* Ở góc độ doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế hiện nay?
- Kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự hồi phục đáng kể trên nhiều lĩnh vực sau giai đoạn dịch Covid-19. Tôi cho rằng, điều này dựa trên hai yếu tố quan trọng gồm chính sách chống dịch Covid-19 linh hoạt, hoạt động kinh tế trở lại bình thường từ sớm; kiên trì dùng nhiều chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế và ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt.
Với những tác động từ yếu tố bên ngoài như khủng hoảng năng lượng, xung đột địa chính trị, lạm phát kinh tế... cùng với nhiều yếu tố khác, nền kinh tế hiện tại của Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn đầu của khó khăn. Theo quan điểm cá nhân của tôi, năm 2023 mới thực sự là thời gian khó khăn đối với nền kinh tế.
Dấu hiệu dễ thấy nhất chính là lạm phát. Dù ở Việt Nam đến thời điểm hiện tại, việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ đang khá tốt, tuy nhiên lạm phát ở các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ đang diễn biến phức tạp. Ngân hàng Trung ương Mỹ hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải tăng lãi suất lần thứ ba, dù đã có dấu hiệu chậm lại nhưng thực tế lạm phát ở nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới vẫn đang rất khó lường.
Mặt khác, nền kinh tế nước ta cũng có nhiều nền tảng tốt để hướng đến năm 2023, với những kết quả ấn tượng trong việc điều hành của Chính phủ trong năm 2022.
* Ông nhận định như thế nào về tình hình kinh tế năm 2023. Và mất bao nhiêu thời gian để kinh tế có thể phục hồi như trước đại dịch Covid-19?
- Theo quan điểm cá nhân tôi, cần ít nhất hai năm nữa kinh tế mới có thể phục hồi. Đây mới chỉ là giai đoạn đầu, với ảnh hưởng của đại dịch và hiện tại là những cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới, tình hình lạm phát. Vì vậy, theo nhận định của cá nhân tôi cho rằng khủng hoảng sẽ nặng nề hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc rất lớn vào kế hoạch và cách phản ứng của những nhà điều hành kinh tế các quốc gia cũng như thế giới.
Cá nhân tôi vẫn nhận định rằng, kinh tế vĩ mô trong năm 2023 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất - nhập khẩu lớn và thị trường truyền thống bị thu hẹp...
Trong những ngày gần đây, FED đã nói về việc giảm tốc độ điều chỉnh tăng lãi suất. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới room tín dụng, đây là những dấu hiệu hết sức tích cực với nền kinh tế.
Mặc dù vậy, thách thức bên ngoài vẫn hiện hữu. Thứ nhất, dịch bệnh vẫn còn (Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách Zero Covid). Thứ hai, rủi ro địa chính trị. Thứ ba, kinh tế thế giới được dự báo suy thoái cục bộ ở một số thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, điều này làm giảm nhu cầu thương mại, đầu tư và du lịch quốc tế của Việt Nam. Thứ tư, rủi ro tài chính - tiền tệ, thanh khoản, bất động sản toàn cầu còn ở mức cao, tác động đến thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản trong nước.
* Theo ông, doanh nghiệp cần gì để chuẩn bị cho kịch bản khó khăn hơn trong thời gian tới? Và ông chuẩn bị kế hoạch như thế nào cho doanh nghiệp của mình?
- Khó khăn là thế nhưng không phải để chúng ta chỉ biết nhìn và than vãn. Ngoài việc chờ đợi những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, bản thân doanh nghiệp có thể xem đây là cơ hội để nhìn lại sức mạnh nội tại, từ đó có những quyết sách phù hợp với chính doanh nghiệp của mình.
Tôi nghĩ đã đến lúc Chính phủ có những giải pháp đặc biệt về thị trường tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp cạn dòng tiền.
Còn với doanh nghiệp, tùy thuộc vào mô hình, ngành nghề khác nhau sẽ chịu những tác động, ảnh hưởng khác nhau, vì vậy không có một kiểu mô hình hay một kiểu giải pháp chiến lược thích ứng cho tất cả.
Nhưng tôi cho rằng doanh nghiệp cần tập trung quản lý khủng hoảng và quản lý thanh khoản. Ví dụ, thiết lập đội phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề bất thường phát sinh về an toàn lao động, nguồn cung ứng, nguyên liệu sản xuất. Đây là cách làm hiệu quả mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng.
Về quản lý thanh khoản, các doanh nghiệp phải cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết và theo dõi chặt chẽ công nợ. Chúng ta phải tận dụng mọi thế mạnh, tập trung nguồn lực để phát triển.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược tái định vị, bao gồm cải tổ mô hình kinh doanh, xem xét lại mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và cải tổ phương thức phản hồi, nhằm tương tác tốt và hiệu quả hơn với nhu cầu của khách hàng.
Chẳng hạn trong hệ sinh thái của Nghiêm Phạm Holdings, chúng tôi tập trung nguồn lực nhiều hơn cho Trúc Nghinh Phong - đơn vị chuyên về xây dựng chuỗi - thì sẽ tiếp tục hoàn thiện năng lực ấy ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn. Chúng tôi cũng hạn chế những khoản chi tiêu, đầu tư không phù hợp ở thời điểm hiện tại.
* Ông vừa nhắc tới thanh khoản và dòng tiền, vậy theo ông việc NHNN vừa nới room tín dụng thêm 1,5-2% có ý nghĩa như thế nào với doanh nghiệp và nền kinh tế?
- Tôi nghĩ quyết định nới room tín dụng lúc này là hợp lý. Đây là thông tin mà rất nhiều doanh nghiệp mong chờ nhất trong lúc này. Điều này sẽ góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh, ổn định thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cuối năm và đầu năm tới.
Như tôi đã nói, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang thật sự khát dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã phải dừng hoạt động do thiếu vốn, việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng lại vô cùng khó khi hầu hết đã cạn room tín dụng.
Việc NHNN nới thêm 1,5-2% room tương đương 200.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế, đúng kiểu "nắng hạn gặp mưa rào". Chắc chắn lượng tiền đó chưa thấm thía vào đâu so với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, tuy nhiên nó sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội.
Không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng sẽ được hưởng lợi từ việc các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi vay. Thực tế, đã có nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.
Nhưng điều quan trọng nhất lúc này là nguồn vốn mới cần phải được giải ngân nhanh và kịp thời cho giai đoạn cuối năm.
* Rất nhiều doanh nghiệp đang sa thải nhân viên, công nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và kể cả công nghệ. Theo ông đâu là nguyên nhân?
- Trong thời gian gần đây, hàng loạt công ty đã phải thu hẹp quy mô, sa thải nhân viên, công nhân hàng loạt... Tình trạng đó xảy ra không chỉ ở nước ta, mà ở hầu hết các nước trên thế giới cũng vậy.
Sau giai đoạn phát triển nóng, đây là thời điểm thách thức lớn với doanh nghiệp. Đáng nói, câu chuyện sa thải nhân viên không chỉ xuất hiện ở một vài công ty hay một vài ngành mà ở hầu hết mọi ngành nghề đều vậy. Tôi còn được biết có những công ty công nghệ sa thải cùng lúc hàng chục nghìn lao động, thật sự khủng khiếp!
Nhưng theo tôi, điều này chỉ là kết quả, hệ lụy từ những khó khăn của nền kinh tế hiện nay. Khi tình hình kinh tế khó khăn, hầu hết công ty đều thắt chặt chi tiêu, vì lượng khách hàng, nhu cầu của đối tác hầu hết đều giảm sút, khiến nhiều công ty đã gặp khó khăn về thanh khoản càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội, nếu doanh nghiệp tạo được một nền tảng tốt, một kế hoạch ổn, trong giai đoạn này họ sẽ có nhiều lựa chọn tốt về nhân sự.
May mắn của doanh nghiệp chúng tôi lại là "tăng trưởng" về con người. Trong lúc dịch bệnh xảy ra, không ít doanh nghiệp có sự biến động rất lớn về nhân sự nhưng lại là cơ hội để Nghiêm Phạm Holdings tìm kiếm được những người phù hợp nhất theo định hướng của mình. Thành công lớn nhất của chúng tôi trong giai đoạn gần đây là "thu hoạch" về con người.
* Ông đã có những chính sách gì, chiến lược nào để giữ chân người lao động tâm huyết, có tay nghề cao ở lại?
- Để giữ chân những người lao động tài năng, tâm huyết, có một điều tôi luôn tâm đắc chính là xây dựng không khí gần gũi trong công ty.
Chúng ta hay nghe khẩu hiệu "Làm hết sức, chơi hết mình". Trong công việc, chúng tôi luôn mong muốn và yêu cầu nhân viên đạt đến trình độ xử lý chuyên nghiệp nhất, nhưng ngoài giờ làm việc mọi người lại cư xử với nhau như trong gia đình, cùng nhau chơi, cùng nhau giải trí và chia sẻ.
Với tiêu chí đó, chúng tôi luôn đặt ra những yêu cầu khắt khe trong công việc. Điều này giúp mọi người làm việc tốt hơn, ngày một phát triển hơn. Ngoài công việc, Nghiêm Phạm Holdings luôn quan tâm đến đời sống công nhân viên một cách thiết thực, luôn tạo ra những dịp giao lưu, team building, những buổi họp thân mật tại công ty hay thông qua những hoạt động thể thao.
* Theo ông, giai đoạn hiện nay những nhà điều hành doanh nghiệp cần làm gì để duy trì sự ổn định trong đội ngũ người lao động? Bản thân ông và doanh nghiệp của mình đã làm như thế nào?
- Nhân lực là cốt lõi, là tài sản lớn nhất, là nguồn lực giúp doanh nghiệp phát triển. Chúng ta có thể có những công nghệ, máy móc hỗ trợ, giảm thiểu sức lao động của con người cũng như nâng cao chất lượng công việc... nhưng sau tất cả quan trọng nhất vẫn là con người.
Những quản lý cao cấp cũng vậy, họ cũng có vai trò của họ. Họ có thể kiểm soát được về chất lượng, tiến độ và sẽ giúp những người công nhân làm tốt nhất trong khả năng của mình.
Chất lượng sản phẩm là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Trong lĩnh vực xây dựng cũng vậy, chất lượng và tiến độ là tiếng nói quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.
Để nhân viên, công nhân toàn tâm toàn ý cống hiến cho doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cần bảo đảm những yêu cầu cơ bản cho họ. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tạo niềm tin nơi nhân viên, cho họ thấy được vai trò của họ với doanh nghiệp, cho họ thấy sự quan tâm của ban lãnh đạo đến môi trường làm việc và đời sống của họ. Đôi khi, việc trao đi niềm tin mới là yếu tố quyết định.
Bản thân tôi khi vận hành doanh nghiệp luôn nhất quán quan điểm, từ lãnh đạo cao cấp đến những người công nhân làm việc trực tiếp tại xưởng đều có những đóng góp vào sự thành công chung của toàn công ty. Chính những người công nhân là người trực tiếp làm ra sản phẩm, sản phẩm tốt hay không phụ thuộc rất lớn vào thái độ và tay nghề của mỗi người công nhân.
Năm 2022 với chúng tôi ở một góc độ nào đó được xem là thành công, quy mô doanh nghiệp tiếp tục được mở rộng, số lượng và chất lượng người lao động cũng tăng.
Dù vậy trong giai đoạn kinh tế hiện tại, Nghiêm Phạm Holdings cũng phải đối mặt với những khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nỗ lực bảo đảm mọi quyền lợi cho công nhân viên. Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị tiền thưởng cho 250 nhân viên, trong đó gồm thưởng lương tháng 13 và thưởng hiệu quả công việc.
Năm 2022, quy mô doanh nghiệp tăng nhưng lợi nhuận lại giảm nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thưởng Tết cho công nhân viên, nhìn chung là sẽ thấp hơn những năm trước. Trong trường hợp không thể thu hồi công nợ theo kế hoạch, chúng tôi sẵn sàng vay ngân hàng để thưởng Tết cho công nhân viên.
Nghiêm Phạm Holdings đột phá ngay trong đại dịch nhờ chiến thuật tuyển dụng. Những gì mà doanh nghiệp chúng tôi nói riêng và nền kinh tế nói chung đã trải qua trong nửa cuối năm 2021 và năm 2022 mới chỉ là khó khăn ban đầu. Khó khăn thực sự vẫn còn ở phía trước ít nhất là trong hai năm tới. Doanh nghiệp chỉ cần giữ chân được những người lao động giỏi, mọi thứ sẽ vẫn tốt đẹp trong tương lai. Tuy nhiên, như tôi đã nói lúc đầu, giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp Việt Nam sẽ rơi vào năm 2023.
* Trong bối cảnh khó khăn, kết quả kinh doanh của Nghiêm Phạm Holdings ra sao? Kế hoạch và mục tiêu trong năm 2023 của tập đoàn như thế nào, thưa ông?
- Năm 2022 là một năm khó khăn với hầu hết doanh nghiệp, Nghiêm Phạm Holdings cũng không ngoại lệ. Đa số kết quả kinh doanh của các công ty thuộc hệ thống của chúng tôi đã không đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, điều khiến tôi cảm thấy tâm đắc là việc doanh nghiệp của mình không những giữ chân được nhân viên mà còn có thêm những cá nhân giỏi và phù hợp với văn hóa, định hướng của doanh nghiệp. Tôi nghĩ đây là thành công lớn nhất trong năm 2022.
Về mục tiêu năm 2023, như tôi đã nói, sẽ là một năm khó khăn hơn cả năm nay. Vì vậy, không phải đến bây giờ, mà trong quý III/2022 ban lãnh đạo đã bắt đầu bàn bạc, vạch ra chiến lược cho năm tới.
Hiện tại, từ những số liệu báo cáo năm 2022, Nghiêm Phạm Holdings xem xét, dự báo tình hình và điều chỉnh các mục tiêu phù hợp với bối cảnh sắp tới. Cụ thể, thay vì mục tiêu mở rộng kinh doanh sang các mảng khác, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện các vị trí trong sơ đồ tổ chức, kiểm soát ngân sách và chi phí tốt hơn để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Một mục tiêu nữa mà theo tôi cực kỳ quan trọng là kế hoạch chuyển đổi số. Chúng tôi đang nỗ lực chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Đây chắc chắn không phải là một mục tiêu dễ dàng, tuy nhiên Nghiêm Phạm Holdings sẽ đầu tư và quyết liệt thực hiện.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!