Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 4: Người lính thời bình và tinh thần lan tỏa cộng đồng

Ngọc Thoại| 30/04/2021 07:00

Trong số hàng trăm nghìn doanh nhân TP.HCM, có những con người từng khoác trên mình màu áo lính. Họ là những người lính - doanh nhân bình dị, luôn nung nấu tình thần được cống hiến. Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn, ông Khương Văn Thuấn - Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh (DNCCB) TP.HCM nói:

Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 4: Người lính thời bình và tinh thần lan tỏa cộng đồng

Hội DNCCB Thành phố hiện có hơn 300 doanh nghiệp (DN) hoạt động đa ngành nghề và lĩnh vực, từ sản xuất đến kinh doanh dịch vụ, đến làm trang trại và hợp tác xã nông nghiệp.

Trong Hội có nhiều doanh nghiệp lớn, từ tinh thần tương trợ và tình nghĩa đồng đội mà họ tạo điều kiện giúp các anh em cựu chiến binh khác lập nghiệp, khởi nghiệp, để hội viên anh em ở các quận huyện có công ăn việc làm, có thu nhập và đóng góp cho xã hội. Có thể kể đến vài ví dụ điển hình như ông Trịnh Văn Sỹ cùng các cựu chiến binh thành lập các hợp tác xã với mục đích phát triển các ngành nghề nuôi trồng thủy sản, làm muối cũng như các dịch vụ ở khu vực huyện Cần Giờ. Hay như ông Trần Văn Tắc với Công ty Giày Tuấn Việt tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, ông Bùi Thi Hùng ngoài sản xuất kinh doanh giày còn làm găng tay cao su y tế, vừa giúp cộng đồng chống dịch Covid-19, xuất khẩu ra nước ngoài, rồi anh Nguyễn Văn Truyền với cả một hệ thống cảng biển và đội tàu vận tải biển lớn.

* Hội DNCCB có chương trình gì để giúp đỡ các anh em cựu chiến binh khởi nghiệp? Khi bắt đầu với việc kinh doanh, các cựu binh có khó khăn hơn so với các công ty tư nhân?

- So với các DN nhà nước lớn hay tư nhân, các DN của cựu chiến binh có phần thiệt thòi hơn ở góc độ tiếp cận vốn hay mặt bằng ưu đãi. Trong Hội có các DN trẻ tuổi cũng như những cựu binh chưa thành lập DN mà chỉ mới kinh doanh theo kiểu hộ gia đình. Với những DN này, Hội động viên họ phát triển lên thành lập DN thông qua việc hỗ trợ kinh nghiệm, vốn để họ từng bước lớn mạnh. Ngoài ra, chúng tôi còn tạo nguồn quỹ “Giúp nhau làm giàu” để giúp cho các cựu chiến binh hay con em của các cựu chiến binh đã tốt nghiệp ở các trường đại học có điều kiện khởi nghiệp. Hiện nhiều cháu thế hệ 8X hay 9X bắt đầu tiếp quản cơ ngơi từ các bậc cha chú sau khi tốt nghiệp và học hành bài bản từ các trường đại học trong và ngoài nước, cũng như kinh qua nhiều vị trí tại các DN.

* Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, các thành viên Hội có các hoạt động xã hội nào đặc thù?

- Ngoài các quỹ phúc lợi, đền ơn đáp nghĩa và thiện nguyện thì Hội DNCCB đã tổ chức hoạt động như ủng hộ bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đây là hoạt động truyền thống hằng năm của Hội và giúp đỡ cho các cựu chiến binh có khó khăn ở các quận huyện, hay đi thăm hỏi và tặng quà cho các đối tượng chính sách vào các dịp như 27/7 hay 22/12 hằng năm.

Tuy nhiên, hoạt động có ý nghĩa nhất là xây dựng quỹ khuyến học nhằm giúp đỡ các cháu học sinh nghèo nhưng ham học để các cháu có đủ điều kiện học hết lớp 12 mà không phải bỏ học giữa chừng. Hiện Quỹ đang giúp đỡ cho hai cháu ở Cà Mau và tìm kiếm các cháu khác ở TP.HCM. Tôn chỉ của Quỹ không phải là nuôi hẳn các cháu mà là một nguồn động viên để các cháu vượt qua những khó khăn.

IMG89888.jpg

Hội DNCCB TP.HCM bàn giao nhà nghĩa tình đồng đội cho ông Nguyễn Văn Do, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi

* Theo ông, đâu là giá trị của tinh thần người lính trong cả thời chiến lẫn thời bình?

- Trong cuộc chiến chống ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc, người lính đã không tiếc máu xương của mình. Vậy nên, khi trở lại với cuộc sống thường nhật thời bình, chúng tôi vẫn giữ được bản chất của anh bộ đội cụ Hồ với tinh thần xông pha, quyết thắng, không ngại khó ngại khổ. Dù có thất bại trận này thì vẫn bày ra những việc khác để tiếp tục làm, làm sao để đạt đến mục đích cuối cùng là hoàn thành được các tâm nguyện của mình.

* Ông có kỳ vọng gì về triển vọng phát triển kinh tế của TP.HCM, cũng như có kiến nghị gì để Thành phố phát triển vững mạnh?

- TP.HCM tuy là đầu tàu phát triển của kinh tế của cả nước nhưng mức độ ưu tiên về vốn và cách tìm nguồn lực khác vẫn còn hạn chế. Đây cũng là một quá trình mà lãnh đạo Thành phố đã kiến nghị Chính phủ để có thêm nguồn lực làm thêm các cơ sở hạ tầng cho tới hệ thống cảng biển và đường cao tốc nhằm kết nối các cụm vùng kinh tế phía Nam. Như hiện nay các DN đang làm về logistics nhưng lại vướng về giao thông và như vậy là ảnh hưởng đến sự phát triển của DN.

Hội DNCCB TP.HCM rất kỳ vọng Thành phố tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước và tạo điều kiện giúp các doanh nhân cựu chiến binh có thị trường phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ năng động và hiệu quả. Trong điều kiện làm ăn kinh doanh khó khăn hiện nay, Hội cũng mong muốn Thành phố giúp đỡ các DN của cựu doanh nhân về tiếp cận vốn ưu đãi bởi về đất đai cũng như mặt bằng kinh doanh. Những khu vực đất đai mà Thành phố chưa sử dụng đến có thể giới thiệu cho các DN cựu chiến binh được đầu tư như các DN khác. Hiện các thành viên của Hội DNCCB TP.HCM chưa có DN nào nhận được sự hỗ trợ này và họ đều phải tự túc tìm mặt bằng kinh doanh.

Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 1: Sức trẻ dấn thân

Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 2: Được nhìn nhận là vai trò trụ cột

Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 3: Quy hoạch TP.HCM cho thế hệ trẻ tương lai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 4: Người lính thời bình và tinh thần lan tỏa cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO