Phim truyền hình Việt: Chuyên nghiệp mới mong khởi sắc

XUÂN HƯƠNG| 21/12/2017 06:36

Dù có những tín hiệu vui, song toàn cảnh của phim truyền hình Việt năm 2017 vẫn chưa mấy sáng sủa...

Phim truyền hình Việt: Chuyên nghiệp mới mong khởi sắc

Cảnh trong phim "Thương nhớ ở ai"

Trong một thập niên trở lại đây, các đài truyền hình bùng nổ về số lượng kênh phát sóng và cả giờ chiếu phim truyện. Ngoài hai đơn vị Nhà nước là Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) và Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS), đã có rất nhiều công ty truyền thông tham gia xã hội hóa sản xuất phim dài tập hay nhập khẩu phim ngoại để cung cấp cho các đài truyền hình.

Hình thức mua bán phim phổ biến giữa nhà sản xuất và đài truyền hình là đổi quảng cáo. Hiện nay, hầu hết các thương hiệu đều đổ quảng cáo vào gameshow (trò chơi truyền hình), thu hút quảng cáo khó khăn nên phim truyền hình bị thu hẹp sản lượng... Đã vậy, khi phim điện ảnh đang chạy theo xu hướng phim làm lại (remake) thì truyền hình cũng đua nhau Việt hóa kịch bản nước ngoài.

Trong năm 2017, những bộ phim truyền hình ăn khách nhất đều có kịch bản Việt hóa, như Người phán xửSống chung với mẹ chồng - 2 bộ phim của VFC đã tạo nên cơn bão trên mạng xã hội và khuấy đảo diễn đàn người xem truyền hình. Ở thời điểm này, Cả một đời ân oán có kịch bản Việt hóa từ Đài Loan do VFC sản xuất đang được kỳ vọng sẽ tạo nên "cơn sốt" như Sống chung với mẹ chồng.

Thành công của những bộ phim kể trên là nhờ kịch bản đánh trúng tâm lý khán giả, có sự chỉn chu và đầu tư nghiêm túc của nhà sản xuất, diễn xuất của dàn diễn viên rất xuất sắc, cộng với nhờ tác động mạnh của mạng xã hội, chiến lược PR và quảng cáo của nhà đài.

Trong khi đó, hàng loạt phim có kịch bản thuần Việt, dù có hưởng dư âm của Người phán xử hay Sống chung với mẹ chồng đều không tạo được độ "hot" như thế. Chỉ có Thương nhớ ở ai (kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng) đang nhận được sự quan tâm đặc biệt không kém Người phán xử, dù được chiếu trong Rubic 8 của 2 buổi chiều cuối tuần trên VTV3, nghĩa là không phải trong giờ vàng.

Link bài viết

Trong năm 2017, nhờ một số bộ phim rất "ăn khách" mà phim truyền hình ở phía Bắc đã lấy lại được danh tiếng. Nhưng phim truyền hình ở phía Nam thì đang "tuột dốc không phanh","thoái trào" hay"đi vào đường cùng", như ví von của một số nhà sản xuất. Lý giải về nguyên nhân, ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó giám đốc Hãng TFS từng nói rằng: "Bên cạnh việc khán giả cảm thấy chất lượng phim không còn được tốt, phim truyền hình phải chịu sự cạnh tranh từ những bộ phim nước ngoài, các bộ phim chiếu trực tuyến hay từ truyền hình thực tế”.

Có một điều rất  đáng lưu ý là thị trường giải trí phía Nam đang đẩy mạnh đến mức tối đa các gameshow trên truyền hình. Trên các khung giờ vàng của các ngày trong tuần, và đặc biệt là 3 ngày cuối tuần của các đài THVL, HTV và các đài địa phương khác đều phủ sóng dày đặc gameshow mang tính giải trí cao với đủ loại hình khác nhau phục vụ mọi đối tượng khán giả. Phim truyền hình truyền thống (45 phút/tập) bị đẩy bật khỏi khung giờ vàng, hoặc không bị thay bởi gameshow thì là phim sitcom (thể loại tình huống hài hước, chỉ dài 15 - 25 phút/tập).

Do vậy, khán giả thích xem gameshow giải trí tại nhà hơn, nên không chỉ phim truyền hình mà cả thị trường âm nhạc, sân khấu ở phía Nam đều chịu cảnh lao đao. Trước kia các nhà đài "sống" nhờ doanh thu từ phim truyền hình, thì nay thay thế là nguồn lợi nhuận lớn nhờ bán quảng cáo khi phát sóng gameshow và hạn chế đầu tư cho phim truyền hình truyền thống.

Số lượng nhà sản xuất "xã hội hóa" phim truyền hình giảm xuống rất nhiều, những đơn vị lớn như M&T Pictures đã giảm sản lượng xuống còn một nửa và chuyển hướng sang làm gameshow, phim sitcom để nhanh thu hồi vốn. Còn nhiều nhà sản xuất tên tuổi khác như Sóng Vàng, VietCom Film... thì tạm ngừng hoàn toàn không làm phim truyền hình. Nhiều nhà sản xuất cho biết, trong khi mọi thứ chi phí sản xuất đều tăng lên, chỉ có tiền sản xuất phim không lên, các nhà đài vẫn chỉ trả 200 triệu đồng/tập.

Bởi vậy, nhà sản xuất lỗ từ 1 - 2 tỷ đồng/phim dài 30 tập khi bán cho đài phát sóng là chuyện bình thường. Ngay cả Hãng phim TFS cũng từng vắng bóng trên thị trường phim truyền hình suốt 2 năm. Mãi từ giữa năm 2017, TFS mới trở lại với các phim Lẩn khuất một tên người, Tơ hồng vấn vương, đều sản xuất từ năm 2015, phải "cất kho" chờ thời điểm phát sóng thuận lợi hơn.

Theo một khảo sát từ khán giả của VFC, phim truyện vẫn được yêu thích nhất trong các thể loại chương trình truyền hình, trong đó có đến 42% khán giả xem phim truyền hình thường xuyên, nhóm xem nhiều nhất là người giúp việc, nghỉ hưu, nội trợ với tỷ lệ 82%. Như vậy, các nhà sản xuất phim hoàn toàn vẫn có cơ hội để kéo khán giả về lại với mình.

Tuy nhiên, theo những người làm nghề, để phim truyền hình Việt khởi sắc trở lại và thành công thì điều quan trọng nhất là phải chuyên nghiệp, không chạy theo kiểu sản xuất mì ăn liền. "Chuyên nghiệp trong ý tưởng kinh doanh và khâu đầu tư của nhà sản xuất. Đòi hỏi cũng chuyên nghiệp hơn trong khâu thực hiện, trong đội ngũ làm phim từ đạo diễn, biên kịch, diễn viên... đến công nghệ. Chuyên nghiệp cả trong cách PR, quảng bá và phát hành", một cựu sản xuất của Công ty Sóng Vàng nhận định.

Một điều nữa là trong mối quan hệ tương hỗ, các đài truyền hình không thể phó mặc cho các nhà sản xuất xã hội hóa tự xoay xở. Muốn phim truyền hình không bị lép vế với gameshow, các nhà đài nên ưu tiên lại giờ vàng cho thể loại này. Tuy nhiên, theo dự báo gameshow vẫn chưa có dấu hiệu giảm "nở nồi", nên năm 2018 phim truyền hình sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim truyền hình Việt: Chuyên nghiệp mới mong khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO