1. Warren Buffett
Huyền thoại sống của giới đầu tư - tỷ phú Warren Buffett, là người nổi tiếng với sự kiên định trong triết lý đầu tư giá trị của mình. Tuy nhiên, nhà hiền triết của xứ Ohama cũng không ít lần khiến giới đầu tư hoang mang với những quyết định được đánh giá là vô cùng mạo hiểm, khi rót vốn vào các công ty đang trên đà phá sản hoặc thu mua những cổ phiếu đang rớt giá trầm trọng.
Huyền thoại đầu tư Warren Buffett |
Đơn cử, vào thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã rót một lượng tiền lớn vào ngân hàng Goldman Sachs. Khi đó, Berkshire Hathaway đã mua 50.000 cổ phiếu ưu đãi của Goldman Sachs với mức cổ tức hằng năm nhận được là 500 triệu USD.
Khi Goldman Sachs mua lại số cổ phần này vào tháng 3/2011, ngân hàng này đã phải trả thêm mức lãi 500 triệu USD nữa. Thương vụ ban đầu ký với Goldman Sachs cũng giúp Berkshire Hathaway nhận chứng quyền mua 43,5 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 5 tỷ USD, cho phép công ty này trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng. Thương vụ với Goldman Sachs cũng đánh dấu sự trở lại bất ngờ của Buffett với ngành tài chính, vì ông đã không đầu tư vào ngành này từ năm 1997.
Tính đến cuối tháng 9/2008, khủng hoảng tài chính đã khiến giá trị tài sản của Goldman Sachs thâm hụt 4,9 tỷ USD. Từ năm 2007 cho đến khi đó, giá cổ phiếu của ngân hàng này giảm hơn 40%. Tuy nhiên, sau 5 năm, lợi nhuận mà Berkshire Hathaway thu về từ thương vụ đầu tư cho Goldman Sachs lên tới 1,75 tỷ USD.
Chia sẻ về lý do đằng sau quyết định đầu tư cho Goldman Sachs vào thời điểm đó, Buffett nói rằngNghị viện Hoa Kỳ sẽ không khoanh tay đứng nhìn những ngân hàng như Goldman Sachs phá sản.
"Tôi tin rằng chính phủ sẽ can thiệp vào những trường hợp này, nếu không, tôi đã không đầu tư mạo hiểm như vậy…", ông nói
Bởi đó, lời khuyên được huyền thoại đầu tư gửi đến giới doanh nhân là "hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sở hãi". Còn gì điên rồ hơn việc vượt qua nỗi sợ trong lòng và theo đuổi sự mạo hiểm một cách đầy phấn khích?
2. Mark Cuban
Vào đầu những năm 1980, khi nhu cầu tin học đang bùng nổ, chàng trai trẻ Mark Cuban khi đó cảm nhận rằng mình không thể bỏ qua cơ hội này. Thành lập công ty đầu tiên của mình là MicroSolutions, Cuban quyết định kinh doanh tất cả dịch vụ về tin học gia đình và máy tính. Dù tự nhận không hiểu chút gì về máy tính, từ kiến thức sơ đẳng nhất, song khi khách hàng hỏi gì, cần gì, Cuban đều nói có, làm được, đang làm và sắp làm xong. Sau khi khách về thì Mark Cuban tất bật đi... thuê công ty khác làm.
Tỷ phú Mark Cuban |
Đặc biệt, vào năm 1995, vì rất đam mê bóng rổ nên Mark Cuban đã biến một ý tưởng rất lạ đời trở thành hiện thực. Thông thường, các trận đấu của những đội bóng rổ nhỏ tại Mỹ chỉ được các đài phát thanh địa phương tường thuật và không phải ở đâu cũng có thể bắt sóng các đài này. Tuy nhiên, việc lắng nghe tường thuật lại là mong muốn của người hâm mộ bóng rổ, trong đó có Cuban.
Thế nên, vị tỷ phú đã suy nghĩ tới việc sử dụng Internet để có thể nghe tường thuật trực tiếp trận đấu từ các đài địa phương. Dồn toàn bộ số tiền mình có, Cuban đổ vào dự án thành lập công ty Broadcast.com. Ông đã thuyết phục được vài trăm người làm cho mình, chủ yếu là họ hàng, bạn bè và người hâm mộ bóng rổ. Bản thân Cuban cũng có lúc hoang mang với ý tưởng của mình.
Không đủ trả tiền cho 300 người làm với mức lương 10 USD/giờ, Cuban cam kết sẽ trả bằng cổ phiếu công ty, dù lúc đó Broadcast.com chưa hề phát hành cổ phiếu. Cuban cũng tự biết đây là một canh bạc lớn nên đã tìm cách động viên bạn bè, người làm và cả chính mình.
Song, vận may thực sự đã mỉm cười với Cuban trong lần "liều ăn nhiều" này. Năm 1999, vài tháng sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, Cuban đã bán lại Broadcast.com cho Yahoo với giá 5,7 tỷ USD - thương vụ giúp ông trở thành tỷ phú.
3. Richard Branson
Hãy tưởng tượng bản thân là một ban nhạc mới thành lập và muốn tạo ấn tượng mạnh với công chúng. Vậy, bạn sẽ làm gì để tên tuổi của mình nhanh chóng "nổi như cồn"? Gợi ý: Cho ra đời một bài hát gây tranh cãi về Nữ hoàng và Vương quốc Anh. Tiếp đến, hãy đi thuyền dọc sông Thames, đến trước cửa tòa nhà Quốc hội và hát vang ca khúc đó.
Sex Pistols – ban nhạc được hãng đĩa Virgin Records của tỷ phú Richard Branson ký hợp đồng, đã thành công vang dội nhờ chiến lược này. Trong khi mọi người đều cho rằng Sex Pistols là nhóm nhạc gây ra nhiều tranh cãi, Branson hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích họ thực hiện các kế hoạch độc đáo để thành danh.
Danh tiếng của Sex Pistols sau đó đã lan khắp nơi, hỗ trợ đắc lực trong việc mở đường cho hãng đĩa của Branson ký hợp đồng với những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới như Rolling Stones, Culture Club, Mariah Carey và Tina Turner…
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào hãng hàng không vượt Đại Tây Dương Virgin Atlantic vào năm 1984 cũng là một lần liều lĩnh khác của Branson - quyết định bị những người chung vốn ở Virgin Records phản đối vì lo ngại quá nhiều rủi ro.
Tỷ phú Richard Branson |
Trong tự truyện nổi tiếng "Đường ra biển lớn", vị tỷ phú bày tỏ: "Tôi muốn sống hết mình, muốn hướng đến mục tiêu mới, chúng tôi muốn gầy dựng từ ý tưởng của chính mình, không đầu tư vào hãng đã thành lập. Chỉ một chiếc máy bay, một mức tài chính tối đa, và một công ty mới được thành lập theo cách của mình. Cuối cùng những người chung vốn với tôi miễn cưỡng đồng ý".
"Tôi không chọn dịch vụ giá rẻ, các hãng hàng không lớn có thể phá giá, tôi đưa ra dịch vụ chất lượng, tiện nghi và chăm sóc chu đáo đối với hành khách. Tôi đã rất táo bạo và mạo hiểm nhưng không ngu ngốc. Cuối cùng hãng hàng không Virgin Atlantics đã thành công trước sự ngạc nhiên của nhiều đối thủ".
4. Elon Musk
Năm 2021, Elon Musk được tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm vì sức ảnh hưởng trên toàn cầu. Ông trở thành người giàu nhất thế giới với khối tài sản ròng hơn 264 tỷ USD, một phần nhờ giá cổ phiếu Tesla tăng mạnh. SpaceX do Musk thành lập cũng lần đầu thực hiện chuyến bay đầu tiên đưa du khách và không có phi hành gia chuyên nghiệp lên quỹ đạo quanh Trái Đất. Tuy nhiên, để có vị trí như hiện tại, đã không ít lần Musk liều lĩnh đi ngược lại số đông.
Người giàu nhất thế giới Elon Musk |
Trước khi thương vụ bán PayPal cho eBay hoàn tất, Musk đã nghiên cứu về công nghệ tên lửa và sau đó thành lập SpaceX vào tháng 6/2002. Năm 2004, khi dự án tên lửa mới đi vào hoạt động, Musk tiếp tục tham gia thêm một dự án "không tưởng" khác - sản xuất xe điện Tesla. Trên thực tế, nhiều chuyên gia ngành công nghiệp ô tô cũng tỏ ra coi thường Tesla vào thời điểm công ty này mới xuất hiện.
Bốn năm sau, Tesla đứng trên bờ vực sụp đổ, do tình hình tài chính đáng báo động. Khi đó, Musk như ngồi trên đống lửa và rốt cục đã quyết định "hy sinh" 3 triệu USD tài sản cuối cùng của bản thân để "cứu" Tesla. Sau khi hết sạch tiền mặt, Musk thậm chí phải vay tiền từ bạn bè để trả tiền thuê nhà.
Song, thời gian đã cho thấy quyết định "liều ăn nhiều" khi đó của Musk là hoàn toàn chính xác. Năm 2010, Tesla cổ phần hóa, mang lại cho Musk hơn 600 triệu USD. Đến tháng 10/2021, giá trị vốn hoá của hãng xe này đã vượt quá 1.000 tỷ USD, đưa Tesla trở thành công ty thứ sáu trong lịch sử Mỹ đạt mức vốn hóa này và là công ty sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới.