Những giải pháp đột phá cho ngành du lịch Việt Nam

GIA MINH| 10/01/2019 08:27

Thông tin vui đầu năm là ngành kinh tế mũi nhọn du lịch năm 2018 góp phần làm tăng nguồn thu lên đến 620.000 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm trước đó.

Những giải pháp đột phá cho ngành du lịch Việt Nam

Châu Á vẫn là thị trường nguồn khách quan trọng nhất của Việt Nam năm 2018 với 12 triệu lượt khách, đông nhất là khách Trung Quốc với 5 triệu và Hàn Quốc 3,4 triệu lượt người. Tiếp theo là khách đến từ châu Âu với 2 triệu lượt khách, từ châu Mỹ là 903.000 lượt khách và châu Úc 437.819 lượt khách.

Số liệu thống kê trên đây vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mức đầu tư của ngành du lịch. Điều đó giải thích tại sao trong một văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu hàng loạt giải pháp có tính đột phá để phát triển ngành công nghiệp không khói này.

Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, hệ thống pháp luật và các chế độ, chính sách sẽ được hoàn thiện nhằm bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển du lịch. Giải pháp tiếp theo là đổi mới, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng.

Link bài viết

Đổi mới tư duy phát triển du lịch một cách nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động của các cấp, các ngành; ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia vào quá trình phát triển du lịch.

Thủ tướng cho biết việc cơ cấu lại ngành du lịch sẽ sớm được triển khai nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Trong đó, tập trung vào việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch, củng cố phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch và cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch. Hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đột phá để du lịch phát triển cũng là việc cần làm để đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường, cụ thể như các chính sách về đầu tư, thuế, thủ tục về thị thực nhập cảnh.

Giải pháp đột phá, theo người đứng đầu Chính phủ, còn là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Đặc biệt là các kết cấu hạ tầng đường hàng không, đường biển, đường sắt, tăng cường kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch.

Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại từ nội dung đến phương thức, phát huy nguồn lực nhà nước và toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá của các cơ quan ngoại giao, cộng đồng người Việt ở nước ngoài và các cơ quan truyền thông.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để các doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong kinh doanh du lịch, nhất là du lịch thông minh; có chính sách hỗ trợ cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan.

Trong các giải pháp tiếp theo, Thủ tướng cho biết sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước, trong và sau chuyến đi; chú trọng phát triển các ứng dụng hỗ trợ du khách xây dựng chương trình, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến theo nhu cầu cá nhân; tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch; có khả năng theo sát hành trình, chủ động cung cấp thông tin phù hợp đáp ứng nhu cầu của du khách trong suốt hành trình du lịch; ứng dụng thuyết minh du lịch tự động và hỗ trợ thanh toán thuận lợi trên thiết bị di động thông minh.

(Theo DoanhnhanPlus - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những giải pháp đột phá cho ngành du lịch Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO