Phó hiệu trưởng Hutech: Trường muốn được “thương” phải phục vụ sinh viên tốt

XUÂN LỘC/DNSGCT| 15/10/2016 06:53

Nguyễn Quốc Anh được biết đến là một vị Phó hiệu trưởng trẻ tuổi nhất đương nhiệm hiện nay.

Phó hiệu trưởng Hutech: Trường muốn được “thương” phải phục vụ sinh viên tốt

Nguyễn Quốc Anh được biết đến là một vị Phó hiệu trưởng trẻ tuổi nhất đương nhiệm hiện nay. Từ một nhân viên truyền thông, anh đã được cất nhắc lên vị trí Phó hiệu trưởng chỉ sau năm năm về làm việc tại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH).

Đọc E-paper

Anh được đánh giá cao vì đã đưa ra nhiều đề xuất mới mẻ cho dịch vụ giáo dục của trường, đưa HUTECH trở thành một trong 12 trường có Chỉ số hài lòng của sinh viên SSI cao nhất tại TP.HCM. Bắt đầu buổi trò chuyện bằng việc trở về khoảng thời gian cách đây năm năm, khi mới “chân ướt chân ráo” bước vào ngành giáo dục, anh kể:

Cách đây năm năm, khi về làm chuyên viên phụ trách mảng truyền thông và tuyển sinh của trường, nhiều người thắc mắc công việc của tôi là làm những gì? Khi đó, quan niệm quen thuộc của mọi người là học trò phải tự tìm trường, giống như trâu đi tìm cọc, chứ không có chuyện trường phải đi tìm sinh viên. Một số thầy cô còn nghĩ cả năm tôi chỉ làm việc trong mỗi tháng 9 tuyển sinh, những tháng còn lại chắc tôi sẽ rảnh rang…

Nhưng trong thế kỷ mới, truyền thông là một hoạt động mà bất cứ lĩnh vực, dịch vụ nào cũng cần phải xem trọng, trong đó có giáo dục. Doanh nghiệp có bộ phận marketing thì các trường ngoài công lập cũng không thể thiếu phòng tuyển sinh – truyền thông, không phải để “đánh bóng” thương hiệu mà nhằm đưa thương hiệu cùng các dịch vụ chăm sóc hiện có của nhà trường đến với học sinh. Thật may, Hội đồng quản trị của trường là những người từng nghiên cứu, làm việc tại các trường đại học tiên tiến trên thế giới nên có tư duy rất “mở” về công tác truyền thông và luôn tạo điều kiện tốt cho công việc của tôi.

* Có người nói “làm thương hiệu là làm cho cái hiệu được thương”. Vậy làm sao để hiệu của một trường ngoài công lập được sinh viên “thương” nếu không chịu khó “đánh bóng”?

- Tôi là người thực tế nên không vẽ vời quá mức về công việc mình làm hay thương hiệu của trường. Muốn được “thương” thì trường phải được sinh viên cũng như xã hội công nhận về các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ người học bên cạnh chất lượng đào tạo. Sinh viên là những người đã tương đối trưởng thành, đủ nhận thức để phân tích, so sánh, đánh giá “sản phẩm” giáo dục mình được thụ hưởng. Một sản phẩm thực phẩm chức năng khó đánh giá được tác dụng nhưng một sản phẩm giáo dục dở thì sẽ bị từ chối ngay.

Hầu hết phụ huynh khi tư vấn tuyển sinh đều hỏi: “Con tôi học ở Trường HUTECH ra liệu có việc làm không?”. Tôi trả lời rằng tương lai mỗi người còn phụ thuộc vào khả năng của chính họ. Kiến thức là một sản phẩm đặc biệt, không giống bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nào. Muốn có sản phẩm tốt thì sinh viên phải cùng nỗ lực trong suốt quá trình tạo ra sản phẩm.

Tại trường có hơn 40 câu lạc bộ về học thuật, văn hóa, thể thao để sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tế và rèn luyện kỹ năng mềm nhưng các em phải tham gia tích cực thì mới có thể nâng cao kiến thức, trình độ. Các em thích ở nhà hơn tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh cuối tuần, thích ngồi quán cà phê hơn ngồi giảng đường thì tôi không thể đảm bảo các em ra trường sẽ không bị thất nghiệp.

* Vì sao anh lại quyết định rời bỏ vị trí quản lý của một doanh nghiệp nước ngoài để làm việc ở vị trí chuyên viên cho một trường học trong nước?

- Có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là tôi muốn được làm việc với những người cùng văn hóa. Ở công ty Nhật Bản, tôi được trọng dụng nhưng sự khác biệt về văn hóa khiến tôi cảm thấy mình khó có thể cống hiến hết khả năng sáng tạo. Về trường, dù chỉ làm việc ở vị trí chuyên viên hay đảm nhận vai trò Phó hiệu trưởng, tôi luôn cảm nhận được tinh thần “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Tôi được tạo điều kiện, được ủng hộ nhiều nhưng tất nhiên áp lực cũng không ít. Với tôi, áp lực là động lực để tiến bộ.

Ngay cả khi được thảnh thơi, tôi lại tự đặt ra cho bản thân những áp lực mới để mình không ngừng tiến lên phía trước. Bản chất của con người vốn lười biếng, nếu không bị thúc ép chúng ta dễ rơi vào trạng thái nghỉ ngơi. Hơn nữa, khi tạo ra nhiều giá trị cho trường và nhiều người khác thì những áp lực mà tôi phải vượt qua là xứng đáng.

* Qua những chia sẻ của anh có thể thấy anh là người có tư duy tích cực…

- Thật may là tôi luôn tư duy tích cực. Một thái độ tốt bắt đầu với suy nghĩ tích cực. Thái độ là một phần quan trọng của nhân cách và quá trình suy nghĩ và nó góp phần vào chất lượng cuộc sống. Đây là lý do tại sao suy nghĩ tích cực làm nên một sự khác biệt lớn trong cuộc sống của chúng ta. Suy nghĩ tích cực đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai, cũng là yếu tố rất quan trọng để có cuộc sống hạnh phúc. Khi chúng ta có thái độ tích cực đối với bản thân và rộng lượng, khoan dung với người khác, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để thành công hơn, tôi tin như vậy.

Nên dù ở vị trí nào, tôi cũng không bao giờ đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của người khác. Tôi cứ làm với tất cả đam mê và nhiệt huyết, tạo ra thành công cho tập thể thì lợi ích cho mình cũng sẽ đến một cách tự nhiên. Những gì tôi đạt được hôm nay không phải do tôi thông minh mà do tôi làm việc bằng tất cả tâm huyết của mình và luôn cố gắng học hỏi từ thất bại của người khác. Có lẽ tôi hơi “ngược đời” khi không hay đọc về thành công của các hãng Apple, Samsung mà lại đọc về nguyên nhân thất bại của các hãng Nokia, BlackBerry.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của một thương hiệu hay một tổ chức nhưng phổ biến nhất là không chịu cải tiến, đổi mới. Thế giới thay đổi không ngừng, nếu chúng ta vẫn ung dung trên chiến thắng của quá khứ thì sớm muộn gì cũng rơi vào lạc hậu, lỗi thời. Vì vậy, dù đã có những kết quả khả quan trong năm năm qua nhưng tôi vẫn không ngừng cùng ban tuyển sinh nghiên cứu về tâm lý và nhu cầu sinh viên để đưa ra các chương trình và dịch vụ hỗ trợ phù hợp, làm hài lòng sinh viên hơn nữa.

* Vì sao ban giám hiệu nhà trường phải tìm cách làm hài lòng sinh viên?

- Vì sinh viên phải đóng học phí cho chất lượng đào tạo và dịch vụ giáo dục mà họ thụ hưởng nên họ có quyền có được sản phẩm xứng đáng. Tính cạnh tranh trong ngành giáo dục dù “dễ chịu” hơn trên thương trường nhưng cũng là động lực để chúng tôi phải cải tiến liên tục.

Trong nền giáo dục hiện đại, sinh viên có quyền được tương tác với giảng viên, nhà trường và được lựa chọn những chương trình phù hợp với mình. Vì vậy, làm dịch vụ giáo dục thời nay không đơn giản. Tư tưởng của người làm giáo dục mà không đổi mới thì không thể tạo ra những thế hệ nhân lực trẻ cho thời đại mới được. Tôi là người năng động nên không thích công việc ngồi bàn giấy, ở phòng máy lạnh từ sáng đến chiều. Trước đợt tuyển sinh, tôi thường đi đến các trường trung học để lắng nghe về nguyện vọng của học sinh, phụ huynh.

Ở trường, tôi hay đi lại, quan sát, hỏi han cảm nhận của sinh viên về chương trình học, chất lượng giảng viên, hoạt động chăm sóc hỗ trợ sinh viên,… cũng vừa tìm cảm hứng cho mình. Tôi không ngại lắng nghe ý kiến đóng góp của sinh viên vì đó là cơ sở thực tế đáng tin cậy nhất để hoàn thiện dịch vụ của Trường HUTECH. Tôi còn hay “dạo” mạng xã hội để cập nhật kịp thời những suy nghĩ, nhu cầu của các bạn trẻ. Phần lớn học sinh, sinh viên xem mạng xã hội như một kênh giao tiếp và thể hiện cá tính của mình.

Nhiều người cho rằng mạng xã hội gây lãng phí thời gian và xao lãng mục tiêu thực của các bạn trẻ. Bởi thay vì chú tâm tìm kiếm công việc trong tương lai bằng cách học hỏi những kỹ năng cần thiết, các bạn trẻ lại chỉ chăm chú để trở thành “anh hùng bàn phím” và nổi tiếng trên mạng. Thậm chí còn có nghiên cứu nói rằng những ai sử dụng mạng xã hội càng nhiều thì càng dễ bị trầm cảm…

Tôi lại thấy mạng xã hội khá hữu ích. Nhờ Facebook, chúng ta biết về thế giới xung quanh mình bằng những sự kiện, hoạt động, cảm xúc và bằng cả những phân tích trái chiều. Tôi thường sử dụng mạng xã hội để theo dõi các xu hướng của giới trẻ. Với sinh viên, các bạn có thể sử dụng mạng này để làm việc nhóm hoặc cập nhật kiến thức, thông tin thế giới.

Còn nếu chỉ sử dụng để mua vui hoặc giết thời gian thì rõ ràng mạng xã hội không tốt cho người dùng. Tất nhiên bất cứ sự vật nào cũng có tính hai mặt, giới trẻ thường chuộng trào lưu mà chưa có sự cân nhắc kỹ lưỡng về mục đích sử dụng. Tôi không loại trừ trường hợp, từ khi có mạng xã hội, một số bạn trẻ dường như so sánh bản thân nhiều hơn và khó kiểm soát hơn, từ đó dẫn đến tình trạng thất vọng về bản thân, thấy xã hội tiêu cực đầy rẫy bất công và các em trở nên bi quan, chán nản. Như tôi đã nói, tư duy tích cực mới tìm được hạnh phúc thật sự.

* Trở lại với câu chuyện dịch vụ giáo dục của trường, anh muốn cải thiện theo hướng nào?

- Có một câu chuyện tôi vô cùng ấn tượng trong thời gian sống và làm việc tại Nhật. Những ai từng đến nước Nhật đều có ấn tượng với dịch vụ xe buýt văn minh của đất nước này. Nhưng tôi có ấn tượng hơn cả là dịch vụ hành chính khi tôi có dịp đi gia hạn visa. Lần nào cũng vậy, sau khi gia hạn visa cho tôi xong, người tiếp quản công việc luôn đứng thẳng dậy và cúi đầu nói cảm ơn. Những người bạn Nhật nói rằng họ quan niệm khách hàng là người trả lương cho nhân viên nên họ phải thể hiện lòng biết ơn. Thật là một quan niệm khá “lạ lẫm” với Việt Nam. Tôi đánh giá cao quan điểm này, nên muốn xây dựng Trường HUTECH theo mô hình dịch vụ tương tự. Đến lúc này, cách tiếp đón và tư vấn sinh viên đã có những thay đổi tích cực, nhưng tôi kỳ vọng nhiều hơn thế.

Tuy nhiên, nhận thức của con người không thể thay đổi ngày một, ngày hai mà có lẽ phải cần đến năm năm, mười năm, thậm chí lâu hơn nữa. Ngoài ra, tôi kỳ vọng sẽứng dụng mạnh mẽ và đa dạng công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý của nhà trường nhằm mang đến cho sinh viên những dịch vụ hỗ trợ tiện lợi, nhanh chóng nhất. Hiện tại, sinh viên đăng ký môn học hoàn toàn bằng trực tuyến, có thể kiểm tra thời khóa biểu, học phí, lịch thi, các thông báo mới… chỉ với những cái click chuột. Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng những phần mềm quản lý, hỗ trợ dịch vụ sinh viên để các bạn có thể thực hiện nhiều thao tác trực tuyến hơn, ngay trên chiếc điện thoại các bạn sử dụng hằng ngày, giảm thiểu tối đa những thủ tục hành chính rườm rà.

* Trong năm năm qua HUTECH đã thể hiện khá tốt thương hiệu của mình, trường dự định sẽ có những thay đổi tiếp theo nào trong năm năm tới?

- Năm năm qua HUTECH đã có những đầu tư nhất định và được sinh viên, các bậc phụ huynh cũng như xã hội ghi nhận cho những nỗ lực đó. Cơ ngơi hiện tại với những khu học xá hiện đại, những phòng học lý thuyết, phòng thực hành đạt chuẩn, những phòng tập gym, phòng âm nhạc, hệ thống thư viện tiện nghi,… thực sự không phải là tài sản mà trường đại học nào cũng có được, chúng tôi tự hào về điều đó. Tuy nhiên, trong chiến lược lâu dài, năm năm qua là khoảng thời gian chúng tôi mới vừa hoàn thành giai đoạn “xây nhà”, và trong năm năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình “trang trí nhà cửa”, làm cho ngôi nhà của mình trở nên hoàn hảo hơn. Trên nền tảng của hệ thống hiện tại, chúng tôi sẽ đầu tư để kiện toàn hơn nữa hệ thống phòng thí nghiệm, phòng thực hành, các khu thể thao phức hợp,… cùng với những trang thiết bị, mô hình hiện đại, tiện nghi nhất, đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, nghiên cứu, sinh hoạt ngoại khóa, phát triển kỹ năng của sinh viên. Tài chính luôn là vấn đề lớn đối với các trường ngoài công lập.

Tất cả nguồn vốn của trường hiện nay là do vốn đóng góp từ Hội đồng quản trị cùng các thầy cô trong trường chứ không có nguồn đầu tư nào khác từ bên ngoài. Nên ngay cả việc tìm một khu đất rộng đủ để mở trường cũng phải cần thời gian… Nhưng trường trong những năm qua đã đi lên như thế, và trong năm năm tới chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục hành trình xây dựng một trường đại học chất lượng của mình. Chúng tôi luôn đầu tư cho một kết quả xứng đáng, để nâng cao uy tín và thương hiệu của nhà trường, có như vậy quý phụ huynh mới tin tưởng và cũng có sự đầu tư xứng đáng cho tương lai của con em họ ngay tại HUTECH của chúng tôi.

Tôi nghĩ rằng phụ huynh phải nhận thấy được chất lượng giảng dạy của trường thì mới bỏ ra một mức học phí tương đối cao cho con em mình. Nhờ internet và mạng xã hội, giờ đây không ai còn bị mù mờ về thông tin. Họ sẵn sàng bỏ ra một chi phí mắc gấp ba, gấp bốn lần mua một bó rau sạch để giữ gìn sức khỏe cho gia đình thì họ cũng sẽ “chịu chi” để con được giáo dục, đào tạo trong một môi trường tốt. Bởi lẽ đó, chúng tôi không ngừng đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để phục vụ sinh viên tốt hơn.

Việc đầu tư xây dựng Viện công nghệ cao HUTECH và Trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao HUTECH tại khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, quận 9 mới đây là một nỗ lực rất lớn của tập thể trường.
Hai cơ sở này kỳ vọng sẽ làm gì để góp phần giải bài toán về nguồn nhân lực của Việt Nam vừa thiếu lại vừa yếu như hiện nay, thưa anh?

Tôi không “vẽ” về một viễn cảnh vượt quá tầm tay về những gì trường chúng tôi chưa làm được. “Nói trước bước không qua”, ông bà ta thường nói như vậy. Chúng tôi không kỳ vọng Viện Công nghệ cao HUTECH sẽ đưa ra những phát minh, sáng chế mang tầm quốc tế mà chỉ muốn là một nơi để đầu tư, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong nước và quốc tế, kêu gọi các nhà khoa học trên thế giới tham gia chủ trì các đề án nghiên cứu của viện, thu hút những chuyên gia hàng đầu tham gia nghiên cứu, giảng dạy, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, tìm kiếm và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam, từng bước làm chủ và tiến tới đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Các nhà khoa học giỏi có thể sử dụng viện nghiên cứu liên ngành để thực hiện các nghiên cứu của mình. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ về cơ sở vật chất với điều kiện là đội ngũ giảng viên cũng được theo học để tích lũy kinh nghiệm thực tế. Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng không kỳ vọng đào tạo những thiên tài, những nhà quản trị xuất sắc. Trước mắt, chúng tôi định hướng đào tạo ra nguồn nhân lực có đủ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao tại Khu công nghiệp cao TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Không chỉ có nhân lực nhóm ngành Công nghệ mà nhân lực có ngoại ngữ nói chung hiện thiếu rất nhiều, trong đó có tiếng Nhật. Từ năm ngoái, trường đã có chương trình hợp tác với Viện Công nghệ Kanazawa (Nhật Bản), để đào tạo nguồn nhân lực vừa có chuyên môn vừa biết tiếng Nhật.

Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có nhu cầu nhân lực lớn, nhất là nhân sự khối ngành kỹ thuật – công nghệ, kinh tế – quản trị, hành chính văn phòng, kế toán,… Sinh viên học chương trình này được một phần học bổng để học tiếng Nhật đến trình độ cấp trung (N3). Hiện có sáu giảng viên người Nhật đang sống trong trường để hỗ trợ cho việc giảng dạy. Chiều chiều, có hai thầy cô lớn tuổi người Nhật thường ngồi ở sân trường thổi sáo rất hay, tạo nên một chút sắc màu lãng mạn cho trường.

* Anh có phải là người lãng mạn?

- Tôi là người thực tế, thích làm nhiều hơn nói. Kết quả sẽ chứng minh khả năng thực sự chứ tôi không hay nói trước về những điều mình sẽ làm. Tôi đã có những dự định giáo dục phục vụ cộng đồng nhưng sẽ “giữ cho riêng mình” trước khi chưa chính thức bắt tay vào làm.

* Cảm ơn anh về buổi trò chuyện 

>CEO Amazon đối mặt với rủi ro như thế nào?

>7 dấu hiệu cho thấy bạn là người thành công 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phó hiệu trưởng Hutech: Trường muốn được “thương” phải phục vụ sinh viên tốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO