Chiều 14/6, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi hội thảo với chủ đề “Định hướng phát triển doanh nghiệp trong tình hình kinh tế mới” do Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội phối hợp cùng Tổ chức giáo dục PTI đồng tổ chức.
Trong khuôn khổ hội thảo, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, sự kiện Việt Nam sắp gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và tham gia ký kết Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có ý nghĩa rất lớn, không chỉ dựa trên khía cạnh kinh tế mà còn liên quan đến lĩnh vực an ninh và sự ổn định chiến lược lâu dài của đất nước.
Cụ thể, việc tham gia hội nhập trên sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế trong nước. Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi rất lớn khi gia tăng thương mại với Mỹ, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp FDI, thúc đẩy kinh tế phát triển. Song song với đó, hàng rào thuế quan cũng sẽ giảm đi đáng kể, giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh lâu dài với các quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích trên, hội nhập cũng đặt ra không ít thách thức dành cho các doanh nghiệp Việt, trong đó nguyên do chủ yếu xuất phát từ khả năng nội tại của doanh nghiệp.
Chia sẻ về chủ đề này, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa – Giám đốc chiến lược Tập đoàn FPT cho biết, vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay chính là sự lãng phí trong năng suất lao động và lợi nhuận ròng, thêm vào đó là xu hướng chạy đua theo số lượng sản phẩm và chưa có sự quan tâm đúng mức đến tiềm năng hội nhập của nền kinh tế.
Đơn cử, trong ngành dệt may, việc chưa biết cách phát huy hết tố chất thông minh, sáng tạo của người lao động Việt Nam cũng là một "điểm trừ" khiến các doanh nghiệp Việt thua trên sân nhà - điều mà các doanh nghiệp FDI như Nike, Adidas đã làm được ở Việt Nam từ nhiều năm trước.
Do đó, để các doanh nghiệp nội địa đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong quá trình hội nhập, ông Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương nhấn mạnh, các chủ doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh - không nên chỉ đầu tư vào các mối quan hệ, thu lợi nhuận bằng cách hưởng chênh lệch giá mà phải có chiến lược phát triển lâu dài.
Trong tương lai, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nên tự tạo ra lợi thế riêng cho mình dựa trên những điểm mạnh sẵn có thay vì dồn sức cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau thành chuỗi hợp tác lâu dài, chú trọng đầu tư vào nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, thương mại điện tử...
>Những chuyển động mới của doanh nghiệp VN
>“Doanh nghiệp ca” và những lời nói thật
>Chính phủ cần chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp
>Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp