Những nữ doanh nhân quyền lực nhất

HỒNG NGA| 20/05/2015 06:45

Những cái tên như Mai Kiều Liên, Nguyễn Thị Mai Thanh, Cao Thị Ngọc Dung... "nổi như cồn" trên thương trường nhiều năm qua.

Những nữ doanh nhân quyền lực nhất

Những cái tên như Mai Kiều Liên, Nguyễn Thị Mai Thanh, Cao Thị Ngọc Dung... "nổi như cồn" trên thương trường nhiều năm qua. Với Vinamilk, REE, PNJ, dấu ấn của những nữ doanh nhân này in đậm trong chặng đường phát triển của công ty, thậm chí, tiếng tăm của họ còn vươn ra thế giới.

Đọc E-paper

Nỗi lo mất "nữ tướng"

Đã từ lâu, hình ảnh của bà Mai Kiều Liên gắn chặt với thương hiệu Vinamilk và nhất cử nhất động về bà đều được dư luận chú ý. Và cũng từ lâu, các cổ đông của Vinamilk đã quen với vị "nữ tướng uy quyền" luôn mang đến niềm vui cho họ về mặt cổ tức.

Bởi thế mà tại đại hội cổ đông Vinamilk diễn ra ngày 27/4, khi HĐQT công bố thông tin bà Mai Kiều Liên không còn là cổ đông đại diện của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước - SCIC (75,1 triệu cổ phiếu) thì các cổ đông tỏ lo lắng. Họ lo việc bà Liên không còn đại diện vốn cho SCIC thì sẽ mất tư cách Chủ tịch HĐQT, và như vậy, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của Vinamilk.

Điều lo lắng của các cổ đông cho thấy vai trò... rất khó thay thế của vị thuyền trưởng Vinamilk. Bởi, dù đã bước sang tuổi 63 nhưng bà Liên vẫn rất sắc sảo trong các quyết định ảnh hưởng đến sự phát triển của Công ty. Nhiều năm qua, dưới sự điều hành của bà, Vinamilk từ một doanh nghiệp nhỏ, vươn lên trở thành thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam.

Không những thế, Vinamilk đã thâu tóm nhiều công ty nước ngoài (Angkor Dairy Product, Driftwoo...), trở thành một trong những thương hiệu sữa lớn nhất Đông Nam Á.

Và vị thế của Vinamilk có phần đóng góp không nhỏ của bà Mai Kiều Liên, người được đánh giá là rất quyết đoán và cấp tiến. Bà là người ra những quyết định kịp thời như đầu tư vùng nguyên liệu từ rất sớm (đầu những năm 1990), tái cấu trúc Công ty (năm 2003), đưa Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam...

Đặc biệt, kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2006, Vinamilk đã tăng trưởng đều đặn cả về doanh thu và lợi nhuận. 2012 là năm khó khăn với hầu hết các công ty Việt Nam nhưng doanh thu của Vinamilk vẫn tăng 23%, lên 1,3 tỷ USD, năm 2014, doanh thu đạt 35.704 tỷ đồng, tăng 13% so với 2013, lợi nhuận sau thuế đạt 6.068 tỷ đồng.

Bốn tháng đầu năm nay, Công ty đã tăng 17% về doanh thu, 15% về sản lượng và trích ra gần 3.667 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Với tổng mức hơn 50% lợi nhuận sau thuế, Vinamilk trở thành doanh nghiệp mang tiền về cho cổ đông đứng thứ 2 hai trong khu vực.

Năm nay, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu 38.424 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.830 tỷ đồng, tăng lần lượt 9,5% và 12,6% so với năm 2014 và tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế.

Chưa dừng lại ở đó, Vinamilk do bà Liên lãnh đạo đặt mục tiêu lọt top 50 công ty sữa hàng đầu thế giới với doanh thu đến năm 2017 đạt 3 tỷ USD. Trả lời cổ đông tại đại hội, bà Mai Kiều Liên khẳng định: Với đà tăng trưởng thời gian qua, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.

Và các cổ đông đã tin lời của bà vì "bà đã nói được là làm được". Người phụ nữ này đã bốn lần được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

>>Forbes vinh danh 2 nữ CEO Việt

>>2 "nữ tướng" ngành sữa Việt vào Top 50 nữ doanh nhân châu Á

Quyền lực "nữ hoàng"

Nếu nữ doanh nhân Mai Kiều Liên nổi tiếng với ngành sữa thì bà Cao Thị Ngọc Dung lại được tôn là "nữ hoàng trang sức". Thuộc lớp doanh nhân đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước và đang bước vào tuổi lục tuần nhưng bà vẫn hết lòng với kinh doanh, với PNJ.

Gắn bó cùng PNJ từ lúc mới tốt nghiệp đại học, bà Cao Thị Ngọc Dung đã không ngừng học hỏi và nhanh chóng bước lên vị trí cao nhất của doanh nghiệp. Dưới sự điều hành của bà, dù ngành trang sức Việt Nam hết sức khó khăn nhưng PNJ vẫn không bị ảnh hưởng.

Cụ thể, những năm 2008 - 2011, trong khi ngành trang sức thế giới cũng như Việt Nam bị giảm sút về thị trường nhưng PNJ vẫn tăng trưởng từ 7 - 10%. Năm 2012, bà Dung quyết định thuê tư vấn nước ngoài tái cấu trúc công ty để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Và những gì bà triển khai đã mang lại kết quả vượt bật.

2014, sau hơn một năm tổ chức đào tạo, huấn luyện, xây dựng chiến lược mới, doanh thu vàng trang sức bán lẻ của PNJ đạt 2.280 tỷ đồng, tăng đến 42%, đóng góp 31% vào tổng doanh thu và 74% lợi nhuận gộp toàn Công ty. Bà Dung cho biết, trong mấy mươi năm qua, bà luôn hài lòng về sự tăng trưởng của PNJ, dù trong thời điểm khó khăn nhất.

Không chỉ điều hành PNJ, bà Dung còn kiêm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo, quản trị ở nhiều doanh nghiệp mà PNJ có cổ đông lớn như Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Đông Á, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á, Công ty Năng lượng Đại Việt...

Với sự dẫn dắt của bà, PNJ từng được tổ chức Plimsoll (Anh) đánh giá và xếp hạng thứ 16 trong 500 công ty trang sức lớn nhất khu vực châu Á. Năm 2012, bà Cao Thị Ngọc Dung được Ernst & Young xếp vào Top 5 CEO quyền lực, Top 5 doanh nhân xuất sắc nhất Việt Nam...

>>Chủ tịch PNJ: Phải len mình vào cái tốt của thế giới

>>Chủ tịch PNJ: Cuộc chinh phạt mới

>>Tham vọng nữ tướng ngành vàng

Trong khi đó, người phụ nữ nhỏ bé Nguyễn Thị Mai Thanh lại "nổi như cồn" trong lĩnh vực tưởng chừng như chỉ dành cho nam giới: kinh doanh điện lạnh. Thế nhưng, người phụ nữ này đã góp công đầu trong việc cổ phần hóa công ty từ năm 1992 - 1993, đưa REE (Công ty CP Cơ điện lạnh) trở thành một trong hai mã cổ phiếu đầu tiên giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Và kể từ khi niêm yết đến nay, REE luôn nằm trong nhóm các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất. Bà Thanh cũng được biết đến như là người phụ nữ giàu có nhất khi được xếp vị trí thứ 9 trên thị trường chứng khoán vào năm 2007.

Gia nhập REE vào năm 1982 với vai trò là một kỹ sư nhưng chỉ 3 năm sau bà Thanh đã trở thành người lãnh đạo cao nhất của REE cho đến nay.

Dưới sự điều hành của bà, cũng đã có lúc REE lỗ nặng vì sự kỳ vọng vào đầu tư tài chính - lĩnh vực không thuộc thế mạnh của Công ty nhưng với sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên nhẫn và quyết đoán, bà Thanh đã giúp REE thoát nợ, trở thành một trong những thương hiệu mạnh của Việt Nam.

Và từ số vốn 1 triệu USD vào năm 1993, đến nay, REE đã có tổng vốn hơn 200 triệu USD. Năm 2013, tổng tài sản của REE đạt 350 triệu USD. Năm 2014, Công ty đạt doanh thu hơn 2.629 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 1.062 tỷ đồng. Cũng trong năm này, bà Mai Thanh đã được Forbes đưa vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Chưa biết khi "gặp chuyện" như bà Mai Kiều Liên, các cổ đông của PNJ, REE có lo lắng cho công ty khi thiếu vắng "nữ tướng quyền lực" như cổ đông của Vinamilk hay không nhưng những gì bà Cao Thị Ngọc Dung, Nguyễn Thị Mai Thanh đóng góp cho các doanh nghiệp này hoàn toàn xứng đáng được "phong tặng" danh hiệu... "nữ hoàng" của ngành.

>>Những nữ doanh nhân điều hành tập đoàn nghìn tỷ

>>Thế vận mới của các nữ doanh nhân Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những nữ doanh nhân quyền lực nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO