Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam vào khoảng 480 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2017-2030. Nguồn ngân sách rất lớn nhưng khả năng huy động vốn của Việt Nam không dễ.
Theo Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN Trương Trọng Nghĩa, Việt Nam có quy mô nền kinh tế chưa lớn, khả năng tích lũy hạn chế nhưng ngân sách nhà nước phải dành 5,7% GDP để đầu tư cơ sở hạ tầng, cao nhất Đông Nam Á và cao hơn cả Ấn Độ.
Chính việc duy trì đầu tư ở mức cao cho kết cấu hạ tầng ảnh hưởng đến bảo đảm cân đối vĩ mô, đến phát triển chung của nền kinh tế. Đồng thời, việc đầu tư lớn cho kết cấu hạ tầng dẫn đến gây áp lực đối với trần nợ công. Vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp thu hút đầu tư tư nhân nhằm thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng với các quốc gia khác.
Cần vốn lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng
Cuối năm 2021, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 1831/QĐ-TTg ngày 1/11/2021 ban hành danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025. Theo đó, có 157 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài thuộc các lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng năng lượng, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống xử lý rác, nước thải, y tế, giáo dục, du lịch, nông lâm thủy sản, sản xuất và dịch vụ... Có 34 dự án hạ tầng giao thông, trong đó có 23 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo các chuyên gia, sẽ không có nguồn vốn nào để có thể hoàn thành 5.000km cao tốc vào năm 2030 nếu không phải là PPP. Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, tổng chiều dài mạng lưới đường bộ cao tốc khoảng 9.014km và mạng lưới quốc lộ dài khoảng 29.795km. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 phấn đấu hoàn thành khoảng 1.800km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 3.000km. Giai đoạn 2026-2030 hoàn thành khoảng 2.000km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 5.000km.
Để thực hiện khối lượng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tính toán nhu cầu vốn triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc đến năm 2030 khoảng 900.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 nhu cầu khoảng 390.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới cân đối được nguồn vốn ngân sách trung ương được 250.000 tỷ đồng, phần còn lại sẽ huy động từ nguồn ngoài ngân sách. Giai đoạn 2026-2030, dự kiến nhu cầu khoảng 510.000 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách trung ương, địa phương) và vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo danh mục kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của kỳ kế hoạch 2021-2030.
Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, theo kế hoạch, đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ, 4 cụm cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu vốn ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng vùng này vào khoảng 198.823 tỷ đồng, với 37 dự án mới và 14 dự án chuyển tiếp. Do nguồn vốn này vượt khả năng cân đối nên Bộ Giao thông Vận tải đang đề nghị Chính phủ cân đối tối thiểu khoảng 57.346 tỷ đồng để đầu tư các dự án trọng điểm tại khu vực. Vì vậy, số vốn còn lại chỉ có thể huy động từ khu vực tư nhân.
Còn với đường sắt Việt Nam, theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt cần đến 240.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13% toàn ngành, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tuy nhiên, hiện ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021-2025 là 14.025 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 5,8% so với nhu cầu của đầu tư 10 năm tới. Như vậy, nhu cầu vốn trong giai đoạn 2026-2030 sẽ đến hơn 227.000 tỷ đồng, gấp đến 16 lần giai đoạn 2021-2025. Để có nguồn tiền này, cần phải huy động từ nhà đầu tư.
Riêng ở TP.HCM, có rất nhiều dự án lớn cần phải thực hiện theo hình thức PPP. Trong đó có dự án đường Vành đai 3, dự án đường trên cao Bắc - Nam... Chỉ riêng với dự án đường trên cao cần nguồn vốn lên đến 30.000 tỷ đồng.
Vẫn còn vướng mắc
Tại Việt Nam, PPP bắt đầu thực hiện từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định 77/CP về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với nhà đầu tư trong nước. Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, quy định về PPP đã tương đối hoàn thiện. Trong những năm gần đây, hình thức đầu tư PPP mang lại kết quả đáng kể khi cơ sở hạ tầng phát triển với tốc độ nhanh đã thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều bất cập.
Chia sẻ tại hội thảo "Thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao thông qua hình thức hợp đồng đối tác công - tư (PPP)", ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, mặc dù đã có chính sách khung pháp lý nhưng các chính sách PPP chưa thật sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư PPP còn nhiều bất cập và đang có dấu hiệu chững lại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Cụ thể, hệ thống chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP không được xây dựng riêng biệt mà lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch phát triển quốc gia, ngành, địa phương. Đã vậy, một số chi tiêu định hướng trong chiến lược, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng chưa phù hợp với khả năng huy động vốn các nguồn lực, trong đó có PPP. Đã vậy, quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hầu hết đều không có sự tham gia đóng góp hoặc có tham gia nhưng chỉ mang tính thủ tục từ các nhà đầu tư, nhà tài trợ, cộng đồng.
Văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp về PPP (hiện nay là Luật Đầu tư PPP 2020) đã quy định rõ ràng trình tự chuẩn bị, thực hiện dự án. Tuy nhiên, nhiều thủ tục cụ thể trong quá trình triển khai dự án PPP cũng chịu sự điều chỉnh của các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước (đối với việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án PPP), Luật Đầu tư công (vốn đầu tư công trong dự án PPP), Luật Doanh nghiệp (hoạt động của doanh nghiệp dự án), Luật Xây dựng (thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán)... nhiều quy định chồng chéo giữa các luật với nhau dẫn đến khó khăn thực hiện trong thực tế. Đã vậy, nội dung quy định và tại các luật liên quan này được xây dựng hướng tới dự án công hoặc đầu tư tư nhân thuần túy, chưa xét đến đặc thù đầu tư PPP. Các quy trình, thủ tục cũng được triển khai riêng lẻ, chưa đảm bảo hài hòa với các quy trình thực hiện PPP...