* Ông nhận xét thế nào về lãi suất cho vay đang ở mức thấp chưa từng có?
- Trong bối cảnh nền kinh tế đã và đang gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 1/10/2020. Đây là lần thứ ba trong năm 2020 và là lần thứ tư trong vòng 12 tháng qua, NHNN giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm mạnh lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân kinh doanh.
Hiện nay, trên thị trường tín dụng đầu ra, lãi suất cho vay qua đêm giữa các NHTM nói chung tại thời điểm cuối tháng 10 chỉ xoay quanh 0,1%/năm, là mức thấp nhất từ trước đến nay. Thậm chí, có thời điểm lãi suất này còn thấp hơn lãi suất cùng loại tại Ngân hàng Trung ương Mỹ, nên có báo cho rằng đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trên thị trường tín dụng Việt Nam.
Trong bối cảnh lạm phát 10 tháng qua thấp hơn kỳ vọng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chỉ tăng 3,71% so với cùng kỳ và có xu hướng giảm dần, khả năng năm nay sẽ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội đề ra (khoảng 4%), quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN là rất cần thiết nhằm tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn rẻ cho các NHTM, từ đó tiếp tục giảm lãi suất huy động tiền trong xã hội để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
* Đang có khuyến cáo các NHTM nên tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cuối năm đạt mức 10%. Ông nói gì về điều này?
- Tại thời điểm tuần giữa tháng 11, trên thị trường tín dụng, lãi suất tiền gửi chỉ còn phổ biến ở mức từ 3-3,8%/năm ở kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5%/năm ở kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, 4,9-5,6%/năm với các kỳ hạn 12 và 13 tháng, tính từ đầu năm 2020, tổng mức giảm lãi suất tiền gửi đã sụt từ 1,5-2,5%, xuống tới mức thấp kỷ lục trên thị trường huy động vốn.
Thậm chí, hầu hết NHTM đã huy động với lãi suất dưới 4%/năm, thấp hơn so với mức trần mới nhất mà NHNN đã kéo xuống tới 0,5 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, dù lãi suất đầu vào đã liên tục giảm trên toàn thị trường, nhưng nguồn vốn huy động của các ngân hàng vẫn tăng, càng chứng tỏ tiềm lực vốn của các NHTM trong nước rất dồi dào.
Các ngân hàng đang dồi dào thanh khoản nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể vay nhiều vì cơ hội kinh doanh chưa nhiều. Trong bối cảnh hiện nay, nếu vẫn tiếp tục giảm lãi suất có thể sẽ gây ra "tác dụng phụ" lái dòng tiền tích lũy trong dân cư và tổ chức chuyển từ kênh tiết kiệm ngân hàng sang các kênh đầu tư không an toàn.
* Chỉ trong tháng 10, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã thêm hơn 1 điểm phần trăm, tăng nhanh hơn nhiều so với các tháng trước. Theo ông, đâu là điểm cần lưu ý?
- Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 26/10/2020, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 6,15% so với cuối năm 2019. Đây là một tín hiệu tốt, song thời gian của năm tài chính không còn dài, năng lực sử dụng vốn của người dân và doanh nghiệp khó có thể cải thiện nhanh khi đại dịch Covid-19 vẫn đang rất khó lường trên phạm vi toàn cầu.
Vì vậy, vấn đề không phải là cố áp mức tăng tín dụng cả năm ở mức 10% bằng cách giảm lãi suất đã tới hạn, mà căn bản là phải cải thiện năng lực hấp thụ vốn cho nền kinh tế. Theo tôi, lúc này hơn lúc nào hết, việc tạo sức bật cho nền kinh tế qua giải pháp tăng tốc hướng nội nhiều hơn, tức gia tăng đầu tư công, gia tăng các ngành hàng và dịch vụ cần ưu tiên phát triển để vừa dẫn dòng đầu tư từ ngân sách nhà nước vừa thu hút dòng đầu tư tín dụng lãi suất thấp để vực dậy nền kinh tế.
* Cảm ơn ông!