Miên man mùa Quảng...

NGÔ MINH| 21/01/2019 00:00

Tháng 8/2018, tôi cùng một số nhà văn xứ Huế ngao du "đổi không khí” ai ngờ nhận được cả một "mùa Quảng" đầy ắp tâm hồn.

Miên man mùa Quảng...

Vâng, đúng là mùa Quảng - mùa của thiên nhiên nên thơ, mùa của những điều lạ kỳ chỉ có ở đất này...

Bất ngờ nhất là lần đầu tiên xe chúng tôi đi hơn 70km trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam vừa làm xong, với tốc độ 120km/giờ mà chẳng phải phanh phiếc, tránh né, còi kiếc gì.

Hết đoạn cao tốc là rẽ về Tam Kỳ. Thành phố Tam Kỳ đèn xanh đỏ lấp lánh, những nhà hàng, cửa tiệm sang trọng, những ngã tư thênh thang.

Thấy tôi khen Tam Kỳ, thầy giáo Phạm Phú Phong, dân thổ địa bảo, ngày xưa Tam Kỳ gọi là phố nhưng chỉ có ngã ba mà không có ngã tư, là phố mà nhà cao nhất là hai tầng.

Trong tâm trí tôi, đúng Tam Kỳ là như vậy. Trước ngày lập lại tỉnh Quảng Nam (1996), Tam Kỳ vẫn là đô thị xập xệ, đường phố nhỏ hẹp.

Hồi đó, tôi làm Báo Thương mại, đi về dọc miền Trung bằng tàu đò, xe đò. Ấn tượng nhất với tôi là cơm gà Tam Kỳ và mì Quảng.

Lần nào đi ngang Tam Kỳ cũng xuống xe ăn cho được đĩa cơm gà rồi mới bắt xe đi tiếp. Gà Tam Kỳ là gà ri, gà kiến, thịt săn mà thơm.

Đùi gà nướng Tam Kỳ là chúa tể ẩm thực. Như vậy là đã có một "hương hiệu Quảng Nam" trong tôi.

Quảng Nam có hai con sông lạ, không chảy từ Trường Sơn về mà chạy dọc biển. Đó là sông Vĩnh Điện và sông Trường Giang.

Sông Vĩnh Điện là sông đào từ thời vua Minh Mạng 200 năm trước ở phía Bắc Quảng Nam, dài 30km, xuôi nam về Hội An.

Sông Trường Giang dài 70km chảy dọc bờ biển, từ Hội An đến huyện Núi Thành. Không hiểu vì sao lại sinh ra con sông lạ lùng có một không hai này.

Trường Giang không có đầu mà cũng chẳng có cuối, không có thượng lưu, hạ lưu cũng không. Ở hai đầu Bắc và Nam, sông đều thông với biển.

Phía Bắc, Trường Giang gặp sông Thu Bồn rồi cùng ra biển qua Cửa Đại. Phía Nam, Trường Giang hòa với sông Tam Kỳ, Tân An rồi đổ ra biển qua cửa An Hòa.

Vì thế có thể đi khắp tỉnh Quảng Nam, từ biển lên rừng, từ nam ra bắc từ con sông này.

Xa xưa, từ hai con sông này, ghe bầu lớn chở mắm, cá, củi, chum mái, muối, đồ đồng Phước Kiều, gạch ngói trao đổi khắp các làng quê, phố thị, trung du, đồng bằng của tỉnh Quảng Nam và ra cả Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới. Ngày nay, sông Trường Giang là thế mạnh để khai thác du lịch, phát triển kinh tế Quảng Nam.

Nhà thơ Phan Chín - Phó chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam dẫn đoàn nhà văn Huế đi thăm huyện Tiên Phước, là huyện trung du phía Tây Quảng Nam.

Phan Chín bảo, lên đó chúng ta sẽ gặp tiên. Sông Tiên mà người cũng tiên.

Tôi đã đến Tiên Phước một lần khi lên thăm vườn quế Trà My cách nay đã 20 năm, nhưng không ai giới thiệu cho gặp tiên cả. Bữa đó, tôi được huyện tặng một món quà cực quý là bộ ấm chén được làm bằng vỏ quế, đủ cả đĩa và khay.

Lâu năm, hương quế từ bộ ấm chén ấy vẫn thơm lừng. Đó cũng là mùa Quảng...

Xe đến cầu sông Tiên thì dừng lại. Phan Chín bảo, đợi Tiên!

Tôi rất ngỡ ngàng vì sông là sông Tiên, cầu cũng là cầu Tiên. Và cô gái xinh đẹp áo dài màu thanh thiên như tiên xuất hiện.

Bỗng nhớ câu thơ của Nguyễn Tấn Sỹ: Tôi về với một sông Tiên/ Còn nguyên con nước chảy huyền thoại xưa.

Cô gái tươi tắn bắt tay các nhà văn rồi tự giới thiệu: "Em là Kim Thiện, chuyên viên phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Phước, không phải tiên như anh Phan Chín nói mô!". 

Kim Thiện giới thiệu sông Tiên là con sông lạ, là con sông chảy ngược, không xuôi về biển Đông mà về hướng Tây phía Trà My, đổ ra sông Tranh.

Đúng là tôi đã lạc vào cõi tiên! Toàn huyện Tiên Phước có 14 xã, toàn mở đầu là Tiên: Tiên Kỳ, Tiên An, Tiên Cẩm, Tiên Cảnh...

Kim Thiện dắt chúng tôi vào làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh. Chúng tôi như lạc vào cõi đá. Đá vuông phẳng lát lối đi, đá sắp thành bờ tường...

Những ngõ thoai thoải dốc được xếp bằng đá lần đầu tôi mới thấy. Ngõ nhà nào ở Tiên Cảnh cũng có những hàng chè tàu cắt tỉa công phu, những hàng cau thẳng tắp, rồi vườn cây trái xum xuê, những bưởi, chanh, ché tiêu, quế..., những cây lon bon, cây hồng lúc lỉu quả...

Tiên Phước đất không màu mỡ nhưng bà con vẫn trồng được những loại cây trái miền Nam như sầu riêng, măng cụt, bưởi Năm Roi thành hàng hóa bán khắp miền Trung. Chúng tôi ùa vào một ngõ nhà để chụp ảnh vì thấy có hai cây dâu đất quả chín sum suê đỏ vườn.

Tôi chợt nhớ một số nơi, người ta bắt nông dân chặt hết những hàng chè tàu, đào hết tre, đốn hết cau, bắt đóng tiền mua gạch, xi măng về xây tường dọc theo những con đường làng để "làm nông thôn mới".

Trời ơi, sao không đến đây mà học người Tiên Phước hằng trăm năm trước đã biết xây nên những làng quê bằng chính những gì thiên nhiên có, đẹp đến nao lòng!

Kim Thiện cho biết, đá xây nhà, lát đường, lát ngõ ở các làng quê bên sông Tiên đều khai thác từ đầu nguồn sông Tiên. Có những khúc sông có bãi đá vô tận, với đủ loại kích cỡ, màu sắc, vuông, tròn.

Có ngôi nhà rường ở Tiên Cảnh, thời Việt Nam Cộng hòa, ông Ngô Đình Diệm hai lần cử người lên gạ mua mà không được.

Đi dọc đường làng chốn cõi tiên, tôi cứ nhớ miên man những câu thơ của Phan Chín: Anh đã gửi theo chút xanh lộc nõn/ Em có cầm lên với biêng biếc tuổi mình, của Nguyễn Tấn Sĩ: Tôi cần phảng phất trong sương/ Ở trong khói bếp mùi hương nếp về...

Dân gian có câu "Quảng Nam hay cãi". Tôi nghĩ giỏi mới cãi được. Lý sự đầy mình mới cãi được.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng quá giỏi mới từ Tiên Phước ra Huế làm báo Tiếng Dân để cãi lại luận điệu khai phá An Nam của thực dân Pháp. Cụ Phan Chu Trinh thoát ly Tiên Phước với tư tưởng "chấn dân khí”, giỏi mới cãi lại chính sách ngu dân!

Hay cụ Phan Khôi ở huyện Điện Bàn là "thầy cãi" lừng danh đất nước. Rồi trong tôi miên man hiện lên những danh nhân nổi tiếng người Quảng như Thoại Ngọc Hầu, Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Lê Đình Thám, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Thái Phiên, Đỗ Đăng Tuyển...

Ở trên đồi Tự Hiếu, có mộ của hai thi sĩ, chí sĩ dân Quảng là Trần Cao Vân và Thái Phiên. Hai ông đã cùng vua Duy Tân khởi nghĩa chống Pháp tại Huế vào năm Bính Thìn.

Chuyện khởi nghĩa thì ai cũng biết, nhưng có thể nhiều người chưa biết hai chí sĩ ấy bây giờ nằm trong ngôi mộ chung trên đất Huế. Chuyện rằng, ngày 17/5/1916, Thái Phiên, Trần Cao Vân cùng các thị vệ của vua Duy Tân bị Pháp hành hình ở Cống Chém ngoài cửa An Hòa.

Tháng 6/1925, một nữ đồng chí của hai cụ là bà Trương Thị Dương bí mật thuê người bốc hài cốt hai cụ Thái - Trần đưa qua bờ Nam sông Hương, chôn cất gần chùa Châu Lâm.

Nhưng do bị lộ, nên 11 ngày sau, bà Dương dời mộ đến đồi thông nằm giữa chùa Châu Lâm và chùa Từ Hiếu ở làng Dương Xuân Thượng (nay thuộc phường Thủy Xuân), chôn chung hai cụ trong một nấm để tránh sự nghi ngờ của địch.

Mãi đến năm 1956, bà Dương mới kể lại cho con cháu biết, rồi dựng tấm bia nhỏ để định danh vị công khai cho hai cụ.

Sau năm 1975, ngôi mộ chung của hai chí sĩ được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, được tu bổ, tôn tạo khang trang, giữa là nấm mộ tròn, sau là ngọn tháp ghi hai dòng chữ Hán: "Trần Cao quý công, Thái Duy quý công".  

Cõi Tiên và những tài danh xứ Quảng ùa vào tôi làm nên mùa Quảng xuân này...

Tam Kỳ tháng 8, Huế tháng 10/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Miên man mùa Quảng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO