Chọn thời điểm thăm Amsterdam vào cuối tháng 5, chúng tôi được chị bạn ở đây thiết kế giúp tour khám phá những làng cổ quanh thủ đô của Hà Lan trong một ngày.
Đọc E-paper
Gọi là “thiết kế” cho oai, chứ thật ra phương tiện công cộng và thông tin về các điểm đến được ngành du lịch Hà Lan cung cấp vô cùng đầy đủ, chuyên nghiệp. Đến quầy vé của hãng GVB nằm ở đối diện ga trung tâm Amsterdam, cả nhóm mua Amsterdam region day ticket – loại vé đi các vùng ngoại vi Amsterdam với giá 13,5 euro (vé này đi được xe bus, xe lửa và tàu điện ngầm, có giá trị trong vòng 24 giờ tính từ lúc đặt chân lên phương tiện di chuyển đầu tiên).
Đang mùa hè nên ngày ở Hà Lan rất dài, nếu có sức khỏe và chịu khó tham khảo giờ giấc tàu xe trên trang 9292.nl, chúng tôi sẽ đến được nhiều điểm thú vị với chi phí khá tiết kiệm.
Volendam và phố cổ trên đê
Điểm đến đầu tiên của cả nhóm là Volendam, một làng chài cách Amsterdam hơn 20 cây số về phía bắc. Nằm trên bờ hồ Karten, làng chài này gây ấn tượng mạnh nhờ vẻ đẹp của đội tàu đánh cá kiểu cổ gồm 240 chiếc thường xuyên đậu trên bến cảng. Hồ Karten từng là biển nhưng từ khi có con đê biển ngăn cách nguồn nước mặn, hồ dần trở thành hồ nước ngọt.
Trên khu phố biển gần 700 năm tuổi, dân địa phương xúng xính trong trang phục Hà Lan truyền thống, dễ thương nhất là trang phục phụ nữ với kiểu áo liền váy dài chấm đất, kết hợp với tạp dề, chiếc nón bonnet nhọn đầu và đôi guốc gỗ.
Bến tàu Volendam tấp nập đông vui |
Tuy nhiên, Volendam nổi tiếng ở châu Âu nhờ tuyến đê bao quanh làng. Đứng trên mặt đê, chúng tôi cảm nhận rõ mực nước biển ngoài đê cao hơn mặt bằng các khu dân cư ở trong đê ít nhất phải 3m.
Ngày xưa, những con đê đầu tiên chỉ cao khoảng 1m với mục đích bảo vệ cây trồng khỏi bị ngập lụt. Dần dần, mỗi chu kỳ thủy triều tại duyên hải đều để lại lớp trầm tích ở ven chân đê. Lớp trầm tích này ngày một dày hơn, rộng hơn. Đó là lúc người Hà Lan bắt đầu đắp thêm các tuyến đê mới trên những lớp trầm tích đang dần ổn định này.
Những con đê được đắp về sau bắt đầu gia tăng về chiều cao và độ rộng, bao bọc lấy những vùng trầm tích mới. Phù sa từ các con sông qua những lần lũ lụt sẽ tiếp tục bù đắp cho vùng đất vốn là trầm tích ngập mặn nằm bên trong tuyến đê mới. Sau vài trăm năm, nhiều vùng đất mới đã hình thành và mọc lên những ngôi làng mới.
Phố cổ Volendam xinh xắn |
Ở Volendam, thân đê là nơi tọa lạc các dãy nhà cổ trang trí bắt mắt. Nhà toàn bằng gỗ sơn màu xanh lá cây, mái lợp ngói màu xám thẫm, khung các ô cửa, các đường trang trí và cột sơn đen nổi và đẹp như tranh đồ họa.
Khuôn viên trồng rất nhiều hoa màu sắc sặc sỡ. Hầu hết nhà cổ đã trở thành những cửa hàng bán đồ lưu niệm, trang phục truyền thống, phô mai đặc sản… và là các nhà hàng phục vụ món đặc sản cá chình hun khói cùng các loại hải sản tươi ngon khác.
Volendam bây giờ sống bằng du lịch. Các cửa hàng bán đồ lưu niệm như guốc gỗ, búp bê, đồng hồ gỗ, tranh ảnh cắt trổ dán gỗ lúc nào cũng tấp nập du khách.
Từ mấy trăm năm trước, Volendam đã thu hút nhiều họa sĩ nổi tiếng thế giới viếng thăm và vẽ tranh, trong đó có cả Picasso. Nghe nói ông đã lưu trú nơi đây dài ngày để vẽ các bức tranh về bến cảng, những ngôi nhà gỗ chênh vênh nơi thân đê, hệ thống kênh mương và chiếc cầu vận hành bằng dây tời bắt qua dòng kênh chính chạy giữa lòng thị trấn…
Bảo tàng Volendam hiện đang lưu giữ khoảng 4.000 bức tranh do hàng trăm họa sĩ vẽ về thị trấn “dưới mực nước biển” này. Sau một hồi lạc giữa Doolhof – khu phố nhỏ dọc ngang như một ma trận, chúng tôi cũng ra được bến cảng. Cuối buổi sáng, những thuyền câu lươn cuối cùng xuất phát từ đêm về lại bến, chợ cá nhóm họp ngay trên cầu tàu, những âm thanh và hương vị đó khơi gợi lại cái không khí xưa… Đứng từ bến cảng có thể nhìn thấy con đê biển tít tắp xa qua mặt hồ nước sáng long lanh.
Marken, ngôi làng tĩnh lặngĐường làng nhỏ xíu mà đầy hoa Những con kênh trong xanh chạy qua làng
Cũng nằm bên hồ Karten, làng Marken cách Volendam chỉ mươi phút đường thủy theo tuyến tàu Volendam Marken Express với giá 7,5 euro. Tuy nhiên, Amsterdamregion day ticket không bao gồm vé tàu thủy này nên để tiết kiệm, chúng tôi đón xe bus về Amsterdam rồi từ đây lại đón bus đi Marken.
Một góc làng Marken |
Cũng may, các ngôi làng này đều chỉ cách trung tâm thành phố nửa giờ xe chạy. Ra khỏi nội thành chừng 15 cây số, Marken đã hiện ra trước mắt như một ốc đảo yên bình. Mà đúng! Đây từng có thời kỳ là một hòn đảo kể từ thế kỷ XIII, khi mực nước biển Bắc dâng cao.
Cho đến tận khi có con đê biển dài năm cây số nối Marken với đất liền từ năm 1957, người Marken vẫn quen gọi người Hà Lan ở ngoài làng là “những người ở trên đất liền”.
Trong nhiều thế kỷ, người Marken sống biệt lập với bên ngoài. Rất nhiều nét khác biệt trong sinh hoạt, lối sống của họ vẫn còn giữ được đến ngày nay.
Xe đi trên con đê biển dài hun hút, tôi có cảm giác mình đang bồng bềnh trên mặt nước, nhìn ra bốn bề chỉ nước là nước. Rồi bỗng xuất hiện một ngôi làng kiểu cổ tích màu sắc nổi bật giữa nền trời xanh biển xanh.
Dường như cái gì ở Marken cũng nhỏ nhắn nhưng xinh đẹp đến từng chi tiết, đặc biệt là những ngôi nhà gỗ mái đỏ rực, tường sơn xanh đậm, các ô cửa được viền đen trông duyên dáng mà cứng cỏi. Tất nhiên là nhà nào cũng trồng kín hoa từ cổng, vườn cho đến khung cửa sổ.
Nhìn ra bờ kênh, chen lẫn giữa bãi lau sậy là bầy thiên nga trắng muốt yểu điệu. Nhìn lên những thảm cỏ quanh làng, lại là màu trắng như bông của bầy cừu nhởn nhơ dưới nắng. Men theo những con phố nhỏ, chúng tôi định ra biển thì lập tức bị níu chân bởi xưởng đóng guốc vô cùng bắt mắt.
Guốc gỗ ở Hà Lan làm bằng gỗ cây bạch dương, có hàng trăm kiểu dáng na ná giống nhau. Tuy nhiên phong cách trang trí thì cực kỳ sáng tạo và khác biệt nhau nhờ cách vẽ hình, chạm trổ, sơn màu, thậm chí đính cả pha lê, hạt cườm.
Cối xay gió màu sắc rực rỡ ở các ngôi làng cổ |
Cửa hàng có cả nghệ nhân biểu diễn tiện guốc gỗ bằng máy điệu nghệ cho du khách xem. Nhu cầu tiêu thụ guốc gỗ ngày càng lớn nên nay dân làng không còn sản xuất thủ công được nữa. Thay vào đó là công nghệ làm guốc gỗ công nghiệp. Cạnh xưởng guốc có xưởng giới thiệu quy trình sản xuất sữa và phô mai, tất nhiên cũng bán cả sản phẩm.
Khách tham quan thi nhau nếm miễn phí. Có phô mai làm từ sữa bò, sữa cừu, sữa dê, phô mai trộn ớt, trộn tỏi, trộn rau thơm… Không biết vì phô mai ở đây quá ngon hay vì cảm kích mấy ngôi làng đều miễn phí vào cửa mà du khách sau khi nếm đã đời thì cũng mua khá nhiều!
Khác với những làng hay thị trấn cổ khác ở châu Âu, hai ngôi làng Hà Lan mà chúng tôi vừa ghé thăm không có chút gì rêu phong phai úa. Từ màu sắc nhà cửa, những nơi bán guốc gỗ, nhà sản xuất phô mai, mấy con bò sạch sẽ, những cối xay gió hiên ngang tới cách bài trí làng đều rất sống động. Đó là một sự sắp xếp đẹp đẽ và quy củ trên diện rộng.
Du khách đến đây chẳng ai thấy hoài cổ chút nào, chỉ thấy vui như đi hội. Đó là do dân làng làm du lịch quá tốt hay vì với họ, quá khứ với hiện tại chỉ là một – dù đánh cá, trồng trọt hay làm du lịch thì niềm vui sống mỗi ngày của họ vẫn chẳng khác cha ông xưa là mấy?
>Mùa xuân nghe hoa Hà Lan "kể chuyện"
>10 ngôi làng cổ tuyệt đẹp ở châu Âu