Quy định đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời vụ, lao động là công dân nước ngoài, chính sách khuyến khích để mở rộng tham gia BHXH tự nguyện, điều kiện hưởng lương hưu... là những điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mà cả doanh nghiệp (DN) lẫn người lao động khu vực công cần lưu ý kể từ 1/1/2016.
Đó là thông tin được chia sẻ tại hội thảo "Thúc đẩy việc triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế trong khu vực công" do Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Theo ông Bùi Sĩ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng diện BHXH, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính phủ, nông dân tham gia BHXH tự nguyện.
Căn cứ vào Luật Bảo hiểm xã hội để từng bước điều chỉnh chính sách BHXH nhằm đảm bảo an toàn, cân đối quỹ BHXH theo lộ trình kể từ nay đến năm 2020.
Trong đó, quy định NLĐ làm việc theo HĐLĐ mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ một tháng đến dưới ba tháng tham gia BHXH bắt buộc kể từ ngày ký hợp đồng; quy định NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp tham gia BHXH bắt buộc...
Riêng đối với DN, hay còn gọi là đối tượng người sử dụng lao động trong khu vực công, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khuyến cáo, có khá nhiều điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó có những điểm quan trọng DN cần lưu ý, cụ thể: Bắt đầu từ 1/1/2016, khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành, DN sẽ phải chuyển sổ BHXH cho người lao động giữ.
Song, để làm được điều này DN phải làm thủ tục chốt sổ cho NLĐ để ghi lại quá trình đóng BHXH của NLĐ cho đến cuối năm 2015.
Quy định định kỳ 6 tháng, người sử dụng lao động hay DN phải thông báo thông tin về quá trình đóng BHXH cho NLĐ. Bắt đầu từ 1/1/2016, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc sẽ bao gồm tiền lương, phụ cấp lương thể hiện trên HĐLĐ.
Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Cường nói thêm, hiện nay, một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Philippines, Indonesia đã có quy định hợp tác quốc tế về BHXH.
Một số nước như Đức, Canada, Hàn Quốc đã đề nghị Việt Nam ký kết hiệp định hợp tác song phương về lĩnh vực BHXH nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ hai nước được tham gia BHXH khi sang làm việc ở nước bên kia.
Đây cũng là một điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo ông Cường, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành thì Việt Nam đương nhiên phải thực hiện theo những quy định chung, nhằm tránh sự việc NLĐ bị đóng BHXH hai lần (một lần tại quốc gia họ và một lần nữa tại quốc gia mà họ đến làm việc).
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết quý 3/2015, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chỉ đạt 0,5% lực lượng lao động.
Còn đối với một số DN nhà nước (đặc biệt DN ngành xây dựng, giao thông, vận tải) thường thuê lao động tại địa phương ký HĐLĐ dưới 3 tháng hoặc không ký HĐLĐ với NLĐ, nhiều DN thua lỗ nên nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quán triệt, triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 tại không ít cơ quan, đơn vị, địa phương còn nhiều bất cập; thủ tục hành chính chưa thuận lợi, ý thức người dân nhiều vùng còn hạn chế.
Vì vậy, để triển khai thực hiện tốt Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các cấp chính quyền, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong công tác tập huấn, tuyên truyền, đồng thời nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính.
> Quy định về bảo hiểm xã hội áp dụng từ 1/1/2016
>Giúp DN vượt khó: Nhìn từ cơ quan bảo hiểm xã hội
>Từ 1/1/2016, lao động làm việc ở nước ngoài phải đóng BHXH