Phận người hái cà phê vùng gió chướng

Tiêu Dao - Minh Ngọc| 11/12/2020 09:00

Mùa gió chướng bắt đầu, cũng là lúc vào vụ thu hoạch rộ cà phê vùng Tây Nguyên. Những người lao động nghèo từ khắp nơi đổ về đây hái cà phê thuê để kiếm thêm thu nhập cho những ngày Tết sắp tới. Họ, mỗi người một thân phận thật đáng thương!

Những phận người rong ruổi

h1-7352-1607591569.jpg
Nụ cười luôn thường trực trên môi như niềm lạc quan không bao giờ tắt của những phận người rong ruổi

Tại các bến xe ở Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk nhộn nhịp hẳn lên. Họ là những lao động, đa phần là dân miền Trung kéo nhau lên Tây Nguyên thu hoạch cà phê mướn. Họ hối hả, nhanh chân chọn cho mình một rẫy cà phê để hái thuê, bởi vụ mùa cà phê chỉ kéo dài khoảng hơn một tháng.

Chị Phan Thị Thu (quê Quảng Nam) cùng nhóm người cùng quê vào xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà, Kon Tum) hái cà phê tâm sự quê mình mới qua mùa lũ lụt, nhà cửa, ruộng vườn ngập nước mênh mông, mùa màng không còn gì để thu hoạch. Nhàn rỗi nên người dân trong làng rủ nhau lên đây hái cà thuê cho người bà con để kiếm thêm tiền trang trải và lo cho con ăn học. Đôi mắt thoáng chút buồn, chị Thu nói: “Vừa qua, cơn bão số 9 ập tới khiến nhà bị tốc mái. Mấy tấm vách xung quanh nhà cũng long đinh nên phải cột tạm bằng dây kẽm. Mẹ con tôi tranh thủ lên đây làm thuê hết mùa thu cà phê, gần Tết về có ít tiền sửa lại cái nhà cho khỏi dột!”.

Cũng như chị Thu, chẳng ngại ngần kể về cuộc đời làm thuê tứ xứ của mình, chị Trần Thị Thêu (41 tuổi, quê Mộ Đức, Quảng Ngãi) cho biết, gia đình nghèo khó chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, khi hết mùa chị lại tần tảo khăn gói đi làm thuê ở nhiều nơi. Năm nào cũng vậy, sau thời gian phụ hồ hay làm những công việc khác mưu sinh, đến chừng giữa tháng 11 chị lại khăn gói lên Tây Nguyên để hái cà phê thuê. 

“Mỗi năm chỉ có một mùa, chủ vườn họ cần nhân công nên tôi tranh thủ lên làm mướn. Trong làng, không chỉ mình tôi mà còn rất nhiều bà con cũng lên đây hái cà phê thuê cả!”, chị Thêu nói. 

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bình quê ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) lên Tây Nguyên làm thuê mấy năm nay. Sau mùa mưa bão vừa qua, anh chị nhờ ông bà nội nuôi con để vào Gia Lai kiếm việc làm, gần đến Tết cổ truyền thì lại trở về quê cùng gia đình. Anh Bình cho biết: “Mấy năm nay thiên tai, mùa màng thất bát nên vợ chồng phải gửi con cái lại quê để lên đây kiếm việc làm, đặng kiếm tiền ăn Tết và lo cho mấy đứa con ăn học. Nếu không có những vườn cà phê này, chắc hai vợ chồng phải vào trong Nam làm công nhân, lương ba cọc ba đồng thôi!”. 

Đa phần người hái cà phê thuê có chung phận nghèo khó, họ muốn tìm một công việc khả dĩ có thu nhập đủ để nuôi sống gia đình. Nhìn những bàn tay trầy xước rướm máu vì lao động, những đôi bao tay rách tướp và những vết trầy xước trên mặt những người lao động này mới thấy công việc thu hái cà phê cũng chẳng nhẹ nhàng gì.

Không phân biệt chủ, tớ

h4-1995-1607591569.jpg

Những nhân công như anh Bình, anh Tạo ngoài công việc thu hái cà phê, còn làm thêm nhiều việc khác như phơi hay xay cà phê giúp chủ nhà để có thêm tiền công

Cứ 3-4 người một bạt kéo lê dưới gốc cà phê để hái, rồi lại gồng mình trút đổ vào những chiếc bao nặng 60-70kg và vác lên điểm tập kết cách xa cả trăm mét đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe. Tất nhiên, với mỗi công việc đòi hỏi kỹ năng cần thiết và phải làm đẹp lòng chủ. Gặp những chủ nhà khó tính, chuyện làm thêm giờ, làm những công việc không liên quan cũng là thường. Nhưng cũng có nhiều trường hợp chủ nhà là người dễ tính, quan tâm tới nhân công. 

“Những chủ vườn này cũng đều là nông dân, họ thấu hiểu được nỗi vất vả của người làm nên thương người lắm. Tôi đã làm công việc này mấy năm rồi, gặp chủ nào cũng thương cả. Chuyện ăn uống cũng được quan tâm. Mình làm được việc nên có khi hái xong, ngoài tiền công chủ vườn còn cho thêm quà cáp, cho cả tiền xe về nữa! Cứ thế, năm sau đến mùa họ lại điện thoại lên hái. Thi thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe và gia đình. Cũng thân thiết lắm!”, anh Bình chia sẻ.

Công việc của người đi hái cà phê thuê cũng đầy vất vả, nên họ cũng thường được chủ nhà quan tâm tới chuyện ăn uống. Tất nhiên không tính vào tiền công của người làm. Mỗi vụ mùa, chủ vườn có thể thuê tới 10-20 nhân công tùy vào diện tích cần thu hái. Họ chăm lo đến chuyện ăn uống, nghỉ ngơi của người làm để nhân công của mình dồn sức thu hoạch nhanh. Có khi cả chủ và người làm cùng chung một bạt hái, cùng quan tâm nhau về gia đình, về quê hương bản quán và cuộc sống khó khăn hiện tại. Có nhiều người làm thuê cũng được chủ vườn giữ lại để trông coi vườn cho mình với mức lương vài triệu đồng một tháng, xây nhà cho ở, hay đưa cả vợ con lên để chăm sóc, cùng làm. 

Ông Đặng Văn Giỡ, một chủ vườn ở Chư Păh (Gia Lai) cho biết: “Tôi cũng đi kinh tế mới vào đây nhiều năm trước nên hiểu cuộc sống khốn khó của những người phải đi tha phương. Nên việc giúp đỡ nhau trong công việc, hay quan tâm tới đời sống của nhân công cũng là điều bình thường. Mình có đối xử tốt với người làm thì họ mới hết lòng với mình. Tôi cũng chẳng phân biệt chủ tớ gì và chắc mọi người cũng thế. Tất cả cũng chỉ vì mưu sinh và lo cho gia đình thôi!”.

Mùa gió chướng đầu đông khiến tiết trời trở lạnh vào mỗi buổi chiều, nhiều người hái cà phê thuê với bộ quần áo lao động cũ nhàu cùng đôi giày thể thao đã ngả màu co ro trong thời tiết lạnh buốt. Một số phụ nữ tranh thủ gọi điện về hỏi thăm gia đình và các con. “Con ở nhà ngoan, ráng chăm học với nghe lời ông bà. Ít hôm nữa bố mẹ về dắt hai chị em đi mua đồ Tết nhé”. Một chị khác lại quàng lại chiếc khăn len trên cổ, rồi vội vã tiếp tục công việc cho tới tối. “Tới ngày hái cà phê là chủ cũ đã gọi dặn tôi lên hái cho họ. Họ tốt lắm nên mình cũng phải cố gắng hái nhanh nhưng ít bị hư cành nhất. Hái hết nhà quen, lại được giới thiệu sang những vườn nhà khác. Do làm tốt nên cứ hái xong, chủ lại cho thêm tiền xăng xe rồi ăn uống dọc đường về. Nói chung là cũng có dư ít tiền mua quà bánh cho con!”, người nữ nhân công này nói.

Thu nhập trung bình của người hái cà phê thuê dao động từ 150.000 -180.000 đồng/người/ngày tùy vào khu vực, nhưng đó là khoản thu nhập đáng kể để những người lao động có được sau những ngày tháng vất vả. Số tiền ấy họ để dành lo cho một cái Tết sắp tới, cho những đứa con ở quê nhà đang chờ manh áo mới, chờ cuốn vở mới, hay những mái nhà nghèo đang tan hoang trong những trận bão vừa qua được lợp lại. Họ cứ cặm cụi làm việc, gom góp số tiền công ấy lại để lo cho gia đình, lo cho con cái. Những giờ nghỉ ngơi, những người lao động lại quây quần bên nhau, hỏi thăm nhau về sức khỏe, về những vết thương vô tình gặp phải trong lúc làm việc, hỏi nhau về gia đình và cùng mơ ước tới một tương lai tốt đẹp hơn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phận người hái cà phê vùng gió chướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO