Ai trong chúng ta hẳn cũng có lúc muốn vứt cái được gọi là "vật bất ly thân" đó đi, vứt hẳn chứ không chỉ là tắt máy, thay sim.
Gần đây, thị trường viễn thông Việt Nam nhận được nhiều đánh giá rất khả quan, từ "thị trường giàu tiềm năng" cho đến "khả năng tăng trưởng mạnh mẽ”, thậm chí là "bùng nổ những làn sóng mới". Cũng không sai, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, đi đâu cũng thấy người ta đang trò chuyện hớn hở với cái máy áp tai, nam thanh nữ tú hí hoáy soạn thảo trên bàn phím đến mức không thèm nhìn ai. Rõ ràng là cả một xã hội giao tiếp đang sôi động chuyển thông tin cho nhau qua thoại, qua tin nhắn, email còn gì.
Thêm phần "nóng" cho cái thị trường đang phập phồng phát triển ấy, ngày càng nhiều người "lắm sim thừa số”, sở hữu vài ba chiếc điện thoại cùng nhiều sim số khác nhau. Những người bận bịu ấy bảo, có nhiều máy, nhiều số liên lạc như thế, là để phân loại và đối phó với những cuộc gọi không mong đợi, những người đối thoại không hấp dẫn... Thế mà, như một phép màu, rồi họ vẫn cứ bị làm phiền bởi những cuộc trò chuyện không mong muốn, dù có chặn, có trốn cách nào.
Một người bạn lớn của tôi kể về nỗi ám ảnh của mình khi nghe tiếng nhạc chuông chuẩn của điện thoại Nokia. Âm thanh ấy - vốn không có gì đáng bàn, quen thuộc đến thành cũ kỹ nhàm chán. Nhưng với bạn, nó gợi về những tháng ngày gia đình mang một khối nợ chất chồng, sinh mạng người thân mong manh nơi đất khách. Sợ! Sợ nhưng không dám tắt máy, vẫn phải nghe những cuộc điện thoại trong tuyệt vọng.
Người khác lại là một doanh nhân, tôi gặp anh khi đi tìm hiểu thông tin để "dựng" chân dung thành đạt theo yêu cầu của tòa soạn. Chào hỏi sơ giao, hỏi han được dăm câu thì hai chiếc điện thoại thay nhau rung bần bật. Có cuộc anh bắt máy, có cuộc từ chối thẳng thừng, lại có cuộc tắt tiếng để mặc "miss call". Cứ theo cách đó, có thể biết chủ nhân của từng cuộc gọi kia ở "cỡ" nào trong các mối quan hệ của anh. Anh chìa ra chiếc điện thoại thứ 3 - bé nhỏ, đời cũ, âm thanh mono nhưng không bao giờ tắt - và nói rằng đấy là "hot line" chỉ dành riêng cho vợ con - mối quan hệ gia đình.
Chẳng riêng anh, không ít người có đến 3 điện thoại - thậm chí nhiều hơn nữa... Có những người mà trong vòng 4 tiếng đồng hồ bên tách cafe không thể nói xong một câu chuyện vặt với bạn mình chỉ vì phải trả lời quá nhiều cuộc gọi của khách hàng. Nên đừng cười nếu có những người mắc chứng thù ghét, sợ hãi điện thoại.
Chợt nhớ chuyến công tác đi một vòng cung Tây Bắc. Ra khỏi phố thị ngoắt ngoéo những người xe là thấy lòng đã nhẹ nhàng thảnh thơi. Đồi núi trập trùng thoáng mắt, đã tưởng thế là vui... Bập bõm cột sóng cứ quẩn quanh 1 - 2 vạch. Nhận vài cuộc gọi tậm tạch, tiếng mất tiếng được khiến chẳng chủ ý mà "cơ quan phát thanh" cứ điều chỉnh to dần đều chỉ để thông báo "đang ở xa, sóng kém, nhắn tin đi...".
Kém, nhưng còn có thể liên lạc được, rồi đến chặng nữa thì mất hẳn. Trên màn hình là dòng chữ yêu cầu kiểm tra dịch vụ. Sự im ắng bất thường của cái vật dụng hay làm phiền này hóa ra không dễ chịu như ta vẫn tưởng. Cũng hoang mang mất mấy ngày đầu. Cứ như thể, chỉ rình mình vừa ra khỏi nhà, vừa khuất bóng khỏi cơ quan, là bao bất trắc dồn dập tìm đến. Rồi sau những nỗi lo lắng băn khoăn này nọ, tự trấn an rằng vắng mình mọi người mọi vật rồi vẫn cứ vận hành suôn sẻ thôi mà, vẫn thấy lòng cứ thắc thỏm không yên. Ra là nhớ...
Khi những vạch sóng "hồi sinh", chiếc điện thoại như không còn là cái vật rung lên những hồi chuông đáng ghét nữa, nó là gia đình báo cáo đủ mấy lượt một ngày là ai nấy vẫn bình yên, là bè bạn để than vãn về những vui buồn hay hỏi thăm về cung đường phía trước, là dăm mối tơ vương nhắn qua nhắn lại để tủm tỉm một mình.
Lâu rồi không đi xa, điện thoại bật 24/24 với những cuộc gọi bẳn gắt và ngắn gọn về công việc, tự nhiên thèm một chuyến "ngoài vùng phủ sóng". Để kiểm nghiệm lòng mình có trống trải phía nào không!