Phát triển vi mạch phải theo nhu cầu thực tiễn

Bài và ảnh: TUYẾT ÂN| 16/11/2017 03:49

TP.HCM đang kêu gọi doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và đầu tư phát triển các sản phẩm công nghệ vi cơ điện tử, cảm biến (MEMS, sensor) để phục vụ nhu cầu của nền kinh tế.

Phát triển vi mạch phải theo nhu cầu thực tiễn

Phát biểu tại Diễn đàn MEMS, Sensor tại TP.HCM cuối tuần rồi, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, tháng 7/2017, Thành phố đã ban hành Quyết định 4022 phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đó sẽ xây dựng nền tảng cơ bản cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn theo hướng lấy dịch vụ và thiết kế làm trọng tâm, chế tạo thử nghiệm và đầu tư cho khâu đào tạo để từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến về vi mạch bán dẫn, đồng thời thu hút nguồn nhân lực cao cấp trong và ngoài nước tham gia.

"TP.HCM phải chủ động, tiên phong và đột phá trong tư duy phát triển cũng như ứng dụng công nghệ trong hoạt động của doanh nghiệp", ông Tuyến nhấn mạnh.

Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2013 - 2017, TP.HCM đã cấp kinh phí cho 18 đề tài nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm vi mạch với hơn 68 tỷ đồng, sản xuất chip vi xử lý bit RISC thương mại SG-8V1 chi phí thấp, đồng thời đào tạo gần 500 chuyên viên trong lĩnh vực thiết kế vi mạch để cung cấp nguồn nhân lực cho các công ty trong nước.

Ông Dương Anh Đức - Giám đốc sở này cho biết, thời gian tới, Thành phố phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn theo hướng thương mại dịch vụ, tập trung vào những sản phẩm ứng dụng phù hợp với nhu cầu xây dựng đô thị thông minh. Có 7 đề án cho mục tiêu này, từ đào tạo nguồn nhân lực, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch sản xuất trong nước cho đến chương trình phát triển ngành công nghiệp MEMS, xây dựng thương hiệu lĩnh vực cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia về vi mạch điện tử đầu tư vào TP.HCM.

Theo ông Tom Nguyen - Giám đốc Điều hành DunAn Sensing, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp vi mạch nhờ thị trường trăm triệu dân, lực lượng lao động trẻ được đào tạo và có các cụm công nghiệp phù hợp. Tuy nhiên thách thức lớn nhất để phát triển ngành công nghiệp vi mạch là phải đưa ra công nghệ để đảm bảo sản phẩm ra thị trường với chi phí thấp, giá thành hợp lý. Điều này đòi hỏi vai trò của Chính phủ ngoài việc cấp vốn còn phải tạo được môi trường sản xuất ổn định.

Ông Roger Grace - Chủ tịch Hiệp hội RGA (Mỹ) cũng cho rằng, đây là lĩnh vực đặc thù và dài hơi, nếu không có sự hỗ trợ vốn ban đầu từ Nhà nước thì rất khó thành công để thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng MEMS, cảm biến. "Việt Nam cần lựa chọn những sản phẩm thích hợp để phát triển theo nhu cầu thực tiễn", ông Roger Grace khuyến cáo.

Mạch vi cơ có mặt trong hầu hết thiết bị điện tử dùng cho sản xuất và đời sống hằng ngày, trong khi cảm biến là nền tảng cho vạn vật thông minh (smart everything). Xu thế phát triển internet kết nối vạn vật (IoT), nhu cầu xây dựng đô thị thông minh và sự bùng nổ của dữ liệu là những yếu tố khiến cho nhu cầu về MEMS và sensor tăng rất cao.

Các chuyên gia ước tính số lượng thiết bị kết nối trên thế giới sẽ đạt 50 tỷ vào năm 2020, đưa quy mô thị trường này lên đến hàng nghìn tỷ đô la Mỹ. Đối với Việt Nam, cơ hội để phát triển công nghiệp vi mạch phục vụ cho ngành nông nghiệp công nghệ cao, tự động hóa, giao thông đô thị, an toàn thực phẩm, ứng phó biến đổi khí hậu... là rất lớn.

TS. Lê Hoài Quốc - Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM khuyến cáo, cơ hội nhiều nhưng thách thức không nhỏ bởi phải cạnh tranh về chất lượng và giá thành sản phẩm với các nước trong khu vực và thế giới. Cũng cần chú trọng đến các vấn đề về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Sự phát triển nhanh về công nghệ cũng khiến các nghiên cứu hoặc sản phẩm nhanh chóng bị lạc hậu.

Ông Quốc kiến nghị Nhà nước bổ sung các chính sách tạo dựng hệ sinh thái theo chuỗi giá trị. Theo đó, không đơn giản ưu đãi cho khâu sản xuất mà còn cần ưu đãi cho những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao, như thiết kế, xây dựng thương hiệu. Muốn thu hút đầu tư để thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch phát triển thì phải đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách hỗ trợ các ý tưởng mới từ thiết kế đến thương mại hóa sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển vi mạch phải theo nhu cầu thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO