Tổng thống Mỹ Joe Biden lắng nghe báo cáo về Covid-19 tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ. |
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ ngày 26/5/2021 cho biết, các cơ quan tình báo nước này đang theo đuổi nhiều giả thuyết, trong đó có khả năng Covid-19 bắt nguồn từ một sự cố tại phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Trong khi đó, kênh CNBC dẫn nguồn tin nói ông Biden tiết lộ rằng, đã giao cho giới tình báo Mỹ chuẩn bị "một báo cáo phân tích cập nhật nhất về nguồn gốc Covid-19, gồm khả năng do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, hay khả năng xuất phát từ một sự cố trong phòng thí nghiệm" vào đầu năm nay.
"Đến nay, giới tình báo đã đưa ra 2 giả thuyết rất có khả năng, nhưng chưa đi đến kết luận chắc chắn về điều này. Hiện, tôi đã yêu cầu giới tình báo tăng gấp đôi nỗ lực thu thập và phân tích thông tin để có thể giúp chúng tôi tiến gần hơn đến một kết luận dứt khoát (về nguồn gốc Covid-19) và báo cáo lại cho tôi trong 90 ngày", ông Biden nói.
Bên cạnh Mỹ, đại diện từ nhiều quốc gia khác ngày 26/5/2021 cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tìm ra lời đáp xung quanh cách thức Covid-19 lây lan sang người từ ban đầu, khi phát biểu tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) - cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đại diện Liên minh châu Âu, Australia và Nhật Bản thúc giục cần đạt tiến triển mới trong cuộc điều tra; còn đại diện Anh kêu gọi bất kỳ cuộc điều tra nào cũng phải "kịp thời, do chuyên gia dẫn dắt và dựa trên cơ sở khoa học vững chắc".
Link bài viết
Trước đó 3 ngày, tờ Wall Street Journal đã dẫn một báo cáo tình báo chưa được công bố của Mỹ, cho biết 3 nhà nghiên cứu từ Viện Virus học Vũ Hán từng đến bệnh viện để chăm sóc y tế vào tháng 11/2019 - một tháng trước khi Trung Quốc chính thức công bố các ca Covid-19.
Khi được hỏi về thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bác bỏ thông tin này, cáo buộc Mỹ "truyền bá các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch như khả năng Covid-19 lọt từ phòng thí nghiệm". "Thông tin bạn đề cập về việc 3 người tại Viện Virus học Vũ Hán bị bệnh là hoàn toàn sai sự thật", ông nói.
Chỉ trích động thái từ Mỹ là "thiếu tôn trọng" đối với cuộc điều tra của WHO và có nguy cơ "phá hoại sự đoàn kết toàn cầu nhằm chống lại đại dịch", ông Kiên nói: "Nếu Mỹ thực sự muốn hoàn toàn minh bạch thì hãy hành động như Trung Quốc đã làm, mời các chuyên gia của WHO tới thăm Mỹ và mở điều tra".
Giả thuyết virus lọt ra từ Viện Virus học Vũ Hán được thúc đẩy mạnh mẽ dưới thời tổng thống Trump - điều ban đầu bị hầu hết chuyên gia và quan chức y tế bác bỏ vì cho đó là thuyết âm mưu. Hiện, dù không cho rằng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm nhất thiết phải là nguồn gốc gây đại dịch, song một số nhà khoa học quốc tế nổi tiếng tin rằng cần có cái nhìn sâu hơn, khoa học hơn về giả thuyết này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hồi tháng 4/2020. Ảnh: AFP |
Ủng hộ việc mở cuộc điều tra mới, Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ Xavier Becerra nói: "Giai đoạn hai của nghiên cứu nguồn gốc Covid-19 phải được tiến hành với các điều khoản tham khảo minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học và cho phép chuyên gia quốc tế độc lập đánh giá đầy đủ nguồn gốc virus và những ngày đầu bùng phát".
"Mục đích của cuộc điều tra không phải để đổ lỗi, mà dựa trên cơ sở khoa học để tìm ra nguồn gốc virus và các đợt bùng phát, đồng thời giúp tất cả chúng ta ngăn chặn những thảm họa toàn cầu trong tương lai xảy ra", đại diện Mỹ Jeremy Konyndyk nói. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhạy cảm về mặt ngoại giao, chương trình nghị sự của WHA đã không đưa ra nghị quyết nào về các bước tiếp theo.
Vào đầu năm, WHO đã cử nhóm chuyên gia đến Vũ Hán để điều tra nguồn gốc Covid-19. Sau đó, nhóm chuyên gia đã công bố báo cáo, và không đưa ra kết luận chắc chắn về nguồn gốc đại dịch, mà chỉ xếp hạng một số giả thuyết theo mức độ tin tưởng của họ. Theo báo cáo, virus lây từ dơi sang người thông qua động vật trung gian là kịch bản có thể xảy ra nhất; còn giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".