Nỗi oan tay lạnh

Ý LỮ| 06/03/2010 00:27

Tay chân lạnh không những làm người ta khó chịu mà còn dễ bị tiếng oan...

Nỗi oan tay lạnh

Tay chân lạnh không những làm người ta khó chịu mà còn dễ bị tiếng oan...

Vừa nắm tay người bạn thân sau nhiều năm không gặp, anh ta la làng: “Trời, sao tay bà lạnh ngắt thế? Có ốm đau gì không vậy?”. Tôi hơi thẹn vì phản ứng “quá nhanh”của người bạn cũ. Tối về, lang thang trên mạng, lại gặp một thành viên than thở: “Tôi thường bị lạnh tay chân, nhất là đến những vùng có thời tiết lạnh. Tuy bị đã lâu nhưng đến giờ, tôi vẫn "chung sống rất hòa bình" với nó, và dường như chưa thấy ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Chỉ có điều, bạn bè nhiều khi nắm tay tôi, ai cũng la làng vì lạnh”.

Rồi nửa đùa nửa thật, lũ bạn hè nhau chọc tôi: “Nè, người có bàn tay lạnh là người không có hậu nên phải cảnh giác nhỏ này đó nha”. Chuyện này không phải đùa vì cũng đã có bài báo viết: “Ấn tượng ban đầu giữa hai người lạ mặt có thể hình thành ngay sau cái bắt tay. Đa số, người ta dễ có cảm tình với những người có bàn tay ấm nóng. Vì trong quan niệm của dân gian, người có bàn tay ấm được xem là người rộng lượng, sống tình cảm. Còn người có bàn tay lạnh thì ích kỷ, sống không thật”.

Dù chỉ là quan niệm nhưng thực tế, những người bị mắc chứng chân tay lạnh thường bị mặc cảm trong giao tiếp, họ tỏ ra thiếu tự tin và ngại bắt tay. Anh bạn tôi cho biết: “Nhà tớ 75% thành viên bị bệnh này. Đông y kêu là hiệu ứng thấp phong, nếu bị nặng thì thường hay ù tai, hoặc là khi nghiến răng, nhắm chặt mắt cảm giác tai bị ù ù”.

Mấy ông thầy lang thì phán rằng, không ảnh hưởng gì, chỉ là do cơ địa thôi. Có thầy lại bảo, bệnh này liên quan mật thiết đến hai quả thận, nếu bổ thận thì bệnh sẽ thuyên giảm. Vì thế, nên ăn các loại đỗ, uống bột sắn dây. Bệnh này nói chung không nguy hiểm tức thời, vẫn có thể sống chung với bệnh cả đời nhưng ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài.

Chợt nhớ người bạn chung phòng trong chuyến du lịch tuần trước cũng bị căn bệnh này. Chẳng là thời tiết Bắc Kinh lạnh 5 - 6oC, nên cô bạn cứ lục đục, sáng ra thanh minh: “Ai chẳng muốn ngủ ngon, nhưng chân lạnh quá nên mãi mới ngủ được”.

Theo Tây y, nguyên nhân dẫn tới bệnh “tay lạnh” thường do quá trình lưu thông máu trong cơ thể không được duy trì ổn định. Lượng máu đưa về bàn chân, bàn tay không được cung cấp đầy đủ. Ngoài ra, những người mắc bệnh thiếu máu cũng mắc chứng tay chân lạnh do lượng hồng cầu trong máu thấp. Nguyên nhân nữa là do tuần hoàn máu trong cơ thể suy giảm, kéo theo máu cung cấp tới bàn tay, bàn chân bị giảm theo. Sự thay đổi các hormon, đặc biệt hormon sinh sản cũng là một nguyên nhân.

Thông thường, nữ giới vào kỳ kinh nguyệt bị mất một lượng máu khá lớn khiến nhiệt độ cơ thể có thể giảm đôi chút. Những người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, viêm tĩnh mạch, tắc mạch máu cũng thường bị chân tay lạnh. Khi bị căng thẳng, mệt mỏi cũng có thể làm chứng bệnh này thêm nặng.

Đông y bổ sung thêm, chứng chân tay lạnh thường gặp ở phụ nữ, người cao tuổi, những người ăn uống kiêng khem quá mức, kém dinh dưỡng, hút thuốc, uống rượu nhiều. Bệnh thường biểu hiện bằng bề mặt da tái nhợt hoặc trắng bệch.

Nói chung, vào thời tiết lạnh, nếu tay chân lạnh thì không nên quá lo lắng vì đó là hiện tượng thông thường, xuất phát từ cấu tạo tự nhiên của cơ thể, do điều kiện thời tiết hoặc do giữ ấm không đúng cách. Trong trường hợp nào đó, chân tay lạnh là biểu hiện của sức khỏe tốt.

Những người có huyết áp thấp nhưng khỏe mạnh thường tập trung dòng máu vào phần thân mình, khiến cho các đầu ngón tay, chân bị lạnh. Bên cạnh đó, những người mắc bệnh thiếu máu cũng mắc chứng tay chân lạnh do lượng hồng cầu trong máu hạ thấp. Biểu hiện rõ nhất là gan bàn chân, tay luôn ở trong trạng thái lạnh ngắt cho dù là trời nóng hay lạnh.

Tuy nhiên, lạnh buốt chân tay đi kèm với một số cảnh báo sức khỏe khác thì không nên chủ quan. Chẳng hạn, nếu lạnh bàn tay, chân kèm theo hiện tượng rụng tóc nhiều và mất trí nhớ, có thể do giảm hoạt động tuyến giáp, còn nếu có cảm giác tê buốt và như bị kim châm thì đó là biểu hiện của thiếu vitamin B12.

Theo y học cổ truyền, chứng bệnh này là do khí huyết kém lưu thông liên quan đến thận dương hư. Do vậy, việc điều trị là phải bổ thận dương, làm lưu thông khí huyết và ấm kinh mạch. Ở những vùng lạnh, buổi tối trước khi ngủ, hãy ngâm chân và tay trong nước ấm pha chút muối từ 10 - 15 phút.

Vận động nhiều cũng sẽ làm ấm nóng cơ thể, tăng cường và điều tiết tuần hoàn máu. Đặc biệt, nên ăn thức ăn có nhiều ca-lo và chất béo vì chúng cung cấp nhiều năng lượng để sản sinh nhiệt lượng sưởi ấm cơ thể, bổ sung thêm các loại vitamin nhóm B, vitamin C, E và các axít amin. Các loại vitamin và khoáng chất này giúp tăng lượng hồng cầu trong máu và tăng cường sức đề kháng. Nên ăn nhiều cà rốt, cà chua, súp lơ, ớt, tiêu... Tuyệt đối không nên để bụng đói vì khi đói, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm hơn so với ở mức bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗi oan tay lạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO