Nhân hiệu: “Hộ thần” thương hiệu

Ý NHI| 22/03/2012 05:33

Trong kinh doanh, uy tín của người chủ doanh nghiệp (DN) đóng vai trò như là một thương hiệu được bảo chứng để đo lường sự tin cậy của đối tác, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng để thu hút nhân tài.

Nhân hiệu: “Hộ thần” thương hiệu

Trong kinh doanh, uy tín của người chủ doanh nghiệp (DN) đóng vai trò như là một thương hiệu được bảo chứng để đo lường sự tin cậy của đối tác, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng để thu hút nhân tài.

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty KingBee Media, đồng sáng lập Cộng đồng phát triển cá nhân và nghề nghiệp Motibee, đã chia sẻ: “Đa phần DN Việt Nam có lịch sử khá ngắn, văn hóa kinh doanh lại dựa trên mối quan hệ cá nhân, sự tin tưởng lẫn nhau.Vì vậy, uy tín cũng như hình ảnh của người chủ sẽ góp phần không nhỏ vào sự thành công của DN”.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Truyền thông Ringier Việt Nam, cho rằng: “Thực tế, ai cũng có thương hiệu cá nhân, chỉ khác nhau là nó tốt hay xấu. Một DN có thương hiệu sẽ có doanh thu, giá bán, các giá trị thương mại, hình ảnh cao hơn các DN không có thương hiệu. Với cá nhân cũng vậy, hai con người có học thức, có nhận thức tương đương nhau, nhưng một người có nhân hiệu sẽ có ưu thế hơn người còn lại”.

Thực tế, có không ít doanh nhân khởi nghiệp thành công từ thương hiệu cá nhân. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã từng chia sẻ: “Nhiều người hỏi tôi, lúc thành lập công ty, tôi đã xây dựng được thương hiệu cá nhân rồi, vậy thương hiệu đó mang lại bao nhiêu phần trăm thành công cho công ty. Thật khó có thể ước lượng cái tên Sĩ Hoàng đã mang lại cho Công ty Sĩ Hoàng bao nhiêu phần trăm thành công. Chỉ có thể nói, trong kinh doanh, thương hiệu của tôi đã giúp tôi khởi sự mọi việc dễ dàng hơn”.

Bằng trải nghiệm thất bại thực tế, bà Minh Thư - Giám đốc một công ty truyền thông tâm sự: “Trước đây, tôi rất hài lòng về công ty của mình có đội ngũ nhân sự tốt, khách hàng ổn định, doanh thu đạt kết quả khả quan. Vì vậy, khi có những khách hàng nhỏ nhưng yêu cầu của họ lại quá nhiêu khê, tôi từ chối thẳng thừng vì cho rằng họ chỉ là khách hàng vãng lai. Thế nhưng, khi thị trường bắt đầu cạnh tranh hơn, kinh tế lại khó khăn, tôi phải lăn lộn đi tìm khách hàng và trong một lần thương thảo, dù phương án của tôi được đối tác tâm đắc, nhưng tôi vẫn thất bại trước một đối thủ khác. Nguyên do là “thương hiệu” của đối thủ được khá nhiều DN biết đến với sự thân thiện, uy tín và chăm sóc khách hàng tốt. Sau thất bại đó, tôi nhận ra xây dựng thương hiệu cá nhân là một việc làm không nên xem thường và tôi bắt đầu có những thay đổi trong chiến lược kinh doanh”.

Tuy nhiên, cũng có doanh nhân cho rằng, khi xây dựng nhân hiệu với cộng đồng, không nhất thiết phải làm hài lòng tất cả mọi người mà chỉ chọn một phân khúc nào đó để xây dựng.

Ở cương vị là người chủ DN, xây dựng thương hiệu cá nhân không có nghĩa là xây dựng một mình mà phải có sự gắn kết rất “hữu cơ” với việc xây dựng thương hiệu cho DN. Bởi một DN có thương hiệu tốt thì nhân hiệu của người lãnh đạo cũng sẽ “bay xa” hơn.

Ngược lại, thương hiệu DN lại được xây dựng trên sự suy nghĩ, tư chất, cách hành xử của người lãnh đạo. Và chính điều đó tạo ra văn hóa DN.

Ông Michael Eaves, Phụ trách quản lý các đại diện nhượng quyền khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng từng chia sẻ ba lý do để người lãnh đạo DN phải xây dựng được hình ảnh và thương hiệu cho mình.

Thứ nhất là rút ngắn khoảng cách của người khác đánh giá về mình.

Thứ hai là tăng cường sự tin tưởng của mọi người.

Thứ ba là giúp mình luôn tự tin và tự chủ động suy nghĩ và hành động.

Muốn làm được điều này thì trước nhất là phải là người lãnh đạo đắc nhân tâm, nghĩa là biết xem xét và nhìn nhận bản thân trước khi đánh giá người khác.

Chia sẻ sâu hơn về kinh nghiệm xây dụng thương hiệu cho bản thân, ông Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết: “Xây dựng thương hiệu là một quá trình rất dài, đòi hỏi cá nhân phải nỗ lực để hoàn thiện mình. Với người chủ DN, sự nỗ lực học hỏi còn phải nhiều hơn, bởi khi người lãnh đạo luôn nỗ lực học hỏi, hoàn thiện mình thì tư duy của anh ta sẽ được “khai thông”, từ đó những cải tiến, đổi mới sẽ lan tỏa, dẫn dắt được đội ngũ của mình”.

Trong một khóa học về “Lãnh đạo và chuyển đổi văn hóa DN”, nhiều giám đốc đã tự nhận họ thường ngộ nhận về những khả năng đang có của mình.

Có những kỹ năng tưởng chừng như rất nhỏ như nói trước đám đông chẳng hạn, đã làm cho không ít người trong số họ mất điểm với đối tác hoặc trước hàng trăm người trong các buổi thuyết trình, trò chuyện.

Hoặc những kỹ năng đơn giản khác như đàm phán, viết thư, email, lắng nghe và chia sẻ... Tất cả đều là chiếc chìa khóa quan trọng nhất để các doanh nhân hoàn thiện mình, xây dựng cho mình một thương hiệu cá nhân. Đó cũng là chìa khóa thành công trong quản trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhân hiệu: “Hộ thần” thương hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO