Nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long: Một trụ đỡ của nền kinh tế

Trần Hữu Hiệp| 11/02/2021 01:00

Trong tâm thức người Việt với truyền thống văn minh lúa nước, con trâu là đầu cơ nghiệp. Sản xuất nông nghiệp ngày nay đã khác xưa, nhưng hình tượng con trâu luôn là biểu tượng của sức mạnh, tính cần cù, sự trung thành. Vì thế, năm 2021 tin rằng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ tiếp tục là "đầu cơ nghiệp" của nền nông nghiệp nước nhà.

Niềm vui đầu năm

Với những kết quả đạt được trong năm 2020, nằm trong nhóm ít quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng dương, đặc biệt là kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đang là một trong những điểm sáng của thế giới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, sau thế kỷ XXI, thế giới có thể không nhớ quốc gia đứng đầu về thu nhập mà nhớ những quốc gia đi đầu về xu hướng vì con người. Việt Nam chưa thể trong nhóm đứng đầu thế giới về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số lĩnh vực.

Nong-nghiep-DBSCL-4-7758-1612324082.jpg

Trong bối cảnh đó "cái khó ló cái khôn", người dân ĐBSCL biến "nguy" thành "cơ". Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp thích ứng hạn mặn, biến đổi khí hậu ra đời, qua thử thách, thể hiện sự thích nghi nhanh nhạy của nông dân và doanh nghiệp. Nông nghiệp, thủy sản vùng ĐBSCL vượt qua hai năm liên tiếp hạn mặn lịch sử, đạt được nhiều kết quả ấn tượng, góp phần đưa Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo. Ngành thủy sản, rau củ quả cũng gia tăng sản lượng, giá trị và tiếp tục đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu. Nông nghiệp thành trụ đỡ cho nền kinh tế khi các ngành công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là du lịch chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19.

ĐBSCL có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ là bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng thủy sản, 60% lượng trái cây của cả nước, góp phần quyết định vị thế thứ 2 trong ASEAN, top 15 nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản.

ĐBSCL vốn là "cái nôi" của đổi mới trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình làm ăn "xé rào", "phá cơ chế" mang đậm dấu ấn doanh nhân miền Tây một thời. Bước sang kinh tế thị trường, đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, xuất khẩu gạo, tôm, cá tra và trái cây. Một bộ phận doanh nhân xuất thân từ nông dân thể hiện tốt bản lĩnh kinh doanh, kiến thức, kinh nghiệm, nỗ lực đưa khoa học - kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp vào trang trại, đồng ruộng và đạt kết quả khả quan.

Trước cái khó, kỳ vọng ló cái khôn

Bước sang năm Tân Sửu 2021, dự báo ĐBSCL tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, dịch bệnh, đặc biệt là hạn mặn. Những tác động tiêu cực của thiên tai còn tích lũy vẫn là thách thức lớn, một bài toán khó cần lời giải đúng để phát triển vùng. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các quốc gia đầu nguồn xây đập thủy điện trên sông Mekong, các công trình chuyển nước sông Mekong tác động tiêu cực đến hạ nguồn cộng với bất cập nội vùng từ phát triển kinh tế cường độ cao gây nhiều hệ lụy, như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sạt lở, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, bờ biển bị xâm thực, mất đất rừng tự nhiên vẫn đang là thách thức phía trước.

Trong tương quan với 6 vùng kinh tế cả nước, đặc biệt là với TP.HCM thì khoảng cách phát triển của lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ĐBSCL đang ngày càng xa. Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, toàn vùng ĐBSCL hiện có hơn 55.000 doanh nghiệp, chiếm 7,26% tổng số doanh nghiệp cả nước, thấp hơn nhiều so với miền Đông Nam Bộ (gần 313.000), đồng bằng sông Hồng (hơn 238.000) và Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung (hơn 100.000). Trong khi số lượng doanh nghiệp cả nước tăng bình quân 17% giai đoạn 2001-2020, thì vùng ĐBSCL chỉ tăng 9,8%. Số doanh nghiệp của vùng trong tổng số doanh nghiệp cả nước giảm nhanh, từ 23,3% năm 2000 xuống còn hơn 7% vào năm 2020. Các chỉ số về chất lượng lao động, năng suất lao động vùng vẫn còn thấp. 

Nong-nghiep-DBSCL-1-1379-1612324083.jpg

Đặc biệt, ĐBSCL đang thiếu những doanh nghiệp lớn. Bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền địa phương tạo ra các điểm sáng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là những mảng tối do tụt hậu về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực. Tầm nhìn, chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đầu tư cho công nghệ, nhân lực quản trị doanh nghiệp còn rất hạn chế. Quy mô doanh nghiệp nhỏ bé, năng lực tài chính yếu, nhiều doanh nghiệp vừa phát lên, bỗng chốc "lâm bệnh nặng". Một số chủ doanh nghiệp không có chuyên môn sâu trong ngành, lĩnh vực kinh doanh. Nghiên cứu thị trường không kỹ và không am hiểu đầy đủ luật pháp của các nước nhập khẩu, chỉ cần một đơn hàng chậm thanh toán hoặc bị hủy là doanh nghiệp điêu đứng.

Hội nhập kinh tế với thế giới đang mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đầy thách thức, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, nhất là đội ngũ doanh nhân non trẻ vùng ĐBSCL. Trong bối cảnh thế giới đang tái cấu trúc và định hình lại các chuỗi cung ứng, dịch vụ, ĐBSCL cần đẩy mạnh đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nông dân ĐBSCL không thể mãi với sản xuất nông nghiệp truyền thống bằng kinh nghiệm mà cần nhiều hơn tri thức khoa học và tâm thế của doanh nhân. Cùng với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, ĐBSCL rất cần các "vườn ươm doanh nghiệp" thực chất, phát triển quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và nông dân, hình thành các hiệp hội doanh nghiệp hoạt động thực chất và hiệu quả giúp doanh nghiệp vượt qua hạn chế về vốn, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản lý để vươn lên, đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. 

Trong tâm thức người Việt với truyền thống văn minh lúa nước, con trâu là đầu cơ nghiệp. Sản xuất nông nghiệp ngày nay đã khác xưa, nhưng hình tượng con trâu luôn là biểu tượng của sức mạnh, tính cần cù, sự trung thành. Vì thế, năm con trâu đang chất chứa hy vọng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long: Một trụ đỡ của nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO