Ra mắt vào năm 2020, cuốn sách Phép màu để vượt lên chính mình của nữ doanh nhân Nhan Húc Quân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH bao bì giấy nhôm New Toyo đã được cộng đồng doanh nhân đón nhận rộng rãi vì giá trị tích cực của quyển sách. Trong buổi giới thiệu quyển sách tại chương trình Gặp mặt đầu năm 2021 thuộc chương trình Doanh nhân & Sách do tạp chí Doanh nhân Sài Gòn tổ chức với sự tham gia của các doanh nhân trong Hội đồng Phát triển Sách doanh nhân.
Bìa cuốn sách “Phép màu để vượt lên chính mình” |
Hai doanh nhân tham gia chia sẻ quyển sách của tác giả Nhan Húc Quân là ông Nguyễn Tuấn Phương - Trưởng phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm thuộc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, và bà Lê Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Liên hiệp phát triển kinh tế và giáo dục - Trung tâm tư vấn giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
“Là bạn tâm giao 25-26 năm qua, nhân chuyến công tác ở Đức vào năm 2018, tôi được biết và đọc quyển Phép màu để trở thành chính mình. Sau khi đọc xong tôi nghĩ rằng chị Quân phải viết quyển thứ hai vì rõ ràng năng lượng chị chị tỏa ra trong quyển đầu là rất lớn. Và cuốn sách thứ hai này cho thấy rõ ràng suy đoán của tôi là đúng", ông Phương cho biết.
Bà Ánh, cùng là thành viên Hội nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE), với công việc chuyên môn làm coaching (tư vấn cho doanh nghiệp), cho biết đã đọc hết cả hai quyển sách của tác giả Nhan Húc Quân vì bà thích học hỏi từ những doanh nhân và doanh nghiệp thành công vì họ có câu chuyện từ thực tế cuộc sống.
“Cuốn sách này hữu ích với tôi bởi công việc làm coaching đòi hỏi tôi phải có nội lực mạnh để làm việc tư vấn trực tiếp với các anh chị doanh nhân khác, phải truyền tải được nội lực cùng nguồn năng lượng tích cực của mình đến với đối tác nhằm giúp họ thay đổi cách tư duy và tiếp cận vấn đề”, bà Ánh cho hay.
"Những điều chị Quân gửi gắm trong từng câu chuyện trong quyển sách thứ hai đều được truyền đạt khéo léo hơn quyển đầu, và đều là những vấn đề mà gần như doanh nhân hay doanh nghiệp nào cũng gặp phải trong hoạt động hằng ngày",bà Ánh chia sẻ thêm.
Bà Quân chia sẻ thêm rằng nhiều độc giả sau khi đọc sách cũng có phản hồi rằng các câu chuyện bà kể trong quyển này đã khích lệ họ rất nhiều và có ý nghĩa vì mang lại sự giúp đỡ cho họ trong quá trình điều hành doanh nghiệp hằng ngày.
Doanh nhân Nhan Húc Quân chia sẽ tại buổi review cuốn sách Phép màu để vượt lên chính mình sáng ngày 5/3 |
Một trong những vấn đề sát sườn với doanh nghiệp nhất, theo ông Phương, là câu chuyện Nâng đỡ cảm xúc cho nhân viên và Quản trị cảm xúc cho người quản lý hay chủ doanh nghiệp ở trang 35 và 42. “Nhiều lãnh đạo/ quản lý doanh nghiệp không đồng cảm và thấu hiểu cảm xúc nhân viên, không giúp nâng đỡ khi nhân viên cần, bị cảm xúc cá nhân chi phối khi điều hành. Điều này rất nguy hại cho doanh nghiệp. Nhiều bài học thiết thực được chia sẻ trong sách, từ khái quát đến chi tiết, sẽ giúp ta kiềm chế được những cảm xúc cá nhân này”, ông Phương chia sẻ.
Ông Phương, với kinh nghiệm hơn 10 năm ở vị trí quản lý cao cấp, nhưng vẫn nhận thấy có những tầng nấc trong quản lý mà mình chưa khám phá hết về quản lý, cũng như cách điều tiết lợi ích giữa quyền lợi nhân viên và người quản lý. “Quyển sách đã thực sự giúp tôi giải quyết những vấn đề này”, ông nói thêm.
Qua phần chia sẻ của ông Phương, bà Quân nói thêm rằng bà viết sách là bằng cảm xúc thật của mình, để những nội dung mình viết sẽ “đi từ trái tim đến trái tim”, một quyển sách vừa mang tính tự truyện, lại vừa mang tính sách “know-how” - hướng dẫn chi tiết các bước thực hành. Bà Quân cho biết câu chuyện trong quyển sách được rút tỉa từ những câu chuyện từ bản tin nội bộ doanh nghiệp mà bà khởi xướng từ 2004 trước bức xúc của nhân viên trong công ty, dẫn đến một chuỗi những thay đổi trong công tác điều hành và quản lý cho hơn 200 con người. Bản tin này trước đây được thực hiện hàng tháng, và hiện nay được thực hiện một lần mỗi quý.
“Phép màu để vượt lên chính mình không những cần thiết trong tủ sách trong công ty, mà còn cần có mặt trong kệ sách gia đình, vì nó giúp người đọc hiểu ra bản thân và gắn vào mục tiêu bản thân với công việc và cuộc sống một cách rất chan hòa”, bà Ánh khẳng định.
Cả hai doanh nhân bày tỏ mong muốn bà Quân sẽ viết tiếp một đầu sách nữa để chia sẻ câu chuyện doanh nghiệp vượt qua thời kỳ đại dịch như thế nào, nhưng bà Quân lại nói ý tưởng về quyển thứ 3 sẽ khác, với chủ đề cũng xuất phát từ thực tế cuộc sống. “Dù ban đầu tôi dự định chỉ viết hai quyển, nhưng khi thấy các quyển sách về tự do tài chính hay các video clip dạy làm giàu nhanh đang lan truyền chóng mặt trên Internet, tôi nhận thấy được những cái hay và những cái chưa phù hợp trong quản lý tài chính, nên nảy ra ý định viết về mảng này để giúp phụ nữ Việt Nam quản lý tài chính”, bà Quân bộc bạch.
“Quyển này sẽ có những tấm gương rất đời thường về cách nào để tích lũy tiết kiệm và đầu tư để có tiền cho con học đại học, và cần trang bị kiến thức gì và cần tránh những việc gì. Dù tài chính ko phải là mảng chuyên của tôi, nhưng từ kinh nghiệm cá nhân từ khi làm thuê, đến làm chủ doanh nghiệp, đến giờ còn đầu tư một số công ty đang trên sàn chứng khoán, tôi đủ tự tin rằng mình sẽ viết được quyển sách này”.