Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit: “Tôi đã chọn con đường đi đúng”

Lữ Ý Nhi| 28/09/2021 04:47

Nhiều lần trò chuyện với Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit Nguyễn Lâm Viên nhưng chưa bao giờ thấy ông trầm tư như lúc này. Ông nói: “Tâm trạng của tôi lúc này chỉ có thể nói ngắn gọn: buồn và lo. Suốt 4 tháng qua, TP.HCM vào đợt cao điểm giãn cách là một cú sốc rất lớn không chỉ với tôi mà với mọi doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Lâm Viên nói tiếp: “Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã mang đến nhiều chuyện buồn. Tôi bất lực khi nghe những cuộc điện thoại khẩn cấp mà không thể chạy đến ngay, không thể giúp đưa bạn bè hay công nhân của mình vào bệnh viện. Bất lực vì không thể sản xuất thực phẩm trong khi người dân đang cần. Bất lực vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hàng loạt doanh nghiệp tê liệt sản xuất, kinh doanh...

Hằng ngày phải chứng kiến nhiều gia đình lâm vào cảnh vợ chồng, cha mẹ, con cháu mất vì Covid-19 khiến nỗi lo luôn thường trực trong tôi. Lo không biết rồi đây nhân viên của mình ai sẽ bị nhiễm bệnh, ai sẽ lại tiếp tục rơi vào hoàn cảnh gia đình mất mát, lo làm sao để bảo vệ và chữa khỏi cho nhân viên khi họ nhiễm bệnh. Không chỉ lo dịch bệnh, kinh doanh, chuyện sống còn của công ty, mà còn phải lo cho hàng nghìn nhân viên xa nhà. Cứ mỗi đêm nghe tiếng xe cứu thương hú còi chạy vội vã, tôi lại thao thức, lại mất ngủ. Chỉ cần nghe tin một công nhân hay người nhà của họ bị nhiễm nCoV, trở nặng là tôi bật dậy ngay, vội vã gọi điện thoại đến nhiều nơi để có thể đưa nhân viên vào khu cách ly, hoặc lo cho người thân của họ vào bệnh viện; rồi lo từng viên thuốc ho, thuốc sốt, máy đo nồng độ oxy cho những nhân viên bị F0 ở nhà. Suốt 4 tháng qua, tôi không dám tắt điện thoại để nhân viên công ty có thể gọi bất cứ lúc nào”.

tro-chuyen-1-1285-1632718292.jpg

* Có lẽ không chỉ riêng ông mà có rất nhiều nhân viên của Vinamit cũng bị ảnh hưởng về tinh thần. Ông làm thế nào để “chữa lành” khủng hoảng tâm lý cho họ?

- Ngay khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, từ Đà Lạt, tôi trở về ngay TP.HCM bởi tôi biết nhân viên sẽ bị khủng hoảng tâm lý. Nếu tôi không có mặt kịp thời để trấn an tinh thần nhân viên, cho họ “chiếc phao” để bám thì sẽ có người hoảng sợ. 

Cái phao đầu tiên đưa ra là tôi luôn bên cạnh nhân viên, họ được bảo vệ và chúng tôi sẽ vượt qua đợt dịch khủng khiếp này. Tôi cho dừng ngay hoạt động ở văn phòng tại TP.HCM, cho nhân viên bán sản phẩm trực tuyến để họ không bị nhiễm bệnh. Đó là điều quan trọng nhất mà người lãnh đạo phải làm ngay khi có khủng hoảng. Cho dù doanh nghiệp có giải pháp quản trị gì đi nữa thì sự có mặt của người lãnh đạo trong lúc công ty bất ổn, nguy khó nhất sẽ tạo cho nhân viên tâm lý ổn định, từ đó họ mới yên tâm bám trụ với mình. Cái phao thứ hai là tôi đã nỗ lực liên hệ với các cơ quan chức năng để nhân viên được tiêm vaccine ngừa SARS-CoV-2. Đến nay, tất cả nhân viên Vinamit đều đã được tiêm mũi hai. 

* Trước tình trạng rất nhiều công nhân trở về quê và có thể không quay lại Thành phố, dẫn đến doanh nghiệp thiếu hụt lao động, ông có lo...

- Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp chỉ còn 1/3 công nhân làm việc theo giải pháp “ba tại chỗ”, còn 2/3 đều trở về quê hay nghỉ ở nhà. Vinamit cũng trong tình cảnh tương tự. Trong số 2/3 công nhân trở về quê hay ở nhà đều chung một nỗi sợ, đó là sợ dịch bệnh. Tôi không lạc quan cho rằng sau khi hết giãn cách, 100% công nhân sẽ trở lại làm việc. May lắm thì chỉ phân nửa. Bởi với dự báo sẽ không thể xóa sổ virus SARS-CoV-2, mà chỉ có cách “sống chung” với nó. Cho dù doanh nghiệp vẫn hấp dẫn nhân viên bằng môi trường làm việc, bằng thu nhập cao, nhưng nếu chưa đưa ra được giải pháp an toàn cho người lao động và tâm lý thoải mái cho họ thì họ vẫn còn sợ và chưa thể sẵn sàng trở lại làm việc. Yếu tố tiên quyết nhất mà công nhân cần lúc này vẫn là sự an toàn, sự ổn định bền vững, chứ không chỉ là thu nhập cao và cuộc sống thoải mái trước mắt tại Thành phố. 

* Vậy giải pháp nhân sự sắp tới của Vinamit là gì, thưa ông?

- Trước mắt, giải pháp của tôi là dồn kế hoạch sản xuất cho nhà máy ở các tỉnh để tận dụng nguồn nhân lực địa phương, để nhân viên vừa làm việc cho công ty vừa được sống với gia đình tại quê nhà.

* Còn giải pháp kinh doanh?

- Hiện nay, mọi kế hoạch sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp đặt ra đều bị xáo trộn, phá vỡ. Dễ thấy nhất là trong 4 tháng qua, có lúc thị trường hôm nay ổn định nhưng ngày mai lại bất ổn. Hôm nay Thành phố giãn cách, nhu cầu thực phẩm tăng lên 10 lần nhưng ngày mai giãn cách triệt để hơn, siêu thị đóng cửa, lại tuột xuống còn dưới 1%. Nói vậy để thấy, doanh nghiệp rất bị động, không dám đặt ra kế hoạch bình thường chứ đừng nói là kế hoạch đột phá để trở lại thị trường. Mấy ngày nay, Vinamit thiếu bao bì để đóng gói sản phẩm sản xuất, phải chuyển khuôn mẫu bao bì để tìm đơn vị gia công khác vì công nhân của họ bị nhiễm nCoV, phải ngưng sản xuất. 

Với tình hình ấy, tôi phải thận trọng cân nhắc thật kỹ để tìm cách đi như thế nào cho đúng. Giải pháp quan trọng nhất lúc này vẫn là “bình ổn” lại cú sốc cho công nhân, làm sao có được nguồn lao động trở lại, có được nguồn nguyên liệu ổn định trở lại, lúc đó mới bình ổn được sản xuất, góp phần bình ổn lại thị trường, cuối cùng mới nói đến kế hoạch hay chiến lược kinh doanh. Và tất cả vẫn phải đi từng bước thận trọng nhất để tránh tổn thất và tìm ra mô hình khả thi nhất để có thể trở lại trạng thái bình thường mới, sống chung với Covid-19. 

* Nhiều doanh nghiệp đang có nguy cơ đóng cửa vì Covid -19 tàn phá, nhưng Vinamit ít tổn thất hơn do sản phẩm của công ty là những mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Ông có cảm thấy đó là sự may mắn? 

- Trong đại dịch, có rất nhiều doanh nghiệp bị tổn thất, nhưng cũng có những ngành lại đạt doanh thu cao như ngành dược và một số ứng dụng công nghệ số. Nhưng hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ đều bị tổn thất, nhẹ có, nặng có. Ví dụ, nhẹ nhất là ngành thực phẩm vì là ngành mang tính thiết yếu, khó có thể “chết”, nhưng vẫn bị ảnh hưởng. Ví dụ mới hôm qua, các hệ thống bán lẻ yêu cầu tăng hàng lên 10 lần, nhưng ngày hôm nay thì lại không bán được ký lô nào vì phải đóng cửa giãn cách. 

Hay như bán không được thì rau củ quả không còn tươi nữa, còn hàng khô thì bị quá hạn sử dụng nên siêu thị trả lại. Mặc dù hợp đồng đã thỏa thuận hàng đã chuyển rồi thì không thu lại, nhưng bây giờ mình không thu lại thì sau đó người ta không mua của mình nữa. Như thế, cho dù là lĩnh vực lương thực, thực phẩm thì vẫn bị tổn thất. Trong 4 tháng thị trường tụt giảm nhưng doanh nghiệp vẫn phải duy trì định phí để nuôi công nhân, nuôi bộ máy. Xuất khẩu thì không xuất được vì hàng bị dồn ứ, phí lại cao. Trước đây chỉ 1.000 USD/container phí chuyên chở, bây giờ tăng lên nhiều lần. Nếu kéo dài thì nguy cơ doanh nghiệp phá sản là không tránh khỏi. 

* Qua đại dịch này, có rất nhiều giá trị đã được khẳng định và nhận rõ. Theo ông thì giá trị nào quý giá nhất?

- Ngày hôm nay, chúng ta còn được ngồi ở đây, khỏe mạnh, nhất là “được thở”, là món quà quý báu mà trước nay vẫn xem thường. Qua đại dịch này, giá trị của không gian sống, môi trường sống, nhất là ý thức sức khỏe cộng đồng và cá nhân sẽ được trân trọng hơn. Trước đây, nhiều người bị tăng xông cũng mặc kệ, oxy trong máu cũng không bao giờ cần biết là bao nhiêu, huyết áp cao, huyết áp thấp, béo phì cũng bất chấp. Nhưng bây giờ, tôi tin mọi người sẽ ý thức hơn giá trị của sự sống thông qua cách ăn uống, vận động để tăng sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch... 

* Ngày 13/10 tới là ngày hội tôn vinh doanh nhân hằng năm. Nếu đề xuất một tiêu chí để tôn vinh doanh nhân trong năm nay, ông sẽ chọn tiêu chí nào?

- Trong đại dịch Covid-19, rất nhiều doanh nhân đã xem trách nhiệm xã hội là một trọng trách và đã đóng góp rất tích cực cho cộng đồng, cho xã hội. Ví dụ như Quỹ Vaccine, tôi không ngờ đội ngũ doanh nhân lại đóng góp lớn như vậy, hay các chương trình xã hội đều có mặt của doanh nhân, lớn có, nhỏ có, cho thấy tinh thần trách nhiệm của doanh nhân đối với đất nước, với cộng đồng cần được biểu dương trong năm nay. Bản thân tôi, cũng đã tham gia vào chương trình cộng đồng vòng tay Việt và đã trực tiếp  đi trao quà cho đội ngũ y tế, bác sĩ tuyến đầu và những người trong khu cách ly. Những việc làm này cũng là hình ảnh, là tầm vóc mới của doanh nhân đi cùng với sự phát triển của đất nước.

tro-chuyen-2-4746-1632718292.jpg

* Năm qua, Vinamit nhận được bằng sáng chế công nghệ của Mỹ cho loạt thức uống đông khô từ rau củ, trái cây. Ông cho rằng đó là một bước đệm cho các doanh nhân và nhà khoa học Việt Nam trong tương lai, vì sao thưa ông?

- Tôi rất tự hào vì đây là bằng sáng chế trên nền tảng công nghệ để tạo ra sản phẩm mới hoàn toàn và chính vì tính mới hoàn toàn, chất lượng cao nên được cấp bằng sáng chế. Điều đó thật đáng quý và vinh dự vì trong khi các nhà khoa học Việt Nam cũng rất khó có được văn bằng sáng chế như vậy. Đây cũng là một bước đệm để các nhà khoa học trẻ, doanh nhân trẻ Việt Nam tiếp nối để có nhiều bằng sáng chế cho sản phẩm của Việt Nam. 

* Nếu tự đánh giá, ông sẽ thấy điểm nào nổi trội nhất trong con người doanh nhân Nguyễn Lâm Viên?

- Khởi lập sự nghiệp bằng sản phẩm từ nông nghiệp là mít sấy, ngay từ đầu tôi đã xác định giá trị cốt lõi cho con đường mình đi là “sản phẩm vì sự sống, vì nông nghiệp”. Vì thế, tôi luôn song hành hai công việc: vừa kinh doanh vừa nghiên cứu, sáng tạo, đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp và đã đem lại nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe con người.

Nếu tự đánh giá, tôi không phải là một doanh nhân xem việc kiếm tiền là hàng đầu, mà kinh doanh với tôi là để đi tìm chính con người của mình, phát triển doanh nghiệp dựa trên sự nghiên cứu, khám phá và niềm đam mê của chính mình. Giờ đây, tôi tự hào vì đã chọn được đường đi đúng và những việc tôi đã làm được ngày càng thiết thực hơn với sức khỏe và sự sống của con người.

* Tôi rất tâm đắc câu nói của ông: “Nếu không lắng nghe chính mình để làm cho mình tốt hơn, thì kinh doanh tốt bao nhiêu cũng sẽ phải bỏ tiền ra để chữa bệnh”. Và chuyện sản phẩm hữu cơ, nghiên cứu sinh học của ông cũng bắt đầu từ việc “lắng nghe chính mình”. Ông có thể chia sẻ...

- Năm 2010, tôi bị bệnh nặng. Sau thời gian làm nội soi, chạy phân giải  điện tử thì các bác sĩ nói tôi có dấu hiệu ung thư. Lúc đó, tôi cảm thấy tinh thần suy sụp. Bạn bè xúm lại, khuyên tôi đi kiếm những người ở trên núi để xem tại sao họ hầu như không bị ung thư, có phải vì họ ăn uống thực phẩm hữu cơ.

Thế là tôi lên núi tìm bạn bè và nghe họ khuyến cáo phải ăn thực phẩm có vi khuẩn sống. Thời điểm đó, Việt Nam chưa có thực phẩm hữu cơ nên tôi bắt đầu nghiên cứu và năm 2012-2013 xây dựng nông trại hữu cơ, mục đích là vừa làm thử nghiệm, vừa để có cái cho mình ăn. 

Thời điểm đó, một số người làm sản phẩm hữu cơ thất bại, nhưng tôi dám đổ vào gần 200 tỷ đồng từ năm 2012-2018 để thực hiện. Bởi đây cũng là phép thử, là sự đánh đổi và không đặt mục tiêu lợi nhuận, vì tôi nghĩ nếu phải bán cả gia tài mà có sức khỏe, tôi cũng vẫn làm. 

Dù vậy, khi bắt tay làm sản phẩm hữu cơ thì vô cùng khó khăn, đôi lúc cảm thấy bế tắc vì điều tôi muốn làm thì không ai hiểu ý và rất nhiều kỹ sư lão làng đã phải chia tay. 

Sau này, tôi phải tuyển kỹ sư trẻ và cũng bị “gãy gánh” vài đợt. Tôi nhớ có em nói với tôi: “Chú ơi, con đi theo chú con lụt nghề luôn vì không có ai làm theo kiểu này hết trơn”. Nhưng đến bây giờ, các bạn ấy đều lập được doanh nghiệp nhỏ vì tôi giao đất, giao kế hoạch và họ trở thành đối tác cung cấp sản phẩm cho tôi. 

Sau 30 năm gầy dựng Vinamit, nhất là khi bước vào trồng trọt và sản xuất sản phẩm hữu cơ, tôi đã mất rất nhiều nhưng cũng được bù đắp rất nhiều. Đó là thương hiệu Vinamit - thương hiệu Việt đã có mặt ở nhiều nước và được tin dùng. 

Tôi cũng thích chia sẻ về thất bại, vì cuộc đời của doanh nhân là phải dấn thân cho cái mới, cho sức khỏe và cao hơn những sản phẩm mình làm ra, là giá trị mang lại cho cộng đồng. Vì thế, sẽ phải có đi lên, đi xuống, có thất bại, thành công. Và thế nào thì cũng phải kiên trì và kiên định. Thất bại hôm nay sẽ cho mình thành công ngày mai.

* Chúc mừng ông đã thành công và cám ơn ông về buổi trò chuyện! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit: “Tôi đã chọn con đường đi đúng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO