Hậu giải Cánh diều 2016, trong tâm thư về việc trả lại Bằng khen cho Hội Điện ảnh Việt Nam, đạo diễn Lương Đình Dũng đã bày tỏ nỗi buồn khi phim Cha cõng con phải vất vả tìm đường đến với khán giả. Và đấy cũng là tình cảnh chung của dòng phim độc lập.
Đọc E-paper
Trong sự phát triển rầm rộ của phim xã hội hóa những năm gần đây, có một dòng phim âm thầm tồn tại. Đó là phim độc lập, không được sản xuất bằng tiền đầu tư của Nhà nước hay của các hãng phim tư nhân, mà bằng tiền túi của đạo diễn hoặc tiền tài trợ của các quỹ điện ảnh. Điểm khác biệt của dòng phim này là có phong cách nghệ thuật mới mẻ hoặc độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân.
Có thể kể một số đạo diễn và tác phẩm như: Phan Đăng Di với Bi, đừng sợ, Cha và con và...; Nguyễn Hoàng Điệp với Đập cánh giữa không trung; Trần Anh Hùng với Xích lô; Tony Bùi với Ba mùa; Stephane Gauger với Cú và chim se sẻ...; và Lương Đình Dũng với Cha cõng con vừa ra mắt.
Từ khi xuất hiện đến nay, phim độc lập ở Việt Nam được xếp vào dạng phim nghệ thuật, tách bạch với số đông phim thương mại - giải trí. Phải công nhận các đạo diễn và các tác phẩm kể trên đã ít nhiều góp phần ghi tên Việt Nam lên bản đồ phim ảnh thế giới, khi được mời tham dự hay tranh giải và nhận được giải thưởng ở nhiều liên hoan phim (LHP) quốc tế, trong đó có Cannes, Berlin, Busan, Toronto...
Thế nhưng bấy lâu nay, khó khăn nhất của dòng phim độc lập chính là khán giả. Dù được đánh giá cao, nhận được giải thưởng quốc tế nhưng hầu hết phim độc lập đều rất chật vật mới tìm được nhà phát hành ở trong nước gật đầu cho ra rạp. Ví dụ như Đập cánh giữa không trung sau rất nhiều nỗ lực của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp mới được CGV nhận phát hành trong hệ thống Art House với số lượng phòng chiếu hạn chế, và dĩ nhiên lượng khán giả cũng khiêm tốn.
Đạo diễn Lương Đình Dũng tâm sự: "Trong khi Cha cõng con được mời chiếu tại các LHP nước ngoài và được đề nghị phát hành tại châu Âu, thì các nhà phát hành trong nước lại kết luận phim không thể hút khách do thiếu những yếu tố bạo lực, cảnh "nóng", kinh dị nên họ quay lưng".
Cuối cùng, Lotte Cinema cũng nhận lời phát hành Cha cõng con vào đầu tháng 4 vừa qua, nhưng số rạp chiếu rải rác và vào những khung giờ không thuận tiện với khán giả.
Trên thực tế, gần 20 năm mở cửa cho thị trường phát triển, điện ảnh Việt Nam vẫn chưa cân bằng được 2 yếu tố doanh thu và nghệ thuật. Ngay như ở giải Cánh diều hay LHP Việt Nam, phim độc lập cũng hiếm khi nhận được giải thưởng cao. Cho nên cũng không nhiều phim độc lập tham gia các giải thưởng trong nước. Khi gửi Cha cõng con tranh giải Cánh diều 2016 sau khi đã tranh giải ở 6 LHP quốc tế, đạo diễn Lương Đình Dũng hy vọng bộ phim có cơ may được lan tỏa rộng rãi.
Bên cạnh câu chuyện xúc động về tình phụ tử thiêng liêng, Cha cõng con còn có nhiều cảnh đẹp về thiên nhiên, con người ở vùng đất Bắc Mê - Hà Giang...
Sau tất cả, Lương Đình Dũng viết: "Có lẽ nào chúng tôi sai khi đã đi ngược lại với thị hiếu của một phần giới trẻ vốn đã quen với những dạng phim "fast food" chứ không quan tâm đến những bộ phim nuôi dưỡng tâm hồn và cảm xúc".
>>Dòng phim xưa - thách thức cho nhà sản xuất
Từng "về 0" với Bi, đừng sợ khi phát hành ở Việt Nam, với phim Cha và con và... (từng được LHP Berlin chọn vào danh sách 20 phim để tranh giải Gấu vàng) đã được phát hành tại Pháp (bán được 50 ngàn vé, trụ rạp 3 tháng), Ba Lan, Đài Loan..., đạo diễn Phan Đăng Di cho biết, anh bất lực khi phải đoán định thị trường Việt Nam: "Không thể đoán cái gì hay, cái gì khán giả thích để làm, nên tôi chỉ chuyên tâm làm cái mình thích, cái mình muốn làm. Đến bộ phim thứ 3 tôi sẽ cố gắng tìm nguồn vốn từ các quỹ nước ngoài, không dám tìm nguồn trong nước nữa, vì không phát hành được tại Việt Nam sẽ rất khổ cho họ”.
"Khi người ta chỉ thích xem phim hấp dẫn, mới mẻ, lôi cuốn mà quên đi những giây hình tĩnh lặng đầy tự sự, và khi sự cô đơn của người làm nghề không được chia sẻ thì không biết nền điện ảnh Việt sẽ đi về đâu", đạo diễn trẻ Trần Lý Trí Tân cảm thán. Nhưng dù long đong và có lúc cảm thấy đơn độc, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp vẫn đang tuyển diễn viên cho dự án thứ 2 Câu chuyện buồn nhất thế gian, Lương Đình Dũng cũng chuẩn bị cho dự án phim mới sắp bấm máy. Và vẫn có những gương mặt mới, chủ yếu là người trẻ, không ngại dấn thân theo đuổi việc làm phim độc lập.
Đó là Phạm Ngọc Lân với Một thành phố khác (từng giành giải ở hạng mục Phim ngắn của LHP quốc tế Phim độc lập IndieLisboa - Bồ Đào Nha) và Cu li không bao giờ khóc (tranh giải ở hạng mục The Cinefondations Atelier của LHP Cannes); Nguyễn Phương Anh với Người vợ ba giành Giải thưởng lớn (trị giá 20.000USD) từ Diễn đàn Tài chính Điện ảnh Châu Á (LHP quốc tế Hồng Kông); Lê Bảo với Vị giành giải Dự án phim truyện xuất sắc nhất tại Chợ dự án LHP quốc tế Singapore...
Không chỉ là cách để các đạo diễn trẻ khẳng định tài năng, mà chính họ, những người làm phim độc lập, đang giúp cái tên Việt Nam tiếp tục được định vị trên bản đồ phim ảnh thế giới.