Khốn khó chồng lên nghèo đói

NGUYÊN VI| 07/07/2011 03:43

Cuộc sống yên bình của biết bao gia đình bỗng chốc tan thành mây khói. Đó là thực trạng đau lòng tại miền tây xứ Nghệ, đặc biệt là tại hai huyện vùng cao Tương Dương và Kỳ Sơn. Cuộc sống của người dân đã khó khăn, nay lại càng túng quẫn sau dòng lũ dữ quét vào cuối tháng 6 vừa qua...

Khốn khó chồng lên nghèo đói

Cuộc sống yên bình của biết bao gia đình bỗng chốc tan thành mây khói. Đó là thực trạng đau lòng tại miền tây xứ Nghệ, đặc biệt là tại hai huyện vùng cao Tương Dương và Kỳ Sơn. Cuộc sống của người dân đã khó khăn, nay lại càng túng quẫn sau dòng lũ dữ quét vào cuối tháng 6 vừa qua...

Khóc ròng bên dòng lũ

Nước lũ đã rút nhưng sẽ còn khá lâu nữa cuộc sống người dân mới trở lại bình thường.

Trận lũ xảy ra vào ngày 25/6 được coi là trận lũ lịch sử đối với miền tây Nghệ An. Hai huyện vùng cao Tương Dương và Kỳ Sơn được coi như tâm điểm tàn phá của đợt lũ này. Chỉ mấy tiếng đồng hồ, bao nhiêu sản nghiệp của người dân để tan thành mây khói, nhìn những ngôi nhà tan hoang, trơ trọi đất đá khiến ai chứng kiến cũng phải động lòng.

Ba ngày sau cơn lũ đi qua (ngày 28/6), nước lũ đã bắt đầu rút, con đường đi vào xã Yên Tĩnh (huyện Tương Dương) đã được thông dù vẫn ngổn ngang đất đá. Mất gần 2 giờ đồng hồ, cuối cùng chiếc xe Minks cũng đưa chúng tôi vào chứng kiến cảnh tượng tan hoang tại các bản vùng cao Yên Tĩnh. Trong trận lũ kinh hoàng này, các bản Pa Tý, Cành Toong, Cập Chặng và Hạt bị thiệt hại nặng nề nhất, một cảnh tượng tan hoang, tiêu điều hiện ra trước mắt.

Tại bản Pa Tý, năm 2009 cũng đã từng bị một trận lũ quét lớn cướp đi sinh mạng của 5 người dân vô tội. Trận lụt vừa rồi, dù may mắn không ai thiệt mạng nhưng hậu quả để lại vô cùng lớn. Hàng trăm sản nghiệp của người dân bỗng chốc “đội nón” ra đi cùng dòng nước.

Chưa hết bàng hoàng đứng bên dòng nước dữ, ông Vi Đại Nam kể lại: “Đã khốn lại còn khó, mới 2 năm trước tích cóp được ít vốn dựng được ngôi nhà nhỏ cho 5 đứa con ở chưa được bao lâu thì trận lũ 2009 đã mang đi sạch. Theo chương trình 30A của Chính phủ, nhà tui được hỗ trợ thêm làm cái nhà gỗ kiên cố, nay lũ đi qua coi như mất sạch. Đau đớn lắm, chú ơi!”.

Quả thật nhìn vào ngôi nhà tan nát còn trơ lại mỗi móng nhà xác xơ của ông Nam chúng tôi không khỏi thương xót, tiếc nuối.

Trụ sở UBND xã cũng bị ngập chìm trong bùn lũ.

Trong vẻ bàng hoàng, ông Kha Văn Tín tiếp chuyện: “Lũ lên nhanh quá, chưa đầy 2 giờ đồng hồ nhưng dòng nước lũ ào ào đi tới khiến cho người dân không kịp trở tay. Ai cũng cố chạy thoát thân chứ đồ đạc không lấy được tí gì”.

Dọc con đường đi vào các bản Cành Toong, Cập Chặng, Hạt... tất cả đều tan hoang, tiêu điều, nương rẫy cũng như các công trình thủy lợi của người dân dường như mất trắng. Bản Cành Toong có hàng chục ngôi nhà bị dòng nước lũ cuốn sạch.

Trong tiếc khóc thảm thiết như không còn chút sức lực, bà Vi Thị Năm nấc nghẹn: “Mất hết rồi chú ơi! Cơn lũ đỏ ào ào quét sạch của dân rồi, trâu, bò, lợn, gà và nhà cửa trôi hết mất rồi. Không biết dừ lấy gì mà ăn đây?”.

Nhìn cảnh người dân không nhà cửa đứng ngơ ngác, bơ phờ, họ cố gắng lục lọi trong đống đổ nát chất đầy bùn đất mà ai cũng hiểu rằng, những người dân khốn khổ, cơ cực đang cố tìm kiếm xem những gì còn sót lại đáng giá hay không. Nhưng tất cả dường như đều rơi vào tuyệt vọng!

Thử thách số phận

Trường học bị lũ đánh tơi tả.

Với đa phần là thuộc các bộ tộc Lào - Thái. Người Khơ Mú và người Mông, Kỳ Sơn hiện nay là một trong 3 huyện của Nghệ An được xếp vào nhóm các huyện nghèo nhất của cả nước. Đây cũng từng là địa bàn nóng nhất của tệ nạn buôn bán thuốc phiện, ma túy.

Vượt qua những tập tục của người Mông, Huồi Tụ đã từng bước đi lên, chuyển đổi trồng chè thay cho cây thuốc phiện, nhưng cái nghèo, cái khó vẫn chưa lìa xa họ. Toàn huyện có 21 xã, tất cả đều nằm trong diện xã đặc biệt khó khăn.

Trong cái nghèo đói, chắc hẳn chỉ những người trong cuộc mới thấm thía hết sự khủng khiếp, nỗi ám ảnh của trận “đại hồng thủy” ngày 25/6. Chỉ sau một khoảnh khắc, toàn bộ gia sản bị cuốn trôi theo dòng lũ.

Những ngôi nhà trở thành đống đổ nát.

Cho đến chiều ngày 27/6, nhiều tuyến đường vào các xã Yên Tĩnh, Yên Thắng, Lượng Minh, Nhôn Mai, Mường Típ, Tà Cạ... ở các huyện miền núi phía tây vẫn chưa thông tuyến khiến nhiều bản làng vẫn như “ốc đảo”, chìm trong bùn đất.

Theo thống kê của Ban Phòng chống Lụt bão huyện Kỳ Sơn, toàn huyện có 115 ngôi nhà bị sập và cuốn trôi hoàn toàn, có gần 800 ngôi nhà bị ngập lụt. Toàn bộ hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc đang bị tê liệt và chỉ một số ít cơ quan chức năng sử dụng máy nổ để làm việc và đến ngày 27/6 cơ bản điện mới được khắc phục... Ước tính thiệt hại ban đầu gần 200 tỷ đồng.

Anh Cụt Văn Ỏn, ở khối 1, thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn), gần một tuần mỗi ngày chỉ ăn 1 gói mì, trong bộ quần áo nhem nhuốc nói: “Nhà bị sập hoàn toàn, toàn bộ hàng tạp hóa đưa về kinh doanh cũng trôi và hỏng gần như hoàn toàn. Giờ đây cả nhà lại phải làm lại tất cả. Ngay khi nước rút, tôi và gia đình đã bắt đầu dọn dẹp để dựng lại căn nhà tre nứa ở tạm”.

Đường sá trôi sông, giao thông chia cắt

Cùng chung hoàn cảnh với anh Ỏn, bà Nguyễn Thị Mậu nhà kế bên cũng bị sập nửa nhà, bà và người chồng khốn khổ đang hì hục dọn dẹp trong đống đổ nát. Chị Mậu nói: “Đúng là khổ tại trời. Coi như hỏng hết mọi thứ, cũng may là giữ được tính mạng, dù biết là sẽ khổ, sẽ vất vả sau cơn hoạn nạn...”. Điều lo lắng nhất là nguy cơ đói, bởi nhiều hộ dân trắng tay sau lũ.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, trong đợt bão lũ vừa qua, toàn tỉnh bị thiệt hại rất lớn. Mưa lũ đã làm chết 3 người, 3 người mất tích, 2 người bị thương, 37 ngôi nhà bị sập, 2.212 ngôi nhà bị ngập trong nước, 129 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi và gần 10.000ha lúa bị ngập trong biển nước... ước tính thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.

Ông Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Sau trận lũ lịch sử, huyện đã huy động gần 300 người bao gồm các lực lượng công an, bộ đội, biên phòng, dân quân, thanh niên... giúp dân khắc phục trận lũ quét kinh hoàng vừa qua.

Đến nay, khu vực thị trấn Mường Xén cơ bản được đẩy bùn đất, các phương tiện giao thông bắt đầu hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, huyện cũng đã trích ngân sách hỗ trợ 10 triệu đồng cho hộ gia đình bị lũ cuốn trôi nhà và 5 triệu đồng cho gia đình có nhà bị sập”.

Ông Trần Minh Châu, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, Tương Dương đã xảy ra trận lũ quét lịch sử vừa qua, theo thông tin mới nhất thì huyện có 129 nhà dân, trường học bị thiệt hại. Trong đó bị ngập 116 nhà dân, 4 nhà bị lũ quốn trôi, 1 nhà bị sập, 2 ngôi nhà bị sạt lở nghiêm trọng, 3 trường học bị ngập và sập. Chúng tôi đang nhanh chóng huy động lực lượng để khắc phục hậu quả, tiến hành dọn dẹp và giúp đỡ bà con sớm ổn định cuộc sống”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khốn khó chồng lên nghèo đói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO