướng cao hơn các lĩnh vực kinh doanh truyền thống và sẽ duy trì như vậy trong thời gian từ 3-5 năm tới.

Ngoài ra, ứng viên Việt Nam cũng được ưu tiên nhiều hơn vì không có rào cản ngôn ngữ và dễ dàng hòa nhập văn hóa. Dự đoán, trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư mới vào thị trường Việt Nam khiến nhu cầu tuyển dụng của ngành thương mại điện tử sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2020 và năm 2021.

Ngân hàng tạm ngưng tuyển dụng để phát triển ngân hàng số 

Trong quý I/2020, ngành ngân hàng chứng kiến nhiều sự dịch chuyển của nhân sự cấp cao trong cùng ngành. Ngoài ra, xuất hiện tình trạng dư thừa nhân lực vì tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đã có ngân hàng phải tái cơ cấu để cắt giảm nhân sự. Dưới tác động của Covid-19, các dự án kinh doanh của ngân hàng bị trì hoãn, sự thay đổi trong khách hàng mục tiêu cũng khiến các ngân hàng phải tái định hướng lại chiến lược kinh doanh trong thời gian tới. 

Xu hướng phát triển “ngân hàng số” bắt đầu từ năm 2019 và được dự đoán có nhu cầu tuyển dụng tăng trong năm 2020, tuy nhiên hiện tại các ngân hàng cũng đang tập trung nguồn lực tài chính để giải quyết khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nên nhu cầu này không được ghi nhận tăng thêm trong quý I. Nhu cầu tuyển dụng ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào kế hoạch kinh doanh sắp tới và đại hội cổ đông thường niên trong quý II. 

Bất động sản công nghiệp săn đón các vị trí chủ chốt  

Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút với các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp từ Trung Quốc, Singapore, Thái Lan. Xu hướng này đã được ghi nhận từ quý II/2019 và sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2020, tuy nhiên đang có dấu hiệu chậm lại vì ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Dự đoán, các đơn vị đầu tư tập trung nhiều vào phát triển công nghiệp nặng ở cả miền Bắc lẫn miền Nam, tại các vị trí gần cảng, biển và sẽ tiếp tục phát triển song song khu đô thị hỗ trợ cho các khu công nghiệp này.  Do đó, nhu cầu tuyển dụng các vị trí cấp cao sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đáng chú ý như giám đốc kinh doanh để sớm đưa các dự án vào hoạt động.  

Nhu cầu tuyển dụng ngành năng lượng tăng trưởng mạnh trong năm 2020

Quý I/2020 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao trong mảng năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo do tác động của các chính sách khuyến khích đầu tư và xây dựng các dự án năng lượng của Chính phủ. Các vị trí tuyển dụng được chú ý bao gồm vị trí phát triển kinh doanh, chuyên gia kỹ thuật, quản lý, phụ trách các dự án xây dựng.

Dự báo năm 2020, nhu cầu tuyển dụng trong mảng năng lượng còn tiếp tục tăng và mở rộng sang các vị trí trong mảng vận hành/sản xuất điện. Quý I/2020 cũng ghi nhận sự tăng đột biến của nhu cầu tuyển dụng đối với các dự án nhiệt điện. Dự kiến, đây sẽ là một điểm sáng trong thị trường tuyển dụng năm 2020 với nhu cầu tuyển dụng lớn, trải dài từ các vị trí quản lý dự án, chuyên gia kỹ thuật tới các vị trí vận hành và sản xuất.

Dịch bệnh Covid-19 đang có những tác động tiêu cực trong ngắn và trung hạn với việc triển khai các dự án năng lượng. Tuy nhiên, với những biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, việc tuyển dụng trong ngành năng lượng hứa hẹn sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong năm 2020.

Yêu cầu tuyển dụng trong các dự án năng lượng cũng dần có sự sàng lọc khắt khe hơn khi nguồn cung nhân lực dồi dào hơn so với cách đây 2-3 năm. Các nhà tuyển dụng đòi hỏi kỹ năng và kiến thức chuyên sâu hơn cùng khả năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm tốt, có thể làm việc và phối hợp tốt với các đối tác nước ngoài.

Ứng viên Việt Nam có nhiều cơ hội tại doanh nghiệp Nhật Bản 

Nhu cầu tuyển dụng cấp trung và cấp cao của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam được giữ ổn định. Tuy nhiên, đối với ứng viên Nhật Bản sẽ phải chờ thị thực và giấy phép lao động lâu hơn nên ngày đi làm có thể bị trì hoãn. Do đó, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã cân nhắc mở rộng cơ hội cho các ứng viên Việt Nam cho các vị trí quản lý. Trong quý II/2020, thị trường lao động sẽ sôi động hơn. Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục ổn định ở ngành sản xuất và công nghệ thông tin. 

Bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc Điều hành Navigos Search chia sẻ: “Sự tác động bất ngờ của đại dịch Covid-19 lên toàn cầu đã trở thành bài toán khó cho các DN trong việc duy trì đội ngũ nhân sự và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, một khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tuyển dụng sẽ bùng nổ vì các DN p sẽ cần đến đội ngũ nhân lực để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, các DN nên xúc tiến hoạt động tuyển dụng trong thời gian này vì nguồn cung lao động đang dồi dào hơn và ứng viên khi nhận việc sẽ có nhiều thời gian để hòa nhập với công ty và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sau khi dịch bệnh qua đi. Nếu DN chọn cách tạm hoãn các hoạt động tuyển dụng, sẽ có thể phải đối mặt với cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài một khi nhu cầu bùng nổ trở lại. Hiện nay, hầu như toàn bộ quá trình tuyển dụng từ tìm kiếm ứng viên cho đến phỏng vấn đều có thể thực hiện hiệu quả nhờ sự ứng dụng công nghệ. Do đó, bên cạnh duy trì và tạo động lực cho đội ngũ hiện tại, các công ty cũng cần xây dựng ngay kế hoạch tuyển dụng để đảm bảo nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững của DN”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhu cầu nhân lực cấp trung và cấp cao sẽ gia tăng hậu Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO