Chiều, đưa con trai đi thả diều...
Những con diều rực rỡ bằng nilon đủ các loại hình dáng, kiểu cách. Đủ hình thù và sắc màu, bọn trẻ yêu thích nhất những con diều “độc” hình robot, hình siêu nhân… lấy mẫu từ các loại phim hoạt hình, truyện tranh. Giá rẻ, chỉ 15.000-20.000 đồng/con, lại còn khuyến mãi thêm cả một đoạn dây với tay cầm. Dứ, kéo, chạy diều, nhả dây… rồi sung sướng nhìn diều lên cao, đoạn dây chùng cong cong như dẫn đường cho trí tưởng tượng thăng hoa cùng cao xanh. Mỗi chiếc diều vẽ lên nền trời một điểm lung linh cho biết bao đôi mắt trẻ thơ neo đậu. Mới thấy trẻ con bây giờ sướng thật, chẳng như lũ trẻ con “ngày xưa”…
Ngày ấy, để làm được một con diều lớn, đẹp, chuẩn bị cũng phải mất vài tháng. Mà lạ, đứa nào cũng muốn diều của mình phải to nhất, đẹp nhất, bay cao, xa nhất… Công đoạn khó nhất không phải là tạo hình, vì cả một lũ con nít, thế nào cũng có được một, hai đứa khéo tay để có thể vót tre cho đủ mềm, đủ mỏng, đủ nhỏ làm khung diều. Khó nhất là tìm được nguyên liệu, vì thời đó thiếu thốn đủ thứ. Thế nên mới có cái cảnh “lập hội” để làm diều: Đứa lo giấy, đứa tìm tre, đứa góp dây…
Giấy diều - kiếm được một tờ “họa báo Liên Xô” là cả một niềm mơ ước (phải nhà nào có người “đi tây” về thì mới có thứ ấn phẩm đẹp đẽ này), nếu không thì… xé vở rồi “can” (dán mép) vào nhau cho đủ to để dán diều. Tre thì là thứ đã sẵn, chỉ xử lý ngâm nước vài ngày là có thể làm. Nhưng đặc biệt gian nan là việc tìm được cuộn dây đủ dài, đủ dai để thả con diều ấy. Con diều không đủ to để dùng đến loại dây bằng vỏ tre như trong các cuộc thi diều, nhưng nếu dùng dây bằng các cuộn chỉ thì lại không đủ chắc. Dây chỉ của bao xi măng là lựa chọn dễ kiếm nhất. Nhưng để có được một cuộn dây đủ để thả diều, phải mất tới vài tháng trời cóp nhặt, tích trữ (vì ít người xây nhà, sang sửa, lấy đâu ra vỏ bao xi măng mà xin dây). Mỗi vỏ bao xi măng chỉ có được đoạn dây chừng 2 mét, nếu chập đôi nữa (để đủ chắc khi diều lên cao) thì chả còn là bao. Chính vì sự khó khăn ấy, nên thời đó đứa trẻ nào có bố, mẹ làm thợ nề, thợ xây thì được lũ trẻ nhìn với ánh mắt đầy ngưỡng mộ, còn ngưỡng mộ hơn cả những đứa có bố, mẹ làm giám đốc, quản đốc…
Giờ đọc báo, thấy nhiều nhà văn viết về trò thả diều như một nghệ thuật, thật đẹp, thật lãng mạn… Nào vắt vẻo cưỡi trâu thả diều (lại còn thổi sáo du dương), nào những mối tình thơ trẻ… Nhưng với lũ trẻ con như mình, ngày ấy đi thả diều đơn giản vì đó là một trong số ít những trò chơi mà trẻ con có thể tự làm và tự chơi được. Vì ngoài thả diều, chơi bi, đánh đáo, đánh khăng… thì chỉ còn biết hì hụi rủ nhau be bờ tát cá hoặc đi móc cua, nghịch bùn, lang thang ngóc ngách trèo cây, hay vài trò chơi tập thể khác, chứ làm gì có lắm đồ chơi như bây giờ.
… Chiều đưa con trai đi thả diều. Con trai thấy bãi cát rộng liền nằm sấp xuống, hai chân hai tay khua loạn lên: “Bố ơi, con bơi ở biển này”. Trong đôi mắt con, với ký ức về biển rất ngây ngô, dường như cứ bãi cát thật rộng, thật dài thì đó chính là biển. Đôi mắt con toàn quen với hoạt hình Bibi, với Cartoon Network, với những siêu nhân, người máy… Thế giới của con như gói gọn trong 21 inch của chiếc TV. Con không bao giờ có những người bạn “hội diều”.
… Chiều đưa con trai đi thả diều. Lâu lắm rồi mới có cái cảm giác no mắt trước sự thoáng đãng của không gian. Đôi mắt thường ngày luôn phải nheo lại vì bụi trên đường đi làm, bức bối trong cái văn phòng bé tẹo, nay như được thả tung ra trên một bãi cát rộng ngút mắt với những cánh diều. Bãi cát này, hơn hai chục năm trước chính là cánh đồng. Nó là nơi lũ trẻ con, sau một hồi thả diều, bình phẩm diều đứa này đẹp, diều hội kia cao… thì cắm diều, rồi tranh thủ đi bắt vài con cua cho bữa tối.
… Chiều đưa con trai đi thả diều. Lối vào bãi cát cắm chình ình một tấm biển “Công trường đang thi công, không phận sự miễn vào”. Nhớ ra rằng cái bãi cát thả diều của hai bố con, cánh đồng bát ngát ngày xưa, “biển” của con trai bây giờ, cũng chính là nơi một khu đô thị sẽ mọc lên trong vài năm nữa. Thêm một khu đô thị, thêm những tòa nhà chọc trời, thêm những cánh đồng bị mất, và đôi mắt lại trở lại với cái nheo nheo của khói bụi, cái bức bối của những khoảng không gian chật hẹp nơi thành phố.
Chiều… không đưa con đi thả diều. Con diều đã được xếp gọn, nhét vào tủ đồ chơi của con trai. Con trai băn khoăn “Sao bố lại nhốt cái diều vào tủ?”…