Nhật Bản ban hành luật thúc đẩy ngôn ngữ ký hiệu, hướng tới Deaflympics 2025
Chính phủ Nhật Bản vừa chính thức thông qua đạo luật đầu tiên về ngôn ngữ ký hiệu, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin và giao tiếp cho cộng đồng người khiếm thính, đồng thời chuẩn bị cho sự kiện thể thao quốc tế Deaflympics 2025 sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.
Theo hãng tin Kyodo News ngày 20/7, đạo luật này yêu cầu chính quyền trung ương và chính quyền địa phương thực thi các biện pháp cụ thể nhằm mở rộng việc giảng dạy, học tập và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong xã hội.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản xác nhận đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định rõ ràng về vai trò và vị thế của ngôn ngữ ký hiệu tại quốc gia này.
Đạo luật có hiệu lực từ ngày 25/6, đặt trọng tâm vào việc xây dựng môi trường giáo dục phù hợp, đảm bảo người khiếm thính có thể tiếp cận thông tin một cách bình đẳng.
Ngoài ra, luật cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy văn hóa ngôn ngữ ký hiệu thông qua các hình thức nghệ thuật truyền thống, sân khấu và hoạt động cộng đồng.

Chính phủ được yêu cầu hỗ trợ tài chính cho các chương trình liên quan, đồng thời tăng cường đào tạo và bổ sung đội ngũ giáo viên có chuyên môn về ngôn ngữ ký hiệu để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh khiếm thính.
Đạo luật được ban hành trong bối cảnh Nhật Bản chuẩn bị lần đầu tiên đăng cai tổ chức Deaflympics - Thế vận hội dành cho các vận động viên khiếm thính và khiếm thính nặng tại Tokyo và một số địa phương lân cận. Dự kiến sự kiện sẽ quy tụ khoảng 6.000 vận động viên và quan chức đến từ 70 đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phát biểu về đạo luật này, Liên đoàn Người khiếm thính Nhật Bản đã bày tỏ sự hoan nghênh và kỳ vọng rằng việc chính thức công nhận và thúc đẩy ngôn ngữ ký hiệu sẽ “soi sáng tương lai của cộng đồng người khiếm thính và khiếm thính nặng tại Nhật Bản”.