Nhật Bản và tham vọng dùng nghệ thuật thúc đẩy kinh tế

Hồng Như| 29/09/2021 09:40

Ngay khi đến sân bay quốc tế Haneda, Tokyo, du khách sẽ bị thu hút bởi cụm vật thể bao gồm nhiều chiếc loa xếp chồng lên nhau đặt ngay sảnh sân bay. Một số người tò mò đến gần, sẽ nghe được nhiều âm thanh thú vị hơn.

Đây là dự án Crowd Cloud của nghệ sĩ, nhà thiết kế Yuri Suzuki và nghệ sĩ âm nhạc Miyu Hosoi, cũng là một phần trong dự án đầy tham vọng của Chính phủ Nhật Bản nhằm biến Tokyo thành trung tâm nghệ thuật toàn cầu.

Cong-trinh-nghe-thuat-Crowd-Cl-5448-2859

Công trình nghệ thuật "Crowd Cloud" đang được trưng bày tại sân bay Haneda

Biến sân bay thành nơi trưng bày

Tetsuya Kawabe - Giám đốc điều hành cấp cao của Viện Nghiên cứu Tương lai Haneda chia sẻ: “Là điểm nhập cảnh vào Nhật Bản, các sân bay như Haneda có thể giúp chúng tôi giới thiệu những đặc trưng về văn hóa, nghệ thuật của đất nước, nguồn tài nguyên to lớn nhưng chưa được đánh giá cao”.

Theo Vụ Văn hóa Nhật Bản, dự án biến Haneda và các sân bay khác thành điểm đến nghệ thuật là một phần trong mục tiêu dài hạn của Chính phủ nhằm tận dụng tài sản văn hóa vốn có, đặc biệt là nghệ thuật đương đại, để tạo nên sự "giàu có" mới và thu hút sự chú ý của quốc tế.

Sắp tới, sân bay Haneda sẽ tổ chức một số cuộc đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ như Yayoi Kusama, Yoshitomo Nara và Takashi Murakami.

Ý tưởng này nghe có vẻ kỳ quặc nhưng Kawabe tin rằng: “Nếu mọi kế hoạch đều thuận lợi, văn hóa sẽ trở thành ngành công nghiệp lớn của Nhật Bản”. Bằng chứng là trong suốt những thập niên qua nước này luôn sáng tạo trong việc sử dụng nghệ thuật để thúc đẩy thương mại.

Khong-gian-tai-Hoi-cho-nghe-th-7219-6053

Không gian tại Hội chợ nghệ thuật Tokyo năm 2020

Theo khảo sát Nghiên cứu thị trường Công nghiệp Nghệ thuật Nhật Bản năm 2020, những năm gần đây các cửa hàng bách hóa trở trụ cột chính, chiếm gần 35% doanh số bán các sản phẩm nghệ thuật trong nước. Năm ngoái, với đội ngũ chuyên gia nắm rõ thị hiếu khách hàng, nơi đây đã bán được số lượng tác phẩm trị giá 67,3 tỷ Yên (tương đương 612 triệu USD), cao hơn doanh thu của các phòng trưng bày nghệ thuật địa phương. 

Link bài viết

Nhật Bản đang nuôi tham vọng sử dụng tác phẩm nghệ thuật để thúc đẩy nền kinh tế, thay thế doanh thu từ ngành du lịch nghỉ dưỡng và khách sạn. Setouchi International Art Triennale - Lễ hội nghệ thuật đương đại Nhật Bản, tổ chức vào năm 2019 trên 12 hòn đảo ở biển nội địa Seto đã thu hút gần 1,2 triệu du khách, tạo ra doanh thu khoảng 18 tỷ Yên (tương đương 61 triệu USD). 

Tuy nhiên, doanh thu tại thị trường nghệ thuật Nhật Bản vẫn nhỏ bé so với 3 trung tâm nghệ thuật lớn trên thế giới là Mỹ, Anh và Trung Quốc. Vốn là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới nhưng thị phần thị trường nghệ thuật toàn cầu của nước này chỉ trị giá 64,1 tỷ USD, tương ứng 3,2% so với mức 44% của Mỹ, 20% của Anh và 18% của Trung Quốc (theo số liệu của Art Basel và báo cáo thị trường nghệ thuật toàn cầu của UBS năm 2019).

Biến nghệ thuật thành ngành công nghiệp

Theo Nikkei Asia, trước đây thị trường nghệ thuật của Nhật Bản vốn rất sôi động. Vào cuối những năm 1980, trong thời kỳ “nền kinh tế bong bóng”, khi giá tài sản Nhật Bản tăng nhanh chóng, các nhà sưu tập Nhật Bản đã đẩy giá tác phẩm nghệ thuật lên bằng cách mua lại các tác phẩm lớn, chẳng hạn như bức Sunflowers của Van Gogh với mức giá kỷ lục là 39,9 triệu USD.

Tuy nhiên, kể từ khi bong bóng tài sản của Nhật Bản vỡ vào đầu những năm 1990, sở thích sưu tầm tác phẩm nghệ thuật đã giảm và chỉ có 5 nhà sưu tập của nước này lọt vào danh sách “200 nhà sưu tập hàng đầu” do ARTnews tổng hợp vào năm 2020.

Vấn đề của sự suy giảm này là do chính sách thuế của Nhật không khuyến khích việc đầu tư vào nghệ thuật. Chẳng hạn với chính sách tại Mỹ, các nhà sưu tập có thể nhận được khoản khấu trừ thuế đáng kể nếu họ tặng tác phẩm nghệ thuật cho các tổ chức văn hóa.

Naohiko Kishi - Giám đốc đại diện của Hiệp hội Nghệ thuật Tokyo chia sẻ: “Nhật Bản đang thiếu những cá nhân giàu có và có sự am hiểu văn hóa đủ để hỗ trợ đầu tư vào nghệ thuật. Mặt khác, với đa số người Nhật, cuộc sống hàng ngày của họ đã tràn ngập quá nhiều đồ vật đẹp đẽ, đến mức phải đặt ra câu hỏi: Liệu họ cần nghệ thuật để làm gì?”.

Hiện Chính phủ Nhật đã can thiệp vào thị trường và khuyến khích các nhà sưu tập, đặc biệt là các nhà sưu tập quốc tế, hướng đến Nhật như một điểm đến nghệ thuật quan trọng. Đồng thời, Chính phủ cũng lên kế hoạch để xây dựng nghệ thuật thành một ngành công nghiệp có thể tạo ra của cải mới, hỗ trợ một xã hội đang dần “già đi”.

Mandala-Q-mot-tac-pham-nghe-th-6209-9341

Mandala-Q, một tác phẩm nghệ thuật của Mirai Mizue, hiện đang được trưng bày tại sân bay Fukuoka

Năm ngoái, một số quy định đã được nới lỏng, cho phép các khu dân cư hoặc thậm chí các tòa nhà riêng lẻ có thể tổ chức bán tác phẩm nghệ thuật, không cần thu thuế.

Vào tháng 3 năm nay, Vụ Văn hóa Nhật Bản đã ra mắt Art Platform Japan, cổng thông tin trực tuyến về nghệ thuật đương đại của Nhật Bản bằng tiếng Anh để thu hút giới nghệ thuật quốc tế.

Đầu tháng 11 tới, Tuần lễ Nghệ thuật Tokyo sẽ được tổ chức với sự tham gia của 50 phòng trưng bày và bảo tàng nghệ thuật, bao gồm cả các phòng trưng bày quốc tế của Blum & Poe và Perrotin. Tuần lễ này nhằm làm nổi bật tiềm năng của Tokyo và hướng đến phát triển thủ đô như một điểm đến nghệ thuật.

Song Sundaram Tagore - người có phòng tranh cùng tên ở New York, đại diện cho Hiroshi Senju, bậc thầy đương đại của hội họa Nihonga nói: “Để phát triển thị trường nghệ thuật quốc tế quy mô lớn, Chính phủ Nhật cần phải làm nhiều hơn nữa. Ngoài việc giảm hoặc bỏ thuế với các giao dịch nghệ thuật, nước này có thể hỗ trợ các khoản trợ cấp thuê phòng trưng bày và xây dựng đội ngũ nhân viên am hiểu về nghệ thuật để làm việc trong các triển lãm quốc tế”.

Các nhà phê bình nhận định, ngay cả khi Nhật Bản thành công trong việc kích thích thị trường nghệ thuật trong nước và tạo được động lực mới, thì việc quảng bá hình ảnh nghệ thuật ra nước ngoài lại là vấn đề nan giải. Lúc này vai trò của giới truyền thông rất quan trọng trong việc khắc họa bối cảnh nghệ thuật sôi động ở Nhật Bản. Nếu không thể quảng bá trên nhiều phương diện, Nhật có nguy cơ thua các quốc gia khác trong việc trở thành một trung tâm nghệ thuật quốc tế. 

Tagore nói: “Trong một xã hội hậu công nghiệp, nếu bạn muốn xây dựng một thành phố nghệ thuật của thế giới, bạn phải tạo được một nền văn hóa thế giới. Không chỉ Nhật Bản, các quốc gia khác cũng phải học được điều này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật Bản và tham vọng dùng nghệ thuật thúc đẩy kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO