Phố “Tây ba lô”

TRẦN THANH PHƯƠNG| 31/07/2009 00:05

Không hẹn mà nên, “Tây ba lô” đến TP.HCM là đi thẳng đến khu tam giác Phạm Ngũ Lão - Đề Thám - Bùi Viện, Q.1, có cái tên ngồ ngộ là “Khu phố Tây” hoặc “Phố Tây ba lô”.

Phố “Tây ba lô”

Du khách đi lẻ, da đen, da trắng, da vàng gì cũng đeo ba lô, tay cầm bản đồ, lòng vòng tìm chỗ trọ, chỗ ăn uống. Thấy vậy, dân ta gọi là “Tây ba lô”. Không hẹn mà nên, “Tây ba lô” đến TP.HCM là đi thẳng đến khu tam giác Phạm Ngũ Lão - Đề Thám - Bùi Viện, Q.1, có cái tên ngồ ngộ là “Khu phố Tây” hoặc “Phố Tây ba lô”. Trước giải phóng, khu vực ngã tư Đề Thám - Bùi Viện được mệnh danh là “Ngã tư Quốc tế”, nơi có nhiều quán bar, sòng bài, vũ trường, nhiều sắc lính Mỹ, Úc, Đại Hàn... đến ăn chơi.

Năm 1993, khu Phạm Ngũ Lão có trong sách hướng dẫn du lịch được trên 150 quốc gia biết đến, cho nên có nhiều nhóm du khách bình dân, du khách “bụi” nhiều nước tề tựu về đây. Nhưng trước đó, năm 1986, đã có du khách người Pháp, người Nhật đặt chân đến khu phố này, có lẽ do “dư âm” “Ngã tư Quốc tế”, nhất là từ giữa năm 1995, sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với VN. Nhiều người dân nơi đây bắt đầu ngăn phòng, cơi nới thêm phòng ốc, gắn máy lạnh, internet, sửa lại nhà vệ sinh; học hoặc nâng cao tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật và học nấu những món ăn nước ngoài... Tiếng “bồi” chỉ còn tồn tại trong giới bán hàng rong, xe ôm... Nhiều khách sạn nhỏ, quán cà phê, quán ăn mọc lên. Giá cả khá mềm, có khách khen là siêu rẻ, phù hợp với du khách “bụi”. Tại các con phố ngắn này, hàng chục công ty du lịch lữ hành sẵn sàng đưa khách đi tham quan trong và ngoài thành phố trong ngày hoặc nhiều ngày, phần lớn mang tính khám phá thiên nhiên, tìm hiểu phong tục, tập quán của VN và mua quà lưu niệm.

Đến khu phố này, nhất là về đêm, khi khách đi thăm thú các nơi trở về (mỗi ngày trung bình có từ 3.000 - 4.000 khách “Tây ba lô” đến và đi), ta tưởng chừng như lạc vào một nước nào đó ở trời Tây. Ta dễ dàng trò chuyện với những “ông Tây”, “bà đầm” hồn nhiên quây quần bên những quán bar, những quán ăn vỉa hè, vui vẻ, ấm cúng như đang sống trên đất nước họ vậy. Có một vị khách nhận xét: Phố Tây này đón tiếp du khách với hàng chục quốc tịch, nhưng hiền và lành hơn những nơi khác mà ông đã đến. Đây còn là nơi giao lưu với bạn bè quốc tế, đồng hương người nước ngoài với nhau, giữa Tây với người Việt. Đặc biệt, dịp Noel, Tết dương lịch, mùa bóng đá quốc tế... càng sôi động, vui vẻ. Nhiều học sinh, sinh viên đến phố Tây làm quen với những vị khách thân thiện này để “tìm thầy” học thêm ngoại ngữ. Và những vị khách ấy cũng chịu khó học lại từ các cô cậu sinh viên ta một vài câu tiếng Việt.

Có thể nói, không đâu ở TP.HCM, chỉ trong không gian chừng một cây số vuông, lại tập trung đầy đủ những dịch vụ du lịch và dịch vụ phụ trợ như ở phố “Tây ba lô”.

Bản thân phố “Tây ba lô” đã là một điểm du lịch độc đáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phố “Tây ba lô”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO