Mới đây, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Theo Nghị quyết, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam được giao triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong hai năm (2022-2023) với tổng nguồn vốn hơn 38.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng, năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 7.000 tỷ đồng.
Đối với cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội, tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 6.800 tỷ đồng. Đối với học sinh, sinh viên cần mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập, tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 1.500 tỷ đồng.
Về công tác thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nguồn vốn tối đa là 9.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 3.000 tỷ đồng.
Với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch, tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 700 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, ngân hàng cũng tập trung tổ chức, triển khai cho vay đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách, đảm bảo tính khả thi của chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. Đồng thời, ngân hàng sẽ cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, hội viên, người lao động và nhân dân biết, tổ chức thực hiện và giám sát.