Chuỗi hamburger của Philippines đang kiên trì chinh phục thị trường thế giới thông qua các thương vụ lớn tại Mỹ.
Đọc E-paper
Tại thị trường trong nước, Jollibee là thương hiệu được yêu thích và có lợi nhuận cao. Nhưng những nỗ lực chinh phục thị trường nước ngoài của công ty này rất khiêm tốn. Sau nhiều thập niên mở rộng, chuỗi Jollibee chỉ có 133 chi nhánh nước ngoài (so với 890 tại thị trường nội địa), phục vụ chủ yếu cho người Philippines ở những nước Vùng Vịnh và bang California (Mỹ).
Xuất phát của Jollibee là một tiệm kem, do ông Tony Tan Caktiong thành lập vào năm 1975. Món bánh hamburger của chú ong vui vẻ này từng phải vất vả đối đầu với sự xuất hiện của người khổng lồ bánh kẹp Mỹ McDonald's vào năm 1981. Nhưng đến nay, Jollibee dễ dàng vượt qua đối thủ lớn nhất này ở quê hương. Thực đơn của Jollibee phục vụ tốt hơn cho khẩu vị của người dân địa phương. Đồng thời, Jollibee tiếp thị thành công hình ảnh một công ty gia đình và là niềm tự hào dân tộc.
Theo The Economist, trong những năm qua, công ty mẹ Jollibee Foods đã mở rộng hơn, gồm cả Chowking (chuyên bán các món ăn kiểu Trung Quốc) và nhượng quyền thương hiệu Burger King. Từ năm 2010, doanh thu và lợi nhuận ròng của Công ty đã tăng khoảng 70%, đến 118 tỷ peso (2,5 tỷ USD) khi kinh tế Philippines tăng trưởng đã thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng. Tổng số các cửa hàng đã tăng lên đến hơn 3.000 (trong đó 630 cửa hàng tại nước ngoài). Công ty vẫn còn rất nhiều dư địa để mở rộng thị trường nội địa, nhất là các đảo đông dân cư như Luzon (khoảng 100 triệu dân).
Tuy nhiên, ông chủ Tan từ lâu có tham vọng đưa Jollibee Foods vươn tới mục tiêu chinh phục thị trường thế giới. Mục tiêu đang được đặt ra là doanh thu nước ngoài phải chiếm một nửa tổng doanh thu, tăng từ mức một phần tư hiện nay. Công ty đã xác định để đạt được mục tiêu lớn này, cần phải mua lại các chuỗi nhà hàng nước ngoài với thực đơn phù hợp hơn.
Sau khi mua lại ba cửa hàng tại đại lục vào năm 2004, cung cấp các món ăn Trung Quốc, Jollibee Foods đã có chỗ đứng khá chắc chắn tại thị trường 1,4 tỷ dân này với khoảng 12% doanh số bán hàng. Vào tháng 1/2015, Công ty thông báo kế hoạch liên doanh để mang ít nhất 1.400 cửa hàng Donuts Dunkin cho thị trường Trung Quốc trong hai thập kỷ tới.
>>Nhượng quyền: Trái đắng to hơn trái ngọt
Thị trường Mỹ là mục tiêu chinh phục tiếp theo. Trong tháng 10, Jollibee Foods cho biết sẽ đầu tư khoảng 100 triệu USD, mức đầu tư lớn nhất của Jollibee, mua lại 40% cổ phần trong Smashburger, một công ty fastfood Mỹ. Vào ngày 12/10, Tập đoàn Jollibee Foods Corp (JFC) của Philippines tuyên bố công ty này đã mua lại 40% cổ phần của công ty Smashburger, trị giá 100 triệu USD. Smashburger hiện được định giá khoảng 335 triệu USD.
Ông Caktiong cho biết thêm việc hợp tác lần này sẽ giúp kinh doanh JFC tại Mỹ có bước tiến đáng kể. Theo ước tính, thị trường bánh hamburger ở Mỹ có quy mô khoảng 100 tỷ USD, cao gấp 3 lần thị trường bánh Pizza, sandwich hay phân khúc thị trường cà phê về mặt doanh thu. Ông Tan cho biết vào tháng 10/2015 rằng, đang tìm kiếm một hoặc hai thương vụ mua lại ở nước ngoài có cùng quy mô hoặc lớn hơn.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo cho những bước mạo hiểm của Jollibee tại các thị trường mới. Ở Mỹ cũng như ở Trung Quốc, các loại đồ ăn, thức uống chi phí thấp bao giờ cũng có ưu thế cạnh tranh hơn. Jollibee cũng từng có bài học phải đóng cửa 70 cửa hàng khi muốn nâng cấp hệ thống công nghệ trong năm 2014.
Hàng loạt công ty lớn khác của Philippines như Universal Robia hiện cũng đang tấn công mạnh mẽ thị trường Đông Nam Á. Mặc dù vậy, chưa công ty nào tạo được mạng lưới trực tiếp tới những thị trường lớn nhất thế giới. Chính vì vậy, nếu liên doanh tại Mỹ của Jollibee thành công và lợi nhuận của họ ở Trung Quốc tiếp tục tăng, Jollibee sẽ tạo động lực cho các công ty khác tiếp bước tham vọng này của các doanh nghiệp Philippines.