Công nghệ làm xe hơi thông minh hơn người lái

ĐỨC ANH| 12/10/2012 08:48

Nhằm tăng tiện nghi và độ an toàn, xe hơi ngày càng trở nên thông minh hơn.

Công nghệ làm xe hơi thông minh hơn người lái

Nhằm tăng tiện nghi và độ an toàn, xe hơi ngày càng trở nên thông minh hơn. Các thiết bị điện tử và phần mềm điều khiển gần như làm việc ở hầu hết các bộ phận trong một chiếc xe, từ động cơ đến đồng hồ hiển thị, thậm chí cửa sổ. Chính nhờ công nghệ này, người điều khiển xe hơi hiện đại càng trở nên nhàn nhã.

Đọc E-paper

Tự tìm nơi đỗ



Xe hơi có thể tự lùi vào một điểm đỗ trong bãi đỗ xe đã khá phổ biến trong những năm trở lại đây. Một số nhà sản xuất đã đi tiên phong trong phát triển hệ thống này như Lexus, BMW, Ford, Volkswagen...

Nhìn chung, hệ thống dạng này đều sử dụng kết hợp của các cảm biến, như hệ thống định vị siêu âm và camera có chức năng thu thập thông tin xung quanh điểm đỗ rồi gửi về máy tính phân tích xem chiếc xe sẽ di chuyển như thế nào để vào khu vực đỗ.

Ví dụ, hệ thống của Ford Focus sử dụng cảm biến siêu âm để kiểm tra khoảng cách từ chiếc xe gần nhất và điều khiển việc xoay vô lăng, cho nên lái xe chỉ cần thao tác với chân phanh và ga.

Chạy đúng làn đường

Đây là công nghệ do một số hãng tiên phong phát triển, với tên gọi “Hệ thống cảnh báo làn đường”. Nó có chức năng báo động cho lái xe biết chiếc xe đã đi chệch ra khỏi làn đường. Một vài mẫu xe còn ứng dụng công nghệ tự động giữ xe chạy đúng làn đường.

Ví dụ, trong xe Lexus, camera quan sát và ghi nhận vạch sơn của làn đường. Nếu đổi làn đường không rõ ràng, hệ thống tự động điều chỉnh vô lăng để đưa xe về đúng vị trí.

Ford có một hệ thống tương tự, ngoại trừ việc bổ sung điều chỉnh vô lăng. Công nghệ của Ford còn tạo ra sự rung vô lăng để mô phỏng như chiếc xe đang đi trên các gờ giảm tốc.

Mắt luôn quan sát đường

Ở Việt Nam, nhiều người biết đến công nghệ này trên những chiếc xe Mercedes-Benz và gọi hệ thống này là “Chống buồn ngủ”. Một vài hãng xe khác cũng đã ứng dụng công nghệ này.

Nếu hệ thống đoán nhận lái xe đang mất tập trung, nó sẽ phát ra tiếng kêu “beep” hoặc một vài tín hiệu báo động khác. Nếu lái xe cố tình không quan tâm đến báo động, máy tính sẽ bắt đầu tác động để hãm chân phanh.

Hệ thống của Mercedes-Benz có thể ghi nhận hành vi của một lái xe, như tăng tốc, đánh lái và hãm phanh. Bằng cách so sánh thông tin lưu trữ với dữ liệu lái xe thực tế, hệ thống có thể đoán nhận được lái xe có tập trung hay không. Nếu mất tập trung, một âm thanh cảnh báo sẽ được phát ra.

Cảm nhận các xe khác



Ngay khi một lái xe nhận biết chiếc xe phía trước phanh bất ngờ thì cũng đã quá muộn, đặc biệt nếu nhiều xe đang theo sát nhau. Con người phản ứng không đủ nhanh để xử lý các tình huống khẩn cấp như vậy, nên tai nạn kiểu dây chuyền thường xảy ra. Nhưng công nghệ lại hỗ trợ đắc lực trong tình huống này.

Ngày càng có nhiều loại xe được trang bị cảm biến đoán nhận khoảng cách từ người lái đến các xe khác trên đường và liên kết thông tin đến hệ thống phanh tự động. Các loại cảm biến radar, camera và tia hồng ngoại làm việc kết hợp cùng nhau để giữ khoảng cách an toàn cho chiếc xe.

Kiểm tra điểm mù

Điểm mù là những góc mà người lái không quan sát được, vì vậy công nghệ cảm biến càng hữu dụng trong việc này.

Ví dụ, trong một mẫu xe Lexus đời mới, dữ liệu từ radar phía sau phản hồi về máy tính và tự động phát tín hiệu cảnh báo nếu nó “nhìn thấy ai đó” phía sau lái xe. Nó có thể chớp sáng trên gương chiếu hậu để cảnh báo cho lái xe rằng có một chiếc xe nào đó đang tiến vào khu vực điểm mù.

Ford đã trang bị cho một vài mẫu xe hệ thống radar phía sau để thực hiện chức năng này.

Lái xe trong đêm tối


Một số hãng xe gọi công nghệ này là “Quan sát đêm” (Night Vision) bằng cách ứng dụng công nghệ chiếu tia hồng ngoại (IR). Nó rất hữu dụng để quan sát các đối tượng trên con đường tối phía trước.

Nếu pha hồng ngoại quan sát được thứ gì đó, máy tính sẽ báo động cho người lái. Những chiếc xe trang bị công nghệ hồng ngoại để quan sát đêm có thể sử dụng hai loại là IR thụ động và IR chủ động.

IR thụ động làm việc bằng cách sử dụng các cảm biến đoán nhận đối tượng phát nhiệt, như người, động vật hoặc các xe khác. Hệ thống IR chủ động thì chiếu tia hồng ngoại vào đêm tối cũng như các đèn pha, tuy nhiên nó có tầm quan sát ngắn hơn so với IR thụ động nhưng độ phân giải của ảnh lại cao hơn, nghĩa là quan sát đối tượng rõ ràng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghệ làm xe hơi thông minh hơn người lái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO