Nước ngoài mua ròng: Chứng khoán hướng về đâu?

Khánh Phương| 15/12/2022 01:00

Có thể thấy thị trường chứng khoán (TTCK) giảm sâu với nhiều cổ phiếu rớt về mức định giá hấp dẫn đã thúc đẩy khối ngoại bắt đáy liên tục thời gian qua. Tuy nhiên, thị trường cũng đang đứng trước những rủi ro nhất định sau đà tăng quá nhanh gần đây.

Lực đẩy từ khối ngoại

Mức đáy thiết lập ở vùng 873 điểm trong tháng 11, tương đương với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào tháng 3/2020, chỉ số VN-Index đã tăng 25%, tiến về ngưỡng 1.100 điểm, trước khi đối mặt với rủi ro điều chỉnh khi các nhà đầu tư bắt đầu chốt lời. 

Dòng tiền mạnh mẽ đến từ khối ngoại, đặc biệt là các ETF (quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu) giúp tâm lý tích cực chiếm ưu thế và đẩy TTCK phục hồi. Theo đó, hệ số định giá P/E dựa trên ước tính lợi nhuận năm 2022 của VN-Index đã tăng lên mức 11,3 lần, từ mức 9,7 lần giữa tháng, vẫn được xem là mức định giá thấp tương đương giai đoạn xảy ra đại dịch.

Cụ thể, trái với hai tháng bán ròng trước đó với tổng giá trị gần 4.900 tỷ đồng, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại trong tháng 11 khi miệt mài mua ròng hơn 15.800 tỷ đồng trên sàn HoSE, đánh dấu tháng có giá trị mua ròng lớn nhất của khối ngoại kể từ đầu năm 2022. Còn tại sàn HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 780 tỷ đồng, tăng 62% so với tháng 10.

Có thể thấy TTCK giảm sâu với nhiều cổ phiếu rớt về mức định giá hấp dẫn đã thúc đẩy khối ngoại bắt đáy liên tục thời gian qua. Thông tin quỹ ngoại ETF Fubon được chấp thuận tăng quy mô thêm 160 triệu USD và bắt đầu giải ngân từ cuối tháng 11 cũng là động lực để khối ngoại tiếp tục duy trì đà mua ròng.

-3654-1670573159.jpg

Số liệu từ Fubon FTSE Vietnam ETF cho thấy, quỹ ETF này đã phát hành thêm khoảng 67 triệu chứng chỉ quỹ trong hai ngày cuối tháng 11, tương ứng hơn 615 tỷ đồng được giải ngân vào TTCK Việt Nam. Mức độ mua ròng của Quỹ Fubon tính từ đầu năm đến nay khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó tháng 11 vừa qua là khoảng 2.500 tỷ đồng.

Nhiều dự báo cho rằng, nếu khối ngoại tiếp tục đà mua ròng sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực lan tỏa trên TTCK, VN-Index có thể quay lại vùng 1.200 điểm trong tháng 12 này, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể giảm nhịp độ tăng lãi suất kể từ tháng 12 sau dữ liệu lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu tạo đỉnh và chính sách từng bước gỡ bỏ biện pháp chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm bớt áp lực trong việc điều hành tỷ giá, lãi suất để từ đó tạo động lực hỗ trợ kinh tế trước viễn cảnh một số nền kinh tế trên thế giới có thể xảy ra suy thoái vào năm 2023. Kỳ vọng những thông điệp của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như các cơ quan liên quan trong việc chấn chỉnh và tháo gỡ vướng mắc đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tạo tiền đề cho TTCK sôi động trở lại.

Rủi ro ngắn hạn, triển vọng tích cực

Tuy nhiên, TTCK vẫn đứng trước những rủi ro nhất định sau đà tăng quá nhanh gần đây. Cụ thể, theo quan điểm của SSI Research, mặc dù kỳ vọng đà hồi phục tiếp diễn nhờ động lực từ khối ngoại, nhưng công ty chứng khoán này  đánh giá thị trường đang đi vào vùng giá nhạy cảm và dễ phản ứng mạnh với các yếu tố rủi ro.

Với góc nhìn kỹ thuật, SSI Research đánh giá khu vực 1.100 điểm sẽ xác nhận diễn biến tiếp theo của VN-Index. Nếu chinh phục thành công vùng cản 1.100 điểm, VN-Index được kỳ vọng mở rộng lên vùng 1.125-1.135 điểm. Trường hợp lực cung gia tăng mạnh từ vùng cản này, VN-Index có thể điều chỉnh trở lại với vùng hỗ trợ đầu tiên là 1.050-1.070 điểm.

Dù vậy, sự điều chỉnh có lẽ cũng cần thiết để giúp thị trường củng cố và tạo đà tăng vững chãi từ năm sau. Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng VN-Index sẽ quay trở lại mức 1.300-1.350 điểm, trên cơ sở lợi nhuận DN niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12-12,5 lần.

Đầu tiên, VNDirect không kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2023, thay vào đó sớm nhất là vào quý I/2024. Công ty chứng khoán này cho rằng, khi ngân hàng trung ương các nước trở nên "bớt diều hâu" sẽ kích hoạt một đợt định giá lại các tài sản, trong đó có TTCK.

Thứ hai, tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2023 nhờ lãi suất giảm, đồng VND mạnh lên, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc Trung Quốc mở cửa kinh tế trở lại. Đà tăng trưởng lợi nhuận ròng của doanh nghiệp sẽ là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của TTCK. 

Cuối cùng, tín hiệu đạt đỉnh của lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ sẽ kích thích nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm tăng trưởng từ những thị trường mới nổi.

Bên cạnh đó, việc thất thế gần đây của các cổ phiếu công nghệ ở những nước tiên tiến đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang kinh doanh truyền thống. Đây cũng là bản chất của TTCK Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa. 

Với những dự báo tích cực kể trên, TTCK Việt Nam vẫn khá hấp dẫn so với các thị trường khu vực trong tương quan tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2023-2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nước ngoài mua ròng: Chứng khoán hướng về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO