Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Kiểm tra ngay khi nhận tố giác về hàng giả, hàng kém chất lượng
Ngày 19/5, tại phiên họp đầu tiên của Tổ công tác đặc biệt về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn - Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động kiểm tra, xử lý kịp thời ngay khi nhận được phản ánh từ người dân về tình trạng buôn bán, sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đợt cao điểm truy quét hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ diễn ra từ ngày 15/5 đến ngày 15/6, do Tổ công tác đặc biệt thực hiện. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đóng vai trò là cơ quan thường trực trong chiến dịch lần này.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá tình hình buôn lậu và gian lận thương mại hiện vẫn diễn biến phức tạp, với quy mô rộng và nhiều đối tượng tham gia.

Những hành vi vi phạm này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, làm suy giảm niềm tin của người dân mà còn gây bất ổn xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ trọng yếu, có tính chất lâu dài.
Các bộ, ngành và địa phương phải xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đồng thời duy trì hoạt động kiểm tra, phòng ngừa thường xuyên để từng bước đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng này.
Để thực hiện hiệu quả đợt cao điểm, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Tổ công tác khẩn trương hoàn thiện và ban hành kế hoạch hành động cụ thể trong ngày 20/5.
Song song đó, cần rà soát, đánh giá hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những kẽ hở pháp lý có thể bị lợi dụng để sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Tổ công tác trực tiếp theo dõi tình hình, kiểm tra thực địa và đôn đốc việc triển khai tại các bộ, ngành do mình phụ trách. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với tổ công tác, đảm bảo không để xảy ra tình trạng lơi lỏng quản lý trong bối cảnh thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính.
Theo báo cáo tổng hợp, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó có trên 8.200 vụ liên quan đến buôn bán, vận chuyển hàng cấm và hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại và thuế; cùng hơn 1.100 vụ sản xuất, tiêu thụ hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tổng số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước đạt hơn 4.897 tỷ đồng, đồng thời đã khởi tố gần 1.400 vụ án hình sự với hơn 2.100 đối tượng liên quan.